Bữa sáng, bé Thỏ đặt em búp bê ngồi ghế, rồi vừa cầm cây chổi lông gà đi tới đi lui vừa nói: " Ăn mau lẹ lên không là dùng roi đánh vào đít".
Cả nhà cứ khen bé Mập thông minh và nhanh nhẹn vì những “phát ngôn” có một không hai của con. Con đi học mẫu giáo, thường xuyên bắt nạt, giành đồ chơi của bạn. Cô giáo đã nhắc Mập nhiều lần nhưng con không nghe. Có lần, cô phạt bắt Mập đứng vào góc lớp suốt cả buổi sáng.
Mập bực lắm. Đứng được một lát, con vừa khóc vừa hét lớn: “Cô đánh con nữa đi, con về nhà, con lấy dao chém tay cô luôn”. Nhưng khi cô kể lại với bố mẹ Mập về những hành động đó, bố mẹ bé lại cười vì những phản ứng “bất ngờ và đáng yêu” đó của con.
Cũng phải thôi, nhà con ở gần ga Hà Nội nên những lời nói đó con nghe cũng thành quen rồi.
|
Bố mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến những biểu hiện cũng như phát ngôn không bình thường ở trẻ để có hướng giáo dục trẻ tốt hơn (Ảnh minh họa) |
Bé Thỏ gần 3 tuổi, rất thích chơi búp bê. Bữa sáng, bé Thỏ đặt em búp bê ngồi ghế, rồi vừa cầm cây chổi lông gà đi tới đi lui vừa nói: " Ăn mau lẹ lên không là dùng roi đánh vào đít". Sau đó bé cho búp bê ngủ và nói: "Ngủ mau không ngủ là lấy kim đâm vào mắt đó".
Đó cũng là ảnh hưởng khi bé ở nhà với người giúp việc xem quá nhiều phim nước ngoài.
Môi trường sống rất quan trọng với con trẻ
Đúng là môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển và ngôn ngữ của trẻ. Trẻ đang tuổi học hỏi mà bố mẹ để cho trẻ tiếp xúc với những phát ngôn không lành mạnh, trẻ con sẽ dễ học hỏi theo và bị nhiễm. Ở độ tuổi này, bé học rất nhanh và chỉ biết bắt chước khi nghe người khác nói chứ không hiểu được ý nghĩa của điều mình nói. Nguy hiểm hơn là nhiều bố mẹ lại cho rằng điều đó là sự thông minh, đáng yêu và giỏi của con mình, cổ vũ cho con tiếp tục làm những hành động đó.
Bố mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến những biểu hiện cũng như phát ngôn không bình thường ở trẻ để có hướng giáo dục trẻ tốt hơn.
Bố mẹ hãy giải thích cho con một cách đơn giản rằng: “Đó là từ không nên nói, nói như thế là không ngoan.” Tuy nhiên với những tiếng chửi bậy và nói bậy, nói lái của người lớn, bố mẹ cần giải thích kỹ càng chúng có nghĩa là gì, chỉ cần bé hiểu: “Đó là từ xúc phạm người khác, con thử nghĩ xem mình đã làm người khác cảm thấy như thế nào.”
Khi một đứa trẻ còn rất nhỏ nói bậy, đó thường chỉ đơn giản là chúng đang lặp lại những gì nghe được, vậy nên lờ đi, và thỉnh thoảng nhắc rằng những từ đó “không hay, không nên” là đủ rồi.
Tuy nhiên, trẻ đến tuổi đi học, chuẩn bị vào tuổi teen hay đang tuổi teen đều đã có khả năng tuân theo những quy định (hay mong muốn) của bố mẹ về việc sử dụng từ ngữ, đặc biệt là khi ở nhà. Con cần hiểu được những gì người khác trông đợi ở mình và cần chịu trách nhiệm về những hành động của mình.
Không chỉ cần giúp con hiểu được hậu quả của việc nói bậy, mà bố mẹ còn phải cương quyết một khi đã đặt ra những quy định. Đừng để việc nói bậy đạt được kết quả! Nếu con vùng vằng nói bậy vì muốn đòi thứ gì đó, hãy chắc chắn bé không đạt được mục đích ấy.
Bố mẹ cũng đừng nghĩ các bé còn nhỏ, chưa biết gì, chờ lớn lên sẽ tự ngoan hơn. Nếu giữ thái độ im lặng, các bé sẽ nghĩ lời nói đó là không sai và càng dùng chúng với tần suất nhiều hơn. Đúng là khi lớn lên, bé sẽ hiểu đâu là lời hay ý đẹp, đâu là lời nói xấu, cần loại bỏ. Nhưng việc dạy dỗ con phải được định hướng từ nhỏ. Bởi vì, nếu bé đã có thói quen xấu thì khi lớn lên, không dễ gì để giảng dạy lại từ đầu.