Phật tử Nga mừng Ngày Phật đản

Các tín đồ đạo Phật toàn thế giới kỷ niệm ngày lễ thiêng liêng nhất của Phật giáo – ngày Phật đản, sinh nhật của Đức Phật. Quả thực, theo truyền thuyết thì người sáng lập đạo Phật không chỉ sinh ra vào ngày này, mà còn là mốc Ngài đạt tới giác ngộ vô biên, cũng như ngày Phật hóa và lên cõi Niết bàn cực lạc...

Các tín đồ đạo Phật toàn thế giới kỷ niệm ngày lễ thiêng liêng nhất của Phật giáo – ngày Phật đản, sinh nhật của Đức Phật. Quả thực, theo truyền thuyết thì người sáng lập đạo Phật không chỉ sinh ra vào ngày này, mà còn là mốc Ngài đạt tới giác ngộ vô biên, cũng như ngày Phật hóa và lên cõi Niết bàn cực lạc. Lễ Phật đản không có mốc ấn định vào ngày tháng nào đó trong Công lịch. Những người theo đạo Phật mừng ngày sinh Đức Phật hàng năm theo âm lịch, thường là vào cuối tháng Năm đầu tháng Sáu dương lịch.

Mô tả ảnh.

Ở nước Nga, đạo Phật là một trong những tôn giáo chính thức. Hơn nữa có 3 khu vực trong Liên bang là Cộng hòa Kalmyakia, Cộng hòa Buryatya và Tyva thì đạo Phật còn được coi là tôn giáo chính. Vì thế ở Nga lễ Phật đản được kỷ niệm đặc biệt trọng thể.

Sinh nhật Đức Phật là ngày hội đặc biệt và các Phật tử chuẩn bị đón mừng Phật đản từ mấy ngày trước. Các tín đồ long trọng làm lễ tạ ơn, chăng đèn kết hoa trang trí ngôi chùa tập trung làm nổi bật ý nghĩa về sự giác ngộ chân lý đã phổ biến trên thế giới cùng với học thuyết của Đức Phật. Các tăng lữ suốt đêm đọc kinh cầu và kể cho tín đồ nghe lịch sử cuộc đời Đức Phật và các đệ tử của Ngài. Trong ngày này nhiều khách hành hương cố gắng đến Bodh-Gaya tức là Bồ Đề Đạo Tràng – địa điểm thiêng liêng đối với toàn thể tín đồ, là nơi Đức Phật đã chứng đạo đạt đến giải thoát. Những ai không thể thực hiện cuộc hành hương như vậy thì làm như Đức Phật xưa kia, giữ cả ngày thiền tịnh. Thiền là một trong những yếu tố căn bản của đạo Phật, giúp đưa tín đồ tới hóa giải.

Nhà lãnh đạo cộng đồng Phật giáo ở Matxcơva Yundrun Dargie nêu ý kiến như sau:

“Thiền định có thể chia làm hai bậc. Thứ nhất là tĩnh trí, khi ta hướng toàn bộ tư duy của mình vào một đối tượng nào đó – ở ngoại cảnh hay trong nội tâm – hết sức tập trung và đặt dưới sự kiểm soát. Thứ hai là – thấm nhuần lời Phật dạy, hiểu thấu đáo qui luật chân chính của thiên nhiên đang tồn tại. Thiền định khai mở sự mẫn tiệp và đưa tới cõi giác ngộ vô minh”.

Theo truyền thống vào ngày Phật đản hàng trăm Phật tử Nga lên chùa tụng kinh hành lễ và hưởng lộc chay. Tại Kalmykia ngày kỷ niệm sinh nhật của Đức Phật được công bố là ngày nghỉ lễ. Còn ở Buryatya trong ngôi chùa Ivolgin lừng danh vào ngày Phật đản các tín đồ và khách vãn chùa sẽ được chiêm bái một kỳ quan tín ngưỡng là nhục thân bất hoại của Thiền sư Khambo-lama Dashi-Jorzho Itigelov.

Thiền sư Itigelov từng là Lạt ma Tăng thống đứng đầu Phật giáo vùng Đông Sibiri từ 1911 đến 1917. Sau những sự kiện cách mạng ở Nga, nhà tu hành này tự nguyện rời bỏ chức vị cao cấp của mình, xa lánh nhân gian và giành những ngày còn lại của cuộc đời để hoàn thiện tâm linh. Xung quanh danh tính của vị Thiền sư ngay từ sinh thời đã có nhiều huyền thoại khác nhau. Tương truyền rằng, cũng giống như Chúa Jesus, Thiền sư Itigelov có thể đi trên mặt nước và cùng lúc phân thân xuất hiện ở nhiều địa điểm xa nhau. Thiền sư Itigelov rời bỏ cõi trần trong lúc đang thiền định ở tư thế kiết già theo truyền thống Phật giáo, 83 năm về trước. “Hãy thăm viếng và nhìn thân thể ta sau 30 năm nữa” – đó là câu nói cuối cùng của Thiền sư trước khi nhập diệt vào năm 1927. Từ đó trở đi, nhục thân Thiền sư đã được khai quật lên 3 lần, vào năm 1955, 1973 và 2002. Lần nào cũng thấy rằng nhục thân vị Thiền sư ngồi trong tư thế kiết già sau bao nhiêu năm chôn dưới đất mà vẫn tuyệt nhiên không hề thay đổi. Hiện nay nhục thân Kim cương bất hoại của vị Tăng thống Phật giáo Nga được bảo quản trong linh cữu bằng kính tại chùa Ivolgin, và mỗi năm chỉ có 2 lần các Phật tử có cơ may được chiêm ngưỡng điều thần diệu của Phật giáo, với nhà tu hành đã đạt tới hóa giải vô biên thông qua thiền định.

Theo ĐTNNN

Đọc thêm