Các nhà thiên văn học cho biết họ đã phát hiện được hành tinh đầu tiên có nguồn gốc “xuất thân” từ bên ngoài Dải Ngân hà của chúng ta.
|
Hình vẽ minh họa cho thấy HIP 13044, một ngoại hành tinh quay quanh một ngôi sao đã tiến vào Dải Ngân hà của chúng ta từ một ngân hà khác |
Theo các nhà thiên văn, hành tinh giống sao Mộc này nằm trong một hệ mặt trời từng thuộc về ngân hà lùn. Ngân hà này sau đó bị Dải Ngân hà của chúng ta “ăn” mất. Hành tinh được đặt tên là HIP 13044, được một kính thiên văn ở Chile phát hiện, và hiện đang ở giai đoạn cuối trong vòng đời của nó. Hành tinh nằm cách trái đất của chúng ta 2000 năm ánh sáng. Bằng nhiều phương pháp thiên văn khác nhau, cho đến nay các nhà “săn” hành tinh đã “săn” được gần 500 “ngoại hành tinh”, nằm ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Tuy nhiên, tất cả các hành tinh được phát hiện từ trước đến này đều là “dân bản xứ” của Dải Ngân hà của chúng ta. Vì vậy phát hiện mới này khác hẳn, bởi hành tinh quay quanh một ngôi sao thuộc về một nhóm các ngôi sao có tên gọi “dòng Helmi”, được biết từng thuộc về một dải ngân hà lùn riêng rẽ. Dải ngân hà này bị Dải Ngân hà của chúng ta “thôn tính” vào khoảng 6-9 tỷ năm về trước, trong hoạt động gọi là “ăn thịt” trong thiên hà. Hành tinh mới được cho là có khối lượng ít nhất lớn gấp 1,25 khối lượng của sao Mộc và quay quanh rất gần với ngôi sao mẹ của nó, có quỹ đạo chỉ 16,2 ngày. Nó nằm trong chòm Fornax. Theo các nhà nghiên cứu, hành tinh này có thể đã được hình thành từ kỷ nguyên đầu của hệ mặt trời của nó, trước khi sát nhập với Dải Ngân hà của chúng ta. “Phát hiện này vô cùng lý thú”, Rainer Klement, thuộc Viện thiên văn Max Planck ở Heidelberg, Đức, cho hay. “Lần đầu tiên, các nhà thiên văn phát hiện được một hệ thống hành tinh trong chòm sao có nguồn gốc nằm ngoài Dải Ngân hà của chúng ta. Cuộc sát nhập trong vũ trụ này đã mang đến một hành tinh ngoài Dải Ngân hà”. Phát hiện mới cũng có thể cho chúng ta có cái nhìn phác họa về những ngày cuối cùng của hệ mặt trời của chúng ta sẽ như thế nào. HIP 13044 hiện đang trong giai đoạn sống cuối cùng. Do đã tiêu hao hết nhiên liệu hydro trong lõi của mình, nó đã phình thành một “sao khổng lồ đỏ” và có thể đã “nuốt” những hành tinh đá nhỏ hơn, giống như trái đất của chúng ta nếu trong tiến trình tương tự, trước khi teo lại. “Ngôi sao đang quay rất nhanh”, tiến sỹ Johny Setiawan, người cũng làm ở Viện thiên văn Max Planck, và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. “Giải thích cho việc này là HIP 13044 đã nuốt các hành tinh bên trong nó trong quá trình hình thành “sao khổng lồ đỏ”, khiến cho ngôi sao quay nhanh hơn”.
Theo Phan Anh
Dân Trí
Dân Trí