|
Tôi ra ngồi ở quán nước sinh viên, đợi mãi mà Q. không đến, lòng nghi ngờ và hụt hẫng. Q. là bạn học cùng lớp thời phổ thông với tôi, giờ vẫn cư trú cùng một dãy lầu ở ký túc xá, nhưng thỉnh thoảng mới gặp nhau. Q. bị chứng nghiện biđa và cả rượu nữa, dù trông nó có vẻ "phong độ" hơn tôi nhiều . Hôm nay Q. hẹn tôi ra Thủ Đức chơi, thăm mấy đứa bạn đang học các trường ngoài đó. Giọng Q giễu cợt: "Tao biết mày đang buồn, lại không có mục đích gì nên mới rủ. Chứ hằng ngày mày bận rộn suốt, một cữ cà phê cũng không thèm tới nữa là...". Tôi cười, gật đầu xác nhận mà bụng thì thấy ngượng vô cùng. Tôi có "bận rộn suốt" gì đâu, chủ yếu là đi hoang đâu đó, ngồi trong một cái quán nào đó với những đứa bạn cùng lớp thời đại học bây giờ - những đứa bạn mà tôi cứ hay tự dối lòng là thân lắm, nó thương mình lắm, nhưng khi nghĩ lại thì thấy mình hơi bị hoang tưởng, vì có những lúc mình cần đến nó thì nó lại bỏ mình mà đi chơi cùng với gia đình, một gia đình rất hạnh phúc với đầy đủ cha mẹ, ông bà, anh em!.
Rốt cuộc rồi Q. cũng tới được, lúc tôi chuẩn bị ra về. Q. nhíu mày văng tục: "Mẹ! cái xe què quặt lại hỏng hóc giữa đường mày ạ...". Mấy phút trước đó, tôi đã sắp sẵn một câu thật cay độc để trả đũa nhưng thấy lưng áo Q đẫm mồ hôi và tay thì lấm lem dầu, tôi không nỡ! Tôi khẽ đẩy cốc đá chanh sắp cạn hết nước, bảo: "Uống đi!". Q. với tay lấy bình trà đổ tiếp vào ly òng ọc, ngón tay khẽ run run, rồi uống cạn. Lúc này tôi mới thấy quý Q. Ừ nhỉ, Q. nổi tiếng là sống tình cảm từ xưa nay mà. Chứ đâu như tôi, ba năm qua rồi mà từ đây về Thủ Đức có bao xa, sao tôi không một lần đến thăm những đứa bạn thân đã từng giúp đỡ mình ngày xưa? Tại sao vậy?
Q. chở tôi ra khỏi thành phố, gió tháng ba thổi vát bên tai như đánh lật ngược cả người và xe. Chiếc xe Q. như một con ngựa già mỏi mệt và bệnh tật, cứ giật đùng đùng rồi rống lên ầm ĩ như muốn van nài rằng thôi dừng lại đi, tôi sắp chết rồi đây này! Hai bên đường, lá khô rụng ào ào như sắp bão . Hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau lũ lượt tiến vào thành phố chở rất nhiều hàng hóa và vật liệu xây dựng, mang theo cả bụi khói và bao thứ độc hại chụp lên những con người bé nhỏ. Tôi ôm chặt lấy Q., tóc tai dựng ngược trong gió, tiếng trò chuyện bay vào không gian lạc mất...
Thủ Đức có gì vui đâu? Chỉ thấy toàn là rừng cây đứng ủ rũ giữa nắng trưa, buồn thảm! Những dãy nhà lầu thấp bé, cũng quán xá, cũng nhạc xập xình, nhưng sao na ná một cái chợ xép ở một tỉnh lẻ nào đó tôi đã đi qua. À ra thế! Chỉ cần đi khỏi thành phố dăm bước thôi, cuộc sống người dân cũng đã khác đi nhiều rồi, và tâm trạng mình cũng thanh thản hơn, ít cay cú hơn. Q. thả tôi xuống một quán nước lèo tèo mấy cái bàn nhựa xanh đỏ, giăng mắc bên trên vài dây đèn hột dưa bám đầy bụi, vài chậu cây xanh bài trí vụng về. Cây bàng trước cửa quán lá chưa già nên không che hết được bóng nắng. Q. gọi đá chanh rồi bỏ đi vòng vèo mấy dãy nhà khuất sau cuối con đường.
Trong khi chờ đợi chúng nó ra, tôi ngoẹo cổ uống thứ nước lờ lợ chua ngọt, trong cái nắng kinh người tháng ba, thấy ngán ngẩm như liên tiếp mấy ngày nay mình đã "tọng" thứ này thay cơm vậy. Q ra, sau lưng lấp ló V và T. V vẫn giữ lối nói chuyện ồn ào, giọng rổn rảng và phát âm chữ "r" thành "g" hết. Chỉ có T là hình như bớt láu cá và trẻ con đi, trông nó có vẻ chững chạc hơn, lại còn để ria mép. À phải! Chúng tôi đã hăm hai rồi còn gì!
Bốn đứa ngồi quây lại, ôn những kỷ niệm cũ rích và cảm động, thấy buồn hẳn. Q. thông báo bằng một gương mặt khá bình thản: "A chết rồi chúng mày ạ! Nó tự tử bằng thuốc trừ sâu. Hồi tuần trước! Ở Mỹ Tho tụi nó về đưa đám nhiều nhưng toàn là dân ngoại lớp. Trên Sài Gòn chỉ có hai đứa về nhưng cũng muộn mất vài ngày. Có liên lạc được với ai đâu?". Mọi người buông muỗng đánh "keng!", hỏi tại sao. Tôi thì sửng sốt quá. Sao từ sáng đi cùng với Q. mà Q cứ im thít? V và T cùng hỏi: "Thật không?" rồi đưa mắt dò hỏi nhau ... Chúng tôi đi tìm nguyên nhân của cái chết. Q. mù mờ thông báo với hàng loạt từ "hình như": "Hình như A bị bệnh nặng, bệnh mãn tính hay gì đấy, đại khái là chữa rất khó dứt, mà cũng cả năm rồi. Hình như nhà A đang lục đục đổ vỡ. Hình như A không muốn mẹ mình phải khổ thêm... Mà bản thân A cũng gặp một chuyện gì đấy ...".
Tôi ngắt ngang: "Sao không ai khuyên lơn an ủi lúc A buồn?". Không ai trả lời tôi cả, tôi cũng không tự giải đáp được. Mắt T. nhìn tôi như muốn nói: "đi mà hỏi A". Tôi nhớ, ngày xưa A từng xem tôi như thần tượng trong chuyện học hành và tài trang trí nhăng nhít trên các tập san, báo tường và cái quyển lưu bút. Thật sự tôi và A không thân nhau lắm. A thuộc diện xinh đẹp, hồi năm học lớp mười một có tình ý với đứa bạn ngồi gần bên tôi. Chính tôi là con chim bồ câu đưa thư từ qua lại cho hai người để tránh sự trêu ghẹo của bạn bè. Người bạn ngồi bên của tôi, hiện giờ đang theo con đường binh nghiệp, vì phẫn chí sau đợt thi đại học bị gãy đổ, anh ta đang ở đâu? Đời sống quân ngũ có làm anh ta quên đi A? Nghe bảo, họ đã chia tay nhau, từ khi hai người rời trung học và chấm dứt thời hoa mộng. Chủ yếu là do anh ta mặc cảm chứ A thì vẫn muốn tiếp nối tình yêu ấy. Vậy mà A đã tự tử. Khi còn năm nữa sẽ tốt nghiệp sư phạm Anh, tương lai còn rộng và dài. Sao thế A? Sao không thể vượt qua được hở A?
Trong tâm trạng hoang mang, tôi bắt đầu nhớ rằng có lần tôi cũng đã có ý nghĩ bế tắc như thế. Lúc yếu hèn vì gặp thất bại, vì cô đơn mà không có ai bên cạnh mình. Dẫu rằng tôi cũng có một người bạn thân, và người ấy cũng thương tôi lắm, nhưng người ấy còn trẻ con, người ấy không thể bỏ một tối "Anh văn" hay "Vi tính", cũng không thể hy sinh ngày chủ nhật đi thăm thú các nơi cùng gia đình, để theo tôi lang thang ra ngoại ô, tìm một cái quán vườn yên tĩnh nào đó mà bù khú. Người ấy may mắn được sống trong bầu không khí hạnh phúc nên đôi khi thật ích kỷ, thích bon chen cho sự nghiệp hơn là hoang đàng như tôi. Nhiều lúc tôi muốn hét lên là tôi buồn lắm, tôi cô đơn lắm, tôi cần bạn lắm, bạn ơi!
Rồi bằng trực giác của bản thân, tôi suy đoán rằng A có lẽ giống tôi. Ai cũng đã một lần như thế. Chung quanh bạn bè thì đông, nhưng lúc mình cần thì chạy biến đâu mất, hoặc bận việc, hoặc vì vô tâm. Mà vô tâm thì phần nhiều. Xem ra đã đến lúc người ta ngại hiểu về nhau lắm rồi .
Buổi chiều, Q. chở tôi về thành phố. Lòng thấy bứt rứt, nặng nề. Trong đầu lởn vởn hình ảnh A vật vã trong phút giây từ biệt cõi đời, tay còn nắm chặt quyển từ điển và một xấp thư từ thời đi học. Cô chết khi vừa bước qua tuổi hai mươi, cái tuổi tươi đẹp biết bao mà cũng dễ buông xuôi biết bao.
Thay vì về ngay ký túc xá, Q. lại tấp vào một quán nhậu lề đường. Tôi không ưa cái trò say sưa này lắm, khi nghĩ đến những trận ói mửa kinh hoàng lúc nửa đêm và cơn đau váng óc cho đến tận ba ngày sau. Nhưng sao hôm nay tôi ngoan ngoãn bước theo Q. Sự thật lòng tôi đang trống rỗng. Rỗng quá! Tôi chưa hoạch định một điều gì cụ thể để làm hoặc để nghỉ ngơi. Mà người ta cần nhu cầu nghỉ ngơi khi nào ta làm việc mỏi mệt. Cả ngày nay tôi có làm gì ra hồn đâu mà ngơi nghỉ? Vì thế tôi đi theo Q., đầu óc mờ mịt.
Mụ chủ quán gầy đét, có khuôn mặt khô cứng và dữ tợn đậu trên một cái cổ xương xẩu nổi gân xanh lè, vừa chuẩn bị nấu món nhậu vừa luôn miệng hò hét thằng nhóc chừng bảy tuổi ở trần trùng trục phơi cái bụng chang bang. Thằng nhóc vơ váo ra dọn bàn, cái giẻ trên tay nó bẩn thỉu và nhàu nhĩ. Hè đường nhộn nhịp và lộng gió. Ở cái vỉa hè chuyên dành cho dân bợm này, tất cả đều bình đẳng. Nói tục, chửi thề, áo phanh ngực, xe Dream hay xích lô, điều ấy không có nghĩa gì cả. Trong cuộc nhậu dường như ai cũng cố nói cho thật nhiều. Nói nhiều và nốc nhiều cũng là một thú trong những cái thú của bọn đàn ông.
Q. nâng cốc rượu lên ngang mặt, khề khà: "Xin tống tiễn một ngày" và đưa lên môi đánh "trót" một tiếng ngọt lịm. Tôi cũng nâng cốc, nhưng không nói gì. Chỉ nghe đâu đây tiếng lá rơi thật khẽ và trước mắt cái tán lá vụt tối sầm. Bóng sáng lốm đốm đang nhảy nhót trên vỉa hè theo mỗi đợt gió đưa lại . Q. ngửa mặt lên trời, giọng tí tởn: "Trăng kìa!". Tôi giật mình "Đâu?" và đưa mắt tìm kiếm về hướng đông. Ôi vầng trăng, sao nó bị vướng víu tội nghiệp thế kia, trông chẳng khác nào một bóng đèn tròn kiểu cách ở trên sân thượng ngôi biệt thự cao tầng phía xa. Những ngọn cây sao già bao phủ chung quanh, đe dọa và ngạo nghễ. Tôi sực nghĩ đến A, xinh đẹp lắm mà cũng lạc lõng lắm trong một thế giới đông đúc và thờ ơ. Cô vừa rạng rỡ vừa mong manh. Khiến người ta ngắm nhìn và quên lãng. Tôi cũng thế, khi lát đây chai rượu cạn, tôi sẽ say khướt và chắc gì phân biệt được đâu là đèn đâu là trăng. Mà chắc gì tôi sẽ nhớ đến trăng?
Tôi nhìn lại Q, thấy gương mặt nó bỗng dưng ngắn lại, dị dạng. Lại có màn sương mỏng phủ mờ lên đó như ma mị. Tôi ôm mặt muốn khóc. Thật đốn hèn khi bật khóc trong tiệc rượu. Nhưng tôi thèm được khóc quá. Q. đập vai tôi bồm bộp nhưng tôi không thấy đau. Q. lè nhè: "Say rồi à? Tửu lượng kém thế?" đoạn gạt chai rượu đánh xoảng, hét to: "Bà chủ tính tiền!", rồi kéo tôi dậy: "Mày sắp lăn kềnh ra rồi".
Tôi trèo lên xe trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh... "Xin tống tiễn một ngày!" - Q. đẩy tôi xuống giường. Tôi cố thều thào: "Cảm ơn!" và nghe tiếng gì đó vỡ ra, rất xa xôi. Không phải tiếng thủy tinh, không phải tiếng gió, nghe lạ lắm! A bắt đầu hiện ra, trong cơn mộng mị chắp vá. A nói: "Chào nhé! tôi đi đây". Tôi cố rượt đuổi theo A. Nhưng A đã bỏ rơi tôi phía gần cuối con đường. Tôi nhìn xa hút, tự nhủ rằng mình sẽ phải đi tiếp đây. Đi cho hết con đường này. Ai cũng phải đi hết con đường này! Dù phía cuối con đường chẳng biết có gì hay không? Và khi đi hết có được đi tiếp con đường khác nữa không hay đấy là điểm kết thúc vĩnh viễn?... Thôi nguy to rồi, hóa ra con đường này ngắn lắm. Thật đáng sợ biết bao nếu bây giờ tôi không bắt đầu làm một việc gì. Không khéo sẽ muộn mất, giống như A, như một người nào đó tương tự A .
Lúc đó, vía tôi mới mách cho tôi rằng có thể khóc được rồi. Khóc đi! Và tôi khóc, cũng trong giấc mộng mị chắp vá...