Phía sau các bảng thành tích

Hầu hết các bản báo cáo kết quả hoạt động ngoại khóa và chương trình ngoài giờ lên lớp luôn đầy đủ, phong phú. Nhưng thực tế nhiều trường phổ thông không mấy mặn mà với hoạt động này, chỉ hoạt động ở mức vừa phải, không ai phê bình là được. Vì sao?
Hầu hết các bản báo cáo kết quả hoạt động ngoại khóa và chương trình ngoài giờ lên lớp luôn đầy đủ, phong phú. Nhưng thực tế nhiều trường phổ thông không mấy mặn mà với hoạt động này, chỉ hoạt động ở mức vừa phải, không ai phê bình là được. Vì sao? >> Phát ngộp vì ngoại khóa Trước tiên, nói như thầy Trần Lung, hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM: “Có thực mới vực được đạo. Ai cũng muốn hoạt động hấp dẫn, sinh động cho HS nhưng bất cứ hoạt động nào cũng cần có kinh phí tương xứng”. Từ kinh phí dàn dựng chương trình, thuê áo quần (đối với các tiết mục sân khấu), chi phí mời diễn giả, phí in sao tài liệu, chi phí nước uống, xe đưa đón HS tham gia các hoạt động cấp quận trở lên... và cả chi phí khen thưởng HS. Mỗi thứ một chút, có đến 1.001 khoản chi phí mà tất cả đều cần có kinh phí...Thực và ảo Xin nêu một ví dụ khoản chi cho hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp ở Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM. Dù chọn lọc, gói ghém, cắt giảm chi phí hết mức, tối thiểu mỗi năm trường cũng phải chi 80 triệu đồng. Không chỉ đau đáu tư duy hình thức tổ chức thực hiện các chương trình, nỗi khổ chung của hiệu trưởng là không có ngân sách chi cho các hoạt động này.
Một tiết ngoại khóa học sinh tham gia cuộc thi “Tháng an toàn giao thông” tại Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, tp.hcm sáng 27-9 - (Ảnh: Như Hùng)
Biết tìm chi phí từ đâu? Nhiều hiệu trưởng phải “giật gấu vá vai” xoay từ nguồn chi hoa hồng đồng phục, hoa hồng bữa ăn bán trú, đến nguồn hỗ trợ của ban đại diện cha mẹ HS và cả đi xin tài trợ. Thử thách đối với ban giám hiệu không chỉ là chuyện chuyên môn mà còn là khả năng tính toán, “liệu cơm gắp mắm” trong các hoạt động ngoại khóa. Một hiệu trưởng phân tích: “Ví dụ như hoạt động chữ thập đỏ, sơ cấp cứu. Nếu chỉ làm kiểu cung cấp kiến thức cho HS, trường có thể mời bác sĩ y tế cộng đồng về trường nói chuyện một buổi là xong (dù thực tế có em nghe em không). Nhưng người ta tổ chức hội thi các cấp về hoạt động này. Muốn tham gia các cuộc thi, trường phải mời huấn luyện viên từ cấp quận đến thành phố về huấn luyện cho đội tuyển. Nếu đoạt giải cấp quận phải đi thi cấp thành phố và cấp cao hơn nữa. Giống như mình phóng lao phải theo lao. Đụng tới đâu thấy tốn tiền tới đó. Rồi phải kéo HS mình đi suốt tuần, thậm chí suốt tháng. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng sự tập trung học tập của các em”. Kết quả trường được gì? Có thể đoạt giải thưởng này nọ, rồi phải đầu tư chi phí đi thi cấp quận, cụm quận, sở và cấp cao hơn, rồi đi báo cáo điển hình... Cuối cùng có thể là bằng khen, là những gạch đầu dòng trong bảng thành tích của trường. Trong khi đó, điều các giáo viên mong muốn là hiệu quả thật sự đến từng HS của mình hiện vẫn còn là điều bỏ ngỏ. Đầu tư kỹ đồng nghĩa với việc mất nhiều kinh phí và công sức, chất xám hơn. Thành ra nhiều trường cũng làm nhưng chỉ vì nhiệm vụ, thực hiện cho xong, chỉ tham gia cho có để không bị phê bình là được. Bởi lẽ cả thầy lẫn trò còn phải dành tâm sức cho hoạt động chính của mình là dạy và học theo chương trình.Sức nào chịu nổi? Sự thật phía sau những bản báo cáo này không phải trường nào cũng giống trường nào. Nhiều giáo viên tại Hà Nội nói thẳng: việc “lồng ghép tích hợp”, cả việc tổ chức các hoạt động theo chủ đề từ trên giao xuống, tiếng là bắt buộc nhưng không ai kiểm soát. Vì thế, trường nào nhiệt tình thì làm thật, không nhiệt tình thì làm... trên giấy. Cuối học kỳ, cuối năm cứ thế báo cáo lên là xong. Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT nói: “Không biết có ông hiệu trưởng nào dám nói là mình đủ sức làm hết mọi hoạt động được triển khai không. Thực tế không ai làm hết cả. Có chăng làm cũng chỉ hình thức thôi. Khi báo cáo cứ từ dưới báo lên trên, trên thống kê. Những báo cáo cũng có đủ thông tin: hoạt động gì, bao nhiêu HS tham gia. Cũng có những cuộc thi để kiểm tra thực chất trường nào hoạt động mạnh yếu, nhưng cũng là hoạt động để báo cáo. Rồi cũng có đề xuất khen thưởng, một trong những tiêu chuẩn đánh giá xếp loại trường. Đó là bề nổi, còn chiều sâu, hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp của chúng ta có thật sự lan tỏa trong từng HS hay không, đây là điều khó kiểm tra, cân đo đong đếm được. Thành ra nhìn trên báo cáo sẽ thấy cái gì cũng có, hoạt động nào cũng tham gia, có những con số báo cáo hẳn hoi nhưng nhiều khi thực tế chỉ làm chiếu lệ”. Vậy hiệu quả thực chất các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp đến đâu? Có lẽ mỗi trường mỗi khác tùy vào sự tùy cơ ứng biến của ban giám hiệu. Tuy nhiên, có một bất hợp lý lớn từ chủ trương đưa ngày càng nhiều hoạt động, nhiều chủ điểm, chủ đề ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp vào nhà trường phổ thông. Nói như thầy Cao Huy Thảo, hiệu trưởng Trường TH quốc tế Việt Úc, nguyên phó hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM: “Dư luận vẫn thường cho rằng HS đang quá tải với chương trình sách giáo khoa. Nhưng theo tôi, quá tải chỉ một phần từ sách. Thực tế HS chúng ta quá tải vì phải học quá nhiều môn, phải tiêu hóa quá nhiều thứ. Các chủ điểm ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp đều rất cần thiết, nhưng vấn đề là cách đưa vào nhà trường như thế nào. Thêm một cái mới phải cắt bỏ bớt cái cũ đi. Còn chúng ta chỉ thêm vào, thêm vào nhưng không cắt bớt chút nào cả. Thử hỏi sức đâu HS tiếp thu nổi”. Và do không còn thời gian cho các hoạt động khác nên để tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp và ngoại khóa, nhiều trường phải yêu cầu HS đến trường ngày cuối tuần. Hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ vì thế trong nhiều trường hợp còn làm nặng nề thêm cho HS.
Theo Phúc Điền - Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ

Đọc thêm