Phát hiện ngôi mộ cổ mọc trước đình làng

(PLO) -Trong quá trình khắc phục sự cố sạt lở tại tuyến đường Sơn Thủy thuộc quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), lực lượng chức năng đã phát hiện một ngôi mộ “lạ” ở khu vực trước di chỉ văn hóa đình làng Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). 
Ngôi mộ được cho là có niên đại 300 năm (ảnh do lực lượng chức năng quận Ngũ Hành Sơn cung cấp)
Ngôi mộ được cho là có niên đại 300 năm (ảnh do lực lượng chức năng quận Ngũ Hành Sơn cung cấp)

Theo đó, quan sát quá trình dón lớp đất cát bao phủ ngôi mộ tại hiện trường thể hiện, ngôi mộ được phát hiện còn khá nguyên vẹn, có kích thước tổng thể 6,8m x 4,1m. Vật liệu xây dựng ngôi mộ chủ yếu vữa đá vôi. Dựa vào tổng mặt bằng xây dựng, cách bố trí cũng như kiến trúc xây dựng (hoa văn, các chi tiết trên các bộ phận...) có thể sơ bộ xác định được đây là ngôi mộ của người Việt. 

Tuy nhiên, do khuôn viên di chỉ đình làng Khuê Bắc từng được các nhà nghiên cứu tiến hành 2 đợt khai quật khảo cổ học vào năm 2001 và 2015. Kết quả khai quật năm 2015 trên diện tích 100m2 (5mx20m), cách di chỉ khai quật lần đầu tiên vào năm 2001 khoảng 10m về hướng Nam, đã phát hiện 4.554 hiện vật, gồm 13 đồng tiền, 25 mảnh nhuyễn thể, 207 hiện vật đá và 4.309 hiện vật gốm. Thậm chí các nhà nghiên cứu còn phát hiện cả cụm san hô hóa thạch, góp thêm bằng chứng về cư dân Sa Huỳnh gắn liền với kinh tế biển.

Sau khi nghiên cứu các hiện vật thu thập, địa tầng văn hóa, các nhà nghiên cứu nhận xét di chỉ đình làng Khuê Bắc gồm 2 lớp văn hóa. Lớp văn hóa 1 bắt đầu từ khoảng thế kỷ 2 và kéo dài liên tục đến thế kỷ 19-20, trực tiếp trên địa bàn cư trú của người Sa Huỳnh. Lớp văn hóa 2, địa tầng hố khai quật và các di tích, di vật phát hiện được cho thấy đây là lớp văn hóa Sa Huỳnh, thuộc giai đoạn văn hóa Long Thạnh, có nhiều nét tương đồng với Bãi Ông (Cù Lao Chàm), Long Thạnh (Quảng Ngãi), niên đại khoảng hơn 3.000 năm.

Từ cơ sở này, một số ý kiến cho rằng ngôi mộ vừa được phát hiện là một ngôi mộ cổ, có niên đại khoảng hơn 300 năm.

Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Ngũ Hành Sơn, phường Hòa Hải đã tiến hành khơi thông rộng rãi khu vực này, phân công lực lượng dân quân tiến hành đào định hình vị trí của ngôi mộ. Đồng thời bố trí lực lượng công an bảo vệ hiện trường nghiêm ngặt trước khi bàn giao cho đơn vị có liên quan tiến hành khai quật xác định giá trị lịch sử.

Phía UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng đã có văn bản gửi Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng (thuộc Sở Văn hóa -Thể thao Đà Nẵng), đề nghị phối hợp giám định, xử lý ngôi mộ phát hiện tại phường Hòa Hải.

Bước đầu, đơn vị này cho rằng không có cơ sở khẳng định ngôi mộ cổ. Thế nhưng, để đảm bảo cơ sở pháp lý, khách quan, đúng quy trình và quy định của Luật Di sản văn hóa, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng đề nghị UBND quận Ngũ Hành Sơn mời chuyên gia Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, có ý kiến thẩm định niên đại, nguồn gốc cũng như giá trị của ngôi mộ nói trên. Đồng thời chỉ đạo UBND phường Hòa Hải tổ chức họp với Ban đại diện các chư phái tộc của phường để thông báo và tìm hiểu ngôi mộ kể trên thuộc về gia tộc nào?. Có ai là thân nhân của ngôi mộ hay không?.

“Sau khi họp các chư phái tộc trong phường mà không có thân nhân đứng ra nhận ngôi mộ nói trên là của tộc mình, đề nghị UBND quận Ngũ Hành Sơn chỉ đạo UBND phường Hòa Hải và các phòng, ban chuyên môn thực hiện việc cải táng ngôi mộ lên nghĩa trang Hòa Sơn theo đúng quy định!”, văn bản của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng nêu.

Đọc thêm