Phát triển hạ tầng viễn thông: Thừa mà vẫn thiếu !?

Hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố ngày càng được quan tâm đầu tư hiện đại, đồng bộ góp phần thúc đẩy các dịch vụ viễn thông phát triển, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển và quản lý hạ tầng viễn thông vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố ngày càng được quan tâm đầu tư hiện đại, đồng bộ góp phần thúc đẩy các dịch vụ viễn thông phát triển, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển và quản lý hạ tầng viễn thông vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Cột tiếp sóng BTS của một đơn vị viễn thông lắp đặt nhờ tại nhà người dân trên đường Lê Lợi
                                             

Rộng mở hệ thống hạ tầng

 

Theo đánh giá của Phòng Bưu chính -  Viễn thông (Sở Thông tin – Truyền thông) hiện hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố có công nghệ hiện đại, độ phủ mạng lưới rộng khắp. Mạng ngoại vi thực hiện ngầm hóa khá tốt, đạt tỷ lệ 80 - 90% ngầm hoá đến tủ cáp. Nhiều tuyến ngầm hoá đến các thuê bao, cụm thuê bao. Mạng di động phủ sóng trên địa bàn toàn thành phố. Hầu hết các quận, huyện được cung cấp dịch vụ Internet băng rộng.

 

Mạng chuyển mạch hầu hết sử dụng hệ thống tổng đài chuyển mạch kênh (TDM) làm nhiệm vụ chuyển mạch cho lưu lượng thoại nội hạt. Bên cạnh mạng chuyển mạch kênh truyền thông, mạng NGN cũng đang trong quá trình triển khai nhằm hội tụ mạng thoại, số liệu, mạng cố định, di động thành một mạng chung, cung cấp các dịch vụ mới trên nền NGN cho các thuê bao trên địa bàn thành phố. Hiện, bên cạnh dịch vụ điện thoại cố định có dây, trên địa bàn thành phố còn có dịch vụ điện thoại cố định vô tuyến, sử dụng tổng đài nội hạt kết hợp với sóng vô tuyến của mạng điện thoại di động (E-Com, HomePhone, Gphone).

 

Mạng ngoại vi trên địa bàn thành phố trong những năm qua được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, đáp ứng kịp thời yêu cầu lắp đặt điện thoại của nhân dân. Để nâng cao chất lượng, rút ngắn cự ly phục vụ của mạng ngoại vi, các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới trạm chuyển mạch, điểm tập trung thuê bao, bán kính phục vụ bình quân của các trạm giảm đáng kể. Cụ thể, Viễn thông Hải Phòng có mạng cống bể tương đối hoàn thiện, 100% tuyến cáp gốc và hầu hết các tuyến cáp đến tủ cáp (dung lượng 100 đôi trở lên) đi ngầm.

 

Mạng truyền dẫn liên tỉnh và nội tỉnh trên địa bàn thành phố khá đa dạng, chủ yếu do các đơn vị VTN (VNPT), Viettel, EVN và FPT cung cấp, quản lý.  Hiện, trên địa bàn thành phố 253 tuyến cáp quang (tổng chiều dài khoảng trên 800km) và 24 tuyến Viba; 14 tuyến truyền dẫn quang, tổng chiều dài khoảng trên 40km; 108 tuyến truyền dẫn quang và 5 tuyến Viba. Cơ sở hạ tầng phục vụ các mạng di động ngày càng phát triển. Mạng Internet tốc độ cao ADSL được triển khai cung cấp dịch vụ tại tất cả các quận, huyện. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp đã triển khai cung cấp dịch vụ VoIP trên địa bàn thành phố.

 

Lằng nhằng hệ thống dây cáp viễn thông treo trên cột điện (ngã tư Trần Phú - Điện Biên Phủ)

Còn những vướng mắc

 

Việc phát triển nhanh, phong phú hạ tầng viễn thông cũng làm nảy sinh một số vướng mắc. Trong hội nghị trực tuyến công tác thông tin - truyền thông 6 tháng đầu năm 2010; đa số lãnh đạo các quận, huyện tập trung phản ánh vấn đề nóng là quản lý và phát triển các trạm BTS; các doanh nghiệp xây dựng trạm BTS chưa có giấy phép… Theo thống kê của huyện Tiên Lãng, trên địa bàn có 79 trạm BTS. Qua kiểm tra, số trạm xây dựng sau ngày  19 - 6 - 2008 là 30 trạm, nhưng 6 trạm không có giấy phép xây dựng. Chất lượng xây dựng các trạm BTS còn nhiều vấn đề . Mới đây nhất, trong cơn bão số 1 vừa qua, trạm BTS của Viettel đặt tại gia đình ông Nguyễn Vũ Văn Cẩn thôn Phú Kê (thị trấn Tiên Lãng) bị gãy, đổ. Một số quận nội thành phản ánh tình trạng các trạm BTS phát triển nhanh nhưng thiếu quy hoạch, gây mất mỹ quan đô thị, phần nào ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

 

Một thực tế là nếu các cơ sở hạ tầng viễn thông được dùng chung sẽ phần nào giải quyết được những vướng mắc trên. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn toàn thành phố chỉ có khoảng 50 điểm sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng di động (sử dụng chung hệ thống cột anten, nhà trạm...) giữa các doanh nghiệp.

 

Gần đây, mặc dù việc sử dụng tần số vô tuyến điện của các đài truyền thanh không dây sau khi được cấp phép tần số mang lại hiệu quả cao, nhưng một số đài vẫn chưa nghiêm túc thực hiện việc xin cấp phép. Do vậy, đến nay vẫn có đài chưa có giấy phép sử dụng tần số. Một số đài được cấp phép và ấn định tần số sử dụng nhưng lại không thực hiện đúng tần số được cấp phép. Qua kiểm tra thí điểm của Sở Thông tin - Truyền thông tại quận Hải An và huyện Thủy Nguyên cho thấy có 8 đài truyền thanh không dây vi phạm về vấn đề này.

 

Cần giải pháp quản lý và phát triển đồng bộ

 

Mới đây, tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác thông tin - truyền thông, phần lớn lãnh đạo các địa phương đề xuất thống nhất quy trình cấp phép xây dựng, quản lý hạ tầng viễn thông tại các quận huyện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Nhà nước; đồng thời có quy hoạch xây dựng các trạm viễn thông phù hợp bảo đảm mỹ quan đô thị; tăng cường và thực hiện tốt công tác quản lý hạ tầng viễn thông theo đúng quy định pháp luật; bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống thống hạ tầng thông tin…

 

Một số đại biểu cho rằng các doanh nghiệp viễn thông hiện nay đua nhau xây dựng hạ tầng mạng viễn thông, Internet phủ rộng khắp các quận, huyện gây tốn kém, lãng phí, hiệu quả phục vụ thấp. Vì vậy, trong thời gian tới giữa các doanh nghiệp nên có sự hợp tác, chia sẻ hạ tầng mạng viễn thông bao gồm: vị trí lắp đặt thiết bị kết nối, thiết bị trung chuyển, ống cáp, bể cáp, cáp, sợi cáp, cột trụ ăng ten, thiết bị phụ trợ trong nhà và các phương tiện khác. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông thuê hạ tầng của các ngành khác như truyền hình, điện lực để thiết lập mạng cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet…

 

Hồ Hương

Ảnh: Trường Giang

Đọc thêm