Phát triển làng nghề bền vững (kỳ II)

Tại các xã có làng nghề phát triển ổn định trong những năm qua đều có chung một “thế mạnh” là có một số doanh nghiệp nòng cốt “đảm nhận” các khâu đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Các doanh nghiệp này đều có người  điều hành, quản lý có trình độ, năng động và có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp khác để xây dựng thị trường, thương hiệu đồng thời có mối quan hệ tốt với các tổ chức tín dụng.

[links()]

II - Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển làng nghề

Tại các xã có làng nghề phát triển ổn định trong những năm qua đều có chung một “thế mạnh” là có một số doanh nghiệp nòng cốt “đảm nhận” các khâu đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Các doanh nghiệp này đều có người  điều hành, quản lý có trình độ, năng động và có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp khác để xây dựng thị trường, thương hiệu đồng thời có mối quan hệ tốt với các tổ chức tín dụng. Trong khi các cơ sở sản xuất ở các làng nghề chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thì doanh nghiệp tại làng nghề có điều kiện để đầu tư công nghệ mới, hoàn thiện các khâu sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Một thế mạnh nữa ở các doanh nghiệp tại làng nghề là được nhanh chóng tiếp nhận các chính sách, sự hỗ trợ từ các chương trình khuyến công, tập huấn nâng cao trình độ, phổ biến khoa học kỹ thuật, công nghệ ở  những làng nghề phát triển, có nhiều doanh nghiệp có vốn 5-10 tỷ đồng, doanh thu hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho 200-300 lao động. 

Doanh nghiệp tư nhân cơ khí đúc Tân Tiến, xã Yên Xá (Ý Yên) đầu tư công nghệ đúc đồng, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao.
Doanh nghiệp tư nhân cơ khí đúc Tân Tiến, xã Yên Xá (Ý Yên) đầu tư công nghệ đúc đồng, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Trước đây, xã Yên Trị (Ý Yên) có nghề may băng giang làm mũ. Khi Cty TNHH Vĩnh Oanh ký được hợp đồng may hàng xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ đã tạo việc làm cho gần 1.000 lao động trực tiếp  và nhiều hộ trong xã nhận may gia công. Hiện nay trên địa bàn xã Yên Trị đã có 8 Cty tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, mỗi lao động có thu nhập từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng. Xã có 23 tổ hợp may, mỗi tổ hợp tạo việc làm cho 30-40 lao động và nhiều nhóm hộ sản xuất với tổng số trên 2.000 máy may. Xã Hải Phương (Hải Hậu) trước kia đã có nghề dệt vải, dệt chiếu, nghề mộc. Khi Cty TNHH Hợp Long chuyên sản xuất các mặt hàng xuất khẩu từ gỗ đã tạo việc làm cho 500 lao động. Doanh nghiệp tư nhân Quang Báo (Nam Trực) đã đầu tư hàng tỷ đồng mua máy đúc áp lực, khuôn mẫu sản xuất được các chi tiết của xe máy có chất lượng cao, liên kết với các doanh nghiệp lắp ráp xe máy trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động có thu nhập ổn định. Cty TNHH gỗ mỹ nghệ cơ khí đúc xuất khẩu và xây dựng (Ý Yên) tạo việc làm cho nhiều lao động làm nghề tre nứa ghép ở xã Yên Tiến. Làng nghề cơ khí đúc Đồng Côi ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực) sản xuất ổn định, bên cạnh sự cố gắng của các hộ làm nghề, để sản xuất phát triển, có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp như Cty cổ phần cơ khí Hà Ninh, Cty TNHH Việt Thắng, Cty TNHH Vinh Thực, Cty TNHH Tiến Đạt, Cty TNHH Nam Định... Các làng nghề cơ khí, dệt, thêu, cây cảnh của Nam Trực doanh thu năm sau cao hơn năm trước do các doanh nghiệp trong làng nghề luôn chủ động tìm được đầu ra cho sản phẩm. Đồng chí Ninh Đức Liêm, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh (Ý Yên) cho biết: “Năm 2002, sản xuất CN-TTCN của xã khi còn nhỏ lẻ không ký được các hợp đồng kinh tế lớn, chưa có nhiều doanh nghiệp thành lập, giá trị sản phẩm mới đạt 15-20 tỷ đồng/năm. Khi thành lập doanh nghiệp, các Cty đã ký được nhiều hợp đồng lớn, được các ngân hàng tin tưởng đầu tư vốn và dễ tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nên đã tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN của xã đã đạt 120-130 tỷ đồng”.

Chủ trương đưa các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động về nông thôn đã phát huy hiệu quả tích cực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Ngành dệt may, các Cty cổ phần may Sông Hồng, Cty cổ phần may Nam Định, Cty TNHH Long Yu (Nhật Bản), Cty may DAEYANG (Hàn Quốc), Cty cổ phần may Haprôsimex Giao Thuỷ... đã đầu tư về địa bàn các huyện Xuân Trường, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ tạo việc làm cho gần 5.000 lao động. Trong 4 năm (2006-2009) các làng nghề trong tỉnh đã phát triển thêm được trên 700 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 2.250 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho 12 nghìn lao động. Ngoài các doanh nghiệp tại làng nghề, động lực để làng nghề phát triển còn phải kể đến các doanh nghiệp đầu tư cho làng nghề. Cty cổ phần dệt may Sơn Nam từ nhiều năm nay đã cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm giúp khoảng 1.000 hộ các làng nghề dệt thuộc các huyện Nam Trực, Trực Ninh khôi phục và phát triển. Cty cổ phần thương mại Mai Hương (TP Nam Định) giai đoạn 2002-2004 tổ chức lắp ráp xe máy, mỗi năm tiêu thụ trên 10 nghìn chi tiết xe gắn máy của làng nghề Đồng Côi, đồng thời mỗi tháng Cty bán cho các làng nghề dệt 150 tấn sợi... Tổng Cty cổ phần sợi Việt An, CCN An Xá (TP Nam Định) mỗi năm sản xuất 3.000 tấn sợi ngoài xuất bán cho các doanh nghiệp còn bán cho các làng nghề trong và ngoài tỉnh. Cty cổ phần Najimex thu mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề để xuất khẩu, góp phần phát triển nhiều làng nghề trong tỉnh.

Thực tế cho thấy, để phát triển làng nghề, phải huy động được tối đa các nguồn lực trong nhân dân vào phát triển sản xuất, cần đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong đó các doanh ngiệp có vai trò quan trọng./.

(còn nữa)
Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết

Đọc thêm