Phát triển giao thông nông thôn ở Yên Thành

Nằm ở phía bắc huyện Ý Yên. Hệ thống giao thông của xã Yên Thành có tổng chiều dài 24,5 km, trong đó có 10 km đường trục chính; 12 km đường liên thôn, đường nhánh nội bộ và 2,5 km đường giao thông ngoại tuyến. Là xã thuần nông, nguồn thu ngân sách hạn hẹp nên việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông còn gặp nhiều khó khăn.

Nằm ở phía bắc huyện Ý Yên. Hệ thống giao thông của xã Yên Thành có tổng chiều dài 24,5 km, trong đó có 10 km đường trục chính; 12 km đường liên thôn, đường nhánh nội bộ và 2,5 km đường giao thông ngoại tuyến. Là xã thuần nông, nguồn thu ngân sách hạn hẹp nên việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông còn gặp nhiều khó khăn.

Thi công tỉnh lộ 490C (đường 55 cũ) đoạn qua xã Nam Cường
(Nam Trực).                              Ảnh: dương đức

Để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, những năm qua, Đảng uỷ, HĐND, UBND xã đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Năm 2003, khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, xã xây dựng kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010, trong đó bố trí hợp lý diện tích đất cho phát triển giao thông nông thôn, thuỷ lợi và các công trình công cộng khác, đồng thời quy hoạch các khu dân cư. Đảng uỷ xã ra nghị quyết chuyên đề chỉ đạo tập trung phát triển hệ thống giao thông nông thôn với chủ trương tận dụng tối đa các nguồn lực bên ngoài và huy động nhân dân đóng góp với mức 20 nghìn đồng/người/vụ (hoặc 8 kg thóc/sào/vụ) để phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Năm 2004, xã đã "bê tông hoá" được 1,2 km đường trục chính, kinh phí 1,2 tỷ đồng, năm 2006 tiếp tục "bê tông hoá" 800m, kinh phí 900 triệu đồng nối từ đường 57A đến trụ sở UBND xã với mặt đường rộng 3 mét, độ dày từ 10-15 cm. Để bảo đảm dân chủ, công khai khi triển khai thực hiện, mỗi xóm cử 1-2 người đại diện tham gia ban giám sát thi công. Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", các hộ dân có thể đóng góp kinh phí làm đường bằng thóc, tiền hoặc bằng giá trị ngày công lao động trực tiếp do bên B chi trả. Do đó, trong quá trình thi công đường trục chính đã thu hút hàng trăm lượt người dân trực tiếp tham gia với thu nhập từ 50-60 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, các thôn xóm cũng tổ chức phát động nhân dân đóng góp kinh phí để "bê tông hoá" các đường dong, ngõ xóm với mặt đường rộng 2 mét, độ dày 8-10 cm. Mỗi thôn đã huy động nhân dân đóng góp trên 100 triệu đồng, hàng trăm lượt người tham gia với gần 1000 ngày công. Đến cuối năm 2008, toàn bộ trên 7 km đường dong, ngõ trong khu dân cư ở 11 thôn xóm đã được "bê tông hoá". Giao thông được cải thiện, việc đi lại, vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất cũng như giao lưu buôn bán của người dân được thuận lợi đã góp phần nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Năm 2009, bình quân thu nhập đầu người của xã Yên Thành đạt 7,4 triệu đồng/người/năm.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong phát triển giao thông nông thôn, thời gian tới xã Yên Thành tranh thủ kết hợp nguồn kinh phí của Nhà nước và tài trợ của các tổ chức, cá nhân đóng góp, tập trung "bê tông hoá" 5 km đường liên thôn còn lại. Ngoài ra, KCN Trung Thành II (nằm trên địa bàn 2 xã Yên Trung, Yên Thành) bám đường cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ dự kiến được triển khai xây dựng trong giai đoạn 2010-2020. Đây là cơ hội tạo động lực phát triển kinh tế - chính trị - xã hội cho địa phương, cải thiện, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn./.

Thành Trung

Đọc thêm