Hiện đa số người hoạt động công tác xã hội xuất phát từ cái tâm, nhưng thiếu các kỹ năng và không được đào tạo bài bản nên hiệu quả của sự trợ giúp không cao. Để nâng đỡ những người yếu thế trong xã hội có cuộc sống ổn định, vươn lên hòa nhập cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020.
|
Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật (Sở Lao động - Thương binh - Xã hội) hằng năm đào tạo nghề may, sửa chữa cơ khí v.v... thu hút đông người khuyết tật tham gia học Ảnh: Minh Hải |
Thiếu cán bộ xã hội chuyên nghiệp
Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), cả nước có khoảng 7,5 triệu người cao tuổi, 5,3 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 1,3 triệu người cần sự trợ cấp, trợ giúp từ Nhà nước hàng tháng. Bên cạnh đó là các vấn đề xã hội nảy sinh, bức xúc như tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ, vấn đề phát sinh trong nhóm gia đình tại các đô thị, làng quê chịu ảnh hưởng trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa…cần có sự trợ giúp từ những người làm công tác xã hội. Dù nhu cầu về đội ngũ làm công tác xã hội rất lớn nhưng hiện chỉ có khoảng 15-20 nghìn người làm công việc này. Trong số đó phần lớn chưa qua đào tạo hoặc đào tạo trái ngành, chưa được học những kỹ năng khoa học cần thiết về công tác xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc: công tác xã hội là hoạt động mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới từ gần thế kỷ nay. Hiệu quả của hoạt động này được thể hiện rõ qua việc huy động nguồn lực, tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng vào giải quyết các vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm tải ngân sách Nhà nước trong giải quyết các vấn đề xã hội.
Để trở thành một nghề
Thống kê của Trường đại học Lao động - Xã hội: cả nước có gần 10 nghìn phường, xã, mỗi nơi cần một nhân viên xã hội; 625 quận, huyện mỗi nơi cần 2 nhân viên xã hội; 63 Sở Lao động -Thương binh và Xã hội và 317 trung tâm xã hội cần 2-4 nhân viên xã hội…Nhân lên sẽ thấy chỉ riêng ngành Lao động -Thương binh và Xã hội cần một lực lượng lớn nhân viên, cán bộ xã hội…
Từ nay đến năm 2015, nước ta cần hơn 10 nghìn cán bộ xã hội có trình độ cao đẳng và đại học về lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện mỗi năm, số cán bộ công tác xã hội được đào tạo chỉ khoảng 2.000 người tại 40 trường cao đẳng, đại học trên cả nước. Nguyên nhân khiến số nhân viên được đào tạo bài bản, chính quy ít và chưa thu hút được nhiều người theo học là do chưa có văn bản pháp quy về nghề công tác xã hội . Mặc dù có mã ngành nhưng chưa có chức danh, ngạch, bậc lương, do đó nhiều cán bộ xã hội không mặn mà với công việc hiện tại. Thực tế, nhiều người bỏ các trung tâm bảo trợ xã hội, chăm sóc người có HIV/AIDS, người già cô đơn để xin chuyển sang các cơ sở y tế để có thu nhập ổn định theo ngạch bậc, thang bảng lương.
Giải quyết vấn đề thiếu cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngành công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu chất lượng, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Theo đó, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội sớm phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trong cả nước; tập huấn kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn cho 55% số viên chức, nhân viên và cộng tác viên đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn.
Theo đó, để sớm cân bằng cung và cầu về nhân lực nghề công tác xã hội, ngành giáo dục đào tạo sớm hoàn chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo cử nhân công tác xã hội. Phấn đấu từ nay đến năm 2015, có một số trường đại học có thể đào tạo chuyên ngành công tác xã hội ở bậc sau đại học, cung cấp nhân lực giảng dạy về công tác xã hội cho các trường cao đẳng và đại học khác trong cả nước. Các trường đại học cần đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tuyển sinh và thực hành của sinh viên ngành công tác xã hội. Hiện Việt Nam chưa có chương trình đào tạo sau đại học về công tác xã hội. Năm 2004, Bộ Giáo dục-Đào tạo mới ban hành đào tạo cử nhân công tác xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu hội nhập quốc tế cần tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo ngang bằng chuẩn đào tạo của các nước trong khu vực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công tác xã hội.
Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 2400 tỷ đồng. Trong đó hàng năm ngân sách trung ương bố trí trong dự toán của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội 590 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1715 tỷ đồng, vốn ODA và các nguồn viện trợ quốc tế khoảng 42 tỷ đồng. |
Thanh Thủy tổng hợp