Theo tính toán của các nhà mạng, hiện có gần 30 triệu người chưa sử dụng mạng di động, chủ yếu là người có thu nhập thấp. Dự kiến, cuối năm nay, Việt Nam sẽ có khoảng 5 triệu thuê bao 3G, bởi vậy, từ nhiều tháng qua, các nhà mạng được cấp phép triển khai dịch vụ 3G cấp tập triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật để cung ứng dịch vụ tới khách hàng.
Vinaphone dự kiến triển khai dịch vụ 3G với 5 giai đoạn. Giai đoạn đầu, sẽ phủ sóng 20% vùng dân cư. Giai đoạn 2 (sau 3 năm), phủ sóng 50% vùng dân cư. Sau 5 năm, phủ sóng 75% vùng dân cư. Giai đoạn 4 và 5 sẽ phủ sóng đến 90% vùng dân cư sau 10 năm cung cấp 3G. Để chuẩn bị cho 3G, Viettel đầu tư mạng truyền dẫn cáp quang dung lượng lớn với hơn 60.000km. Bên cạnh đó, Viettel cũng sở hữu mạng lõi IP, mạng trục dữ liệu di động MPBN (Mobile Packet Backbone Network) với dung lượng 8,4 Tbps. Theo kế hoạch, khi khai trương dịch vụ 3G, Viettel sẽ có 5.000 trạm và phủ sóng khoảng 86% vùng dân cư. Viettel dự kiến sau 2 năm sẽ có khoảng 5% thuê bao di động dùng 3G, tức khoảng 2,8 triệu thuê bao và con số này sẽ tăng lên 30% sau 5 năm, đạt khoảng 20 triệu thuê bao. Cam kết mạnh hơn, MobiFone cho biết sau khi được cấp phép triển khai dịch vụ 3G, trong vòng 3 tháng, MobiFone sẽ có ngay cuộc gọi trên mạng 3G đầu tiên và cũng phủ sóng tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, nhất là tại những tỉnh, thành phố đông dân cư. Trong 3 năm, MobiFone sẽ phủ sóng 3G đến 98% vùng dân cư.
Với những cam kết, dự kiến lộ trình triển khai như trên, cuộc chạy đua cung cấp dịch vụ 3G giữa các đại gia ngày càng ráo riết, quyết liệt. Theo đó, các chiến dịch xây lắp hệ thống cột phát sóng 3G, quảng bá, giới thiệu dịch vụ và chế độ ưu đãi với khách hàng... được đồng loạt triển khai. Chiến thuật "đổ bộ và xâm chiếm” là cách mà các doanh nghiệp viễn thông áp dụng để tìm kiếm những khách hàng 3G đầu tiên tại những địa phương phủ sóng.
Theo lãnh đạo Công ty Dịch vụ viễn thông GPC - VinaPhone, hiện nhu cầu sử dụng dịch vụ này tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ngày càng cao. Phần đông thuê bao 3G mới hiện nay của VinaPhone ở 2 thị trường này. Thành phố Hải Phòng, với hơn 1,7 triệu dân, trên 2 triệu thuê bao (84% là thuê bao di động), đang là thị trường lớn cho các doanh nghiệp thu hút khách sử dụng mạng dịch vụ 3G. Có 4 doanh nghiêp cung ứng dịch vụ internet gồm Viễn thông Hải Phòng, Viettel, Mobifone, FPT, EVN Telecom, trong đó, Viễn thông Hải Phòng chiếm thị phần chủ yếu. Thời gian qua, Viễn thông Hải Phòng tích cực triển khai xây dựng các trạm phát sóng 3G. Đến hết năm 2009, Viễn thông Hải Phòng đã hoàn thành 100 trạm phát sóng 3G; phát triển mới hơn 30.000 thuê bao điện thoại di động Vinaphone. Viettel phát triển hơn 709.000 thuê bao. MobiFone phát triển hơn 64.000 thuê bao trả sau. Thị trường 3G dự kiến tiếp tục nóng hơn trong thời gian tới, bởi thị trường thông tin di động ngày càng có nhiều cạnh tranh giữa các nhà cung cấp. Sự có mặt đầy đủ các nhà cung cấp tại thị trường Hải Phòng là thách thức lớn đối với các hoạt động cạnh tranh thị phần giữa các nhà mạng. Trong điều kiện hiện nay, nhà mạng nào có hạ tầng tốt, dịch vụ phục vụ tốt, chính sách khuyến mại phù hợp, có lợi cho người tiêu dùng sẽ thu hút đông hơn khách hàng.
Cùng với tích cực triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, các trạm phát sóng 3G, các nhà mạng đua nhau khuyến mại giảm giá cước. Theo đó, cùng với việc cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, vùng phủ sóng, giá cước... thì dịch vụ thông tin giải trí cũng cạnh tranh khá sôi động. Ở giai đoạn đầu, dù chỉ dừng lại ở các dịch vụ cơ bản, song các doanh nghiệp đã kịp châm ngòi cho sự bùng nổ thị trường hình ảnh, nhạc chuông và tra cứu thông tin...
Cuộc chạy đua 3G giữa các mạng ngày càng quyết liệt. Việc triển khai 3G không chỉ quyết định "sự nghiệp" của các doanh nghiệp viễn thông; mà còn mang lại những lợi ích cho khách hàng. Và như vậy, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ các nhà mạng.
Tiến Đạt