Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo kết quả điều tra dân số 1-4-2009, Đà Nẵng có “cơ cấu dân số vàng” (tỷ số độ tuổi phụ thuộc chỉ 28,9%), có tỷ trọng dân số thành thị đứng đầu cả nước (86,9%) và trình độ học vấn rất cao (84,2% dân số có bằng từ tiểu học trở lên, trong đó 44,6% có bằng THPT) và 94,6% phường, xã đạt chuẩn phổ cập THPT… Đây là những tiền đề hết sức thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo kết quả điều tra dân số 1-4-2009, Đà Nẵng có “cơ cấu dân số vàng” (tỷ số độ tuổi phụ thuộc chỉ 28,9%), có tỷ trọng dân số thành thị đứng đầu cả nước (86,9%) và trình độ học vấn rất cao (84,2% dân số có bằng từ tiểu học trở lên, trong đó 44,6% có bằng THPT) và 94,6% phường, xã đạt chuẩn phổ cập THPT… Đây là những tiền đề hết sức thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Huỳnh Minh Toàn, học sinh đoạt Huy chương vàng kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39 (IPhO 2008) với số điểm 37,5/50, Huỳnh Minh Toàn là thí sinh đạt số điểm cao nhất trong đội tuyển Việt Nam tham dự IPhO 2008, và xếp thứ 11 quốc tế (7-2008).
Thực thi những giải pháp mang tính đột phá để kinh tế Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững phù hợp xu hướng đổi mới và hội nhập quốc tế là đòi hỏi khách quan và cấp thiết, đồng thời là mong ước, kỳ vọng của mọi người dân thành phố. Hướng đột phá quan trọng nhất là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách kinh tế và cơ chế quản lý cùng với nâng cao tầm vóc và chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố. Làm được điều đó sẽ tạo nên xung lực mạnh giải phóng mọi tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng làm thay đổi nhanh chóng, toàn diện và sâu sắc trạng thái hiện tại của một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu nhưng đang là “nút thắt” cản trở sự phát triển thành phố, thúc đẩy thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố.

Phát triển nguồn nhân lực (NNL), đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) là một “nút thắt” như thế. 

Giải pháp then chốt, đột phá

Phát triển NNLCLC là giải pháp then chốt, đột phá tạo cho kinh tế Đà Nẵng những bước phát triển nhảy vọt và hiện đại hóa nhanh chóng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển sang kinh tế tri thức.
Chỉ có NNLCLC mới có thể giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh gay gắt, khốc liệt trên thị trường trong nước và xuất khẩu hiện nay và khi đó, tự nó sẽ tạo cơ hội mới cho sản phẩm-dịch vụ, doanh nghiệp và cả kinh tế Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ. NNLCLC là điều kiện tiên quyết khai thác lợi thế của nước đi sau, thực hiện chủ trương đi tắt, đón đầu sự phát triển trên thế giới, đặc biệt sự phát triển bùng nổ khoa học-kỹ thuật để kinh tế Đà Nẵng chuyển nhanh sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào tri thức, công nghệ cao… bảo đảm tăng trưởng hiệu quả và bền vững.

Phát triển NNLCLC tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước. Thúc đẩy mở nhanh các ngành công nghiệp hiện đại (trước hết tại Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung… của thành phố) và các dịch vụ cao cấp mà Đà Nẵng có lợi thế so sánh, chuyển mạnh từ gia công, chế biến thô là chủ yếu sang sản xuất hiện đại với chất lượng và hiệu quả cao, mang lại nhiều giá trị gia tăng và chiếm phần lớn hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là cơ hội mới để Đà Nẵng thực sự là “một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020”(1).

Phát triển NNLCLC là tiền đề để Đà Nẵng trở thành trung tâm đào tạo, cung cấp NNLCLC cho miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, cũng như tham gia hiệu quả vào thị trường lao động khu vực và thế giới. Phát triển NNLCLC là cơ hội lý tưởng đáp ứng nhu cầu và mong muốn được học tập, đào tạo nâng cao trình độ, hoàn thiện kỹ năng của người lao động, bù đắp vào những vị trí lao động đang thiếu vắng, nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động và tăng thu nhập, v.v…

Thuận lợi và bất cập

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã dành sự quan tâm, ưu ái cho phát triển NNL nhất là NNLCLC. Đặc biệt, đã triển khai đạt được kết quả bước đầu các đề án như: đào tạo 100 tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài; hỗ trợ ngân sách đào tạo bậc đại học trong và ngoài nước; đào tạo nguồn cán bộ cho các chức danh chủ chốt phường, xã; thu hút sinh viên khá giỏi và người có trình độ cao đến làm việc… Đến nay, trong cơ cấu dân số Đà Nẵng, xét về trình độ chuyên môn - kỹ thuật có 4,1% sơ cấp, 6,3% trung cấp, 2,3% cao đẳng, 10,8% đại học và trên đại học - cao thứ 2 sau Hà Nội (cũ). Nhờ đó, về cơ bản NNL đã đáp ứng tốt nhu cầu và trở thành yếu tố quyết định những thành tựu phát triển kinh tế thành phố.

Tuy nhiên, trong điều kiện mới, xuất hiện một số bất cập có thể cần lưu tâm. Đó là, chưa thể hiện rõ và xuyên suốt tầm nhìn dài hạn trong quá trình  phát triển NNL; chưa cụ thể hóa mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ giữa chiến lược phát triển NNL với chiến lược phát triển kinh tế, giữa NNL với các nguồn lực khác trong xây dựng các dự án, chương trình kinh tế; cơ cấu NNL theo trình độ và theo ngành-nghề chưa hợp lý (theo số liệu Cục Thống kê, năm 2009 tương quan giữa cao đẳng, đại học/trung học/công nhân kỹ thuật là 1: 0,31: 0,45) và chậm có giải pháp xử lý hiệu quả; nguồn NNL, nhất là NNLCLC đang còn rất thiếu so với nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế (2), v.v...

Một số vấn đề cần lưu tâm

“Xây dựng chiến lược phát triển NNLCLC... và đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề” (3) là cần thiết và đúng đắn.  Khi xây dựng chiến lược này cần căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến 2020 để nghiên cứu, dự báo nhu cầu NNL về số lượng, chất lượng và cơ cấu theo trình độ - ngành nghề có phân kỳ theo giai đoạn. Xác lập chuẩn kiến thức, kỹ năng cụ thể NNL đáp ứng yêu cầu cho từng ngành nghề, chú trọng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, tài chính ngân hàng, dịch vụ du lịch…

Các chủ thể đào tạo NNL, trước hết là trên địa bàn Đà Nẵng, cần xác lập chuẩn đầu ra và chương trình khung đào tạo đại học và trên đại học cho một số ngành kinh tế trọng yếu của thành phố để kiểm định chất lượng đào tạo. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt trên đại học và đào tạo nghề; chống tình trạng chạy theo bằng cấp. Tăng cường kỹ năng chuyên sâu cho từng loại lao động, ngành nghề; đào tạo theo địa chỉ, theo hợp đồng, liên kết chủ thể đào tạo với doanh nghiệp và với nhà tuyển dụng. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ (kể cả quan hệ lợi ích) với các chủ thể  đào tạo và nghiên cứu khoa học (trường, viện,…) trong nước, trên địa bàn. Mở rộng hợp tác, liên kết với các chủ thể đào tạo có uy tín  nước ngoài; sớm hình thành trường Đại học quốc tế tại Đà Nẵng. Hoạt động bồi dưỡng và đào tạo lại kết hợp với đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng luôn được coi trọng. Khuyến khích tự học tập chuyên môn, tự rèn luyện kỹ năng của người lao động để công việc ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Huy chương bạc kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 40, do học trò Nguyễn Đình Tùng, lớp 12A3 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn mang về từ Mê-hi-cô, sáng ngày 23-7.
Kế thừa và phát huy kết quả chính sách thu hút nhân tài, quan tâm hơn đến việc xác định nhu cầu và tiêu chuẩn cán bộ cần thu hút. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế đãi ngộ tương xứng và tạo môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích họ phát huy hết tài năng và cống hiến nhiều hơn cho thành phố. Hoàn thiện chính sách đầu tư tài chính của thành phố đi đôi với khuyến khích và tạo điều kiện để huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp đào tạo và phát triển NNL, nghiên cứu lập Quỹ hỗ trợ phát triển NNL.

Nâng tầm và đổi mới hoạt động của Trung tâm phát triển NNLCLC Đà Nẵng theo hướng hoạt động chuyên nghiệp như Viện nghiên cứu phát triển NNL với chức năng tham mưu thực hiện chiến lược phát triển NNL của thành phố. Nơi đây sẽ làm đầu mối kết nối quan hệ giữa thành phố với các chủ thể đào tạo và tuyển dụng; tư vấn, phản biện cho mọi đối tượng về các vấn đề phát triển NNL.

Huỳnh Năm

(1)  Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 16-10-2003.
(2) Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Đà Nẵng: có 37,6% doanh nghiệp gặp khó khăn tìm kiếm nhân lực, 69,4% cho rằng thiếu NNL được đào tạo lành nghề và NNLCLC.
(3) Báo cáo (dự thảo) Chính trị tại ĐH lần thứ XX của Đảng bộ thành phố.

Đọc thêm