Nhà Tin và nhà tôi, hai nhà đều quay mặt ra biển, gần nhau nhất xóm tuy ở cách ra một cái hẻm. Hẻm dài, nhưng không phải hẻm phố nhà mà là hẻm sâu của… đất ! Dường như đây là vết nứt của vỏ trái đất thời xa xưa lưu lại. Hẻm dài chưa rõ bao nhiêu nhưng rộng trên trăm mét và sâu khoảng nửa chiều rộng. Trên hai bờ, lưỡi long, cây dại mọc rùm ròa. Đứng ở đầu hẻm nhìn lên thấy hai bờ đất đỏ quạch chia bầu trời thành con sông dài, trên đó mây chảy ngang chảy dọc không ngớt. Dưới này, nơi lòng hẻm là con suối nhỏ chảy từ rừng về, nước róc rách tuôn ra biển quanh năm. Hẻm đẹp và ấn tượng thế, nên mấy thằng lính Mỹ xa gái lâu ngày bay trực thăng nhìn xuống thảy đều văng tục “fuck it!”.
*
Nơi chúng tôi ở rải rác chừng mươi nhà, dù vậy cũng được gọi là xóm. Xóm Hẻm Dài. Còn tên chính quyền đặt cho là Ấp Rớ. Rớ vì hầu hết đều là lao động biển, chuyên lưới rớ lưới rùng. Chỉ riêng có nhà tôi và nhà Tin là không theo nghề biển. Ông bà ngoại Tin làm nước mắm còn nhà tôi thì làm rẫy. Tin trước kia vốn ở xóm Lò Tỉn, đường đi Sài Gòn. Mẹ chết sớm, cha Tin vì tiếp tế một xe nước mắm đựng trong tỉn cho mấy ông Giải phóng nơi rừng Lá, lộ ra bị chính quyền bắt bỏ tù và chết luôn trong đó. Tin mồ côi bơ vơ nên ông bà ngoại đem về đây nuôi. Một thời gian sau, bà ngoại Tin qua đời. Cũng may nhờ ông có nghề làm nước mắm gia truyền nên dù đang chiến tranh nhưng ông cháu Tin cũng sống đắp đổi được. Ông ngoại Tin chỉ có hai thùng lều nhỏ bên chái nhà. Bên cạnh lều có cây bần to, dưới kê bộ ván tạp dùng làm nơi dọn ăn và cũng là nơi ông ngoại Tin hay ngồi uống trà, đọc sách. Cả Tin cũng thường hay ra đó để vẽ vời hay xem những truyện tranh cũ rích nữa.
Một lần đang lúc chúng tôi chơi trò đuổi bắt trong Hẻm Dài, chợt có vô số giấy từ trên trời rơi lộn lẹo xuống. Chúng tôi biết ấy là những truyền đơn kêu gọi chiêu hồi gì đó của lính Mỹ. Dưới trông lên thấy bay như vô số chim trời, vậy chứ xuống gần đất chúng tản mát đâu hết cả. Riêng Tin chợt thấy một tờ rơi trên cây gần đó, kêu chúng tôi chạy đến. Đúng là truyền đơn. Loại truyền đơn “Gửi những cán binh Cộng Sản…” chúng tôi quá quen nên không màng mà chỉ quan tâm đến phần giấy trắng rộng gần hai bàn tay phía sau, có thể dùng để viết vẽ. Chúng tôi đem tờ truyền đơn về lại nhà Tin. Tờ truyền đơn Tin thấy và tôi là người leo lên nên chỉ hai đứa tôi mới được ưu tiên viết vẽ vào đấy. Là người leo lấy nên tôi được chúng nó bầu cho vẽ trước. Nhất thời không biết vẽ gì, tôi bèn bắt đầu vẽ lên đó một cây. Cây dừa. Tụi nó cùng chụm đầu lại xem thử tôi vẽ cây gì, có khéo không. Sau khi nhận ra đó là cây dừa, thứ cây mọc lu bù nơi bãi biển Hẻm Dài, đứa nào cũng chán. Thằng Chô buột miệng: “Tưởng cây gì! Thằng Dứa lại vẽ cây dừa”. Tuy vậy chứ cũng phải choán gần hết mặt giấy tụi nó mới nhận ra được. Đến lượt Tin vẽ thì hầu như chẳng còn chỗ. Nhỏ Dừng bảo: “Thì mày vẽ trái đi, dừa gì mà chẳng thấy trái”. Nhỏ Tin “ờ há!”, nhưng vì tàng dừa rậm rạp quá, để cho thấy trái Tin đành vẽ gần dưới gốc. Vẽ cho bù với công thấy tờ truyền đơn thành ra nhiều trái quá, giống như được chất đống từ dưới đất chất lên. Hơn trề môi: “Dừa mà làm như khế, ra trái dưới gốc!”. “Chớ… tui hái để xuống hổng được sao?”, Tin vừa tô vừa lý sự. Tô mãi thành ra trái nào trái nấy tím ngắt, đậm đen. Con Lẹp thấy vậy buột miệng: “Trái dừa chất giống như đống tỉn nhà mày á!”. Mà cũng giống như những tỉn nước mắm chất dưới gốc dừa thật. Chô nghiêng ngó một hồi cái đống tỉn rồi gật gù như cụ non: “Thằng Dứa vẽ dừa, bây giờ thì con Tin lại tô tỉn!”. Cho đến lúc thằng Hơn chồm tới toan vẽ phá đám vào bức tranh thì xem như tan hàng!
Chiến tranh ngày dường một leo thang. Phi cơ, nhất là trực thăng bay qua Hẻm Dài ngày càng nhiều hơn. Tiếng cánh quạt dội vào hai vách đất âm hưởng tưởng như nó bay dừng đứng ngay trên mặt hẻm. Nghe đâu Mỹ mở rộng phi trường phía “hữu ngạn” cho các loại phi cơ cỡ lớn cũng có thể đậu xuống bay lên được. Lính thuỷ quân lục chiến Mỹ, hình như là đơn vị bảo vệ phi trường, sáng sáng chiều chiều thường ra tắm đầy ở mé biển phía Nam Hẻm Dài. Thường là tắm truồng, những đám người lố nhố, tồng ngồng. Chúng tôi, thằng nào con nấy bơi giỏi như rái cá, nhưng vì vậy “sân chơi” cũng bị thu hẹp dần.
Một đêm sáng trăng, khuya tôi chơi ù mọi đã đời về. Ngang gần nhà Tin chợt nghe tiếng nước róc rách chảy bên chái lều. Tai tôi rất thính nên cũng thoảng nghe có tiếng nói rì rầm gì bên trong lều đó nữa, vọng ra. Rút nước mắm gì cữ này? Hay thùng lều nhà Tin chó rượt chuột va sút lù nào đó? Thế còn tiếng nói? Tôi nhẹ nhàng tiếp cận gần lều thì hoá ra… Tin đang tắm. Trắng ơi là trắng! Con gái gì mà tắm nghe róc rách, nhỏ nhẻ như nước mắm nhỉ chảy. Nhưng còn tiếng chi nghe dường như rì rầm bên trong lều? Muốn biết thì phải đi qua Tin! Nhưng chắc lần đầu thấy thân thể con gái nên tai nghe lùng bùng ra vậy. Tôi đành phải vòng ra biển, về nhà. Đêm trăng sáng ấy, lần đầu trong đời tôi nằm mà không thể nào ngủ được, nhắm mắt mở mắt gì cũng hiện ra hình ảnh của Tin đang tắm.
Theo chiến tranh, hằng chuỗi những biến động xảy ra ở xóm Hẻm Dài. Mở đầu là từ nhà ông ngoại của Tin. Một mờ sáng nghe tở mở bên phía nhà Tin, tôi chạy sang thì vừa lúc cảnh sát dã chiến đánh và thúc gối văng ông ngoại Tin vào thùng sau xe. Trên xe ấy còn có một người nữa bị còng quặt tay ra sau, và Tin. Họ vừa khám xét toàn bộ khu nhà. Mấy thùng lều nhỏ tanh banh và nước mắm chảy như nước xé. Bộ ván nhỏ mỗi nơi một tấm, tỉn thì cái bể, cái văng vãi tứ tung. Khi Cảnh sát đưa đi rồi mọi người mới biết. Hoá ra lâu nay ông ngoại Tin bí mật nuôi chứa cán bộ Giải phóng trong thùng lều nước mắm hai ngăn. Cửa ra vào tiếp tế là những cái tỉn xếp lộn xộn bên hông thùng lều… Tôi nghe mà ngỡ ngàng, rồi thảng thốt. Ánh mắt Tin nhìn tôi lúc xe sắp chạy khiến tôi cảm thấy mình như vừa mất đi một cái gì đó vừa quý, vừa rất khó tìm lại trong đời. Hương từ thùng lều nước mắm bể mỗi lúc một tỏa thơm, lan xa làm đậm thêm nỗi bất an đang bắt đầu trùm xuống xóm Hẻm Dài, Ấp Rớ...
Từ sau sự kiện ấy, không khí sinh hoạt trong Ấp Rớ nói chung, xóm Hẻm Dài nói riêng trở nên dè dặt, lặng lẽ. Thêm một vài người nữa bị bắt lính hay bắt vì lý do gì đó. Cảnh sát, dân vệ tuần rỏn hàng đêm cũng nhiều hơn. Và cứ vài đêm lại xét, kiểm tra Sổ gia đình một lần. Chúng tôi cũng dần ít chơi đùa như trước, chăm chú hơn vào việc nhà. Vả lại lúc này tất cả chúng tôi cũng đã lớn, trổ mã. Càng trổ mã, gái chẳng nói làm gì, chứ con trai thì cũng đồng nghĩa với đụng tuổi quân dịch, phải đi lính. Đó là nỗi lo âu của đám con trai và gia đình mình.
Một lần đi rẫy, chiều tối về thì tôi nghe mẹ nói: Lúc sáng Tin có về xóm Hẻm Dài, đến hỏi thăm con, vẻ bần thần, quanh quẩn đến gần trưa thì chào đi. Liền ngay đó, tôi đi tìm hỏi khắp những nơi Tin quen biết, có vài nơi Tin đến nhưng chẳng ai biết là đi đâu. Tôi đoán là Tin ra trại giam, đến chào tôi lần cuối cùng để… thoát ly theo chí hướng của gia đình mình. Sự trở về rồi ra đi bất chợt của Tin làm tôi bần thần gần cả tháng trời.
Năm sau đó, tôi đến tuổi phải đi quân dịch do chế độ Sài Gòn quy định. Đứng về phía Tin hay về phía những người bắt Tin? Từ hình ảnh lính Mỹ rượt Tin, Dừng đến cảnh cảnh sát lên gối ngoại Tin bật vào lòng xe rép, sẵn có mấy lần liên hệ với cơ sở Cách mạng khi làm trên rẫy nên tôi xin thoát ly ra rừng. Trong thâm tâm những mong như vậy rồi thế nào cũng sẽ bất ngờ gặp Tin ở đâu đó.
Rừng núi, chiến khu không chật hẹp như cái xóm Hẻm Dài để có thể dễ dàng gặp em! Chiến trận bời bời, hút tôi đi mãi. Thi thoảng có những đêm rảnh rỗi giữa hai cuộc hành quân hay hai trận đánh, cơn mơ lại bất ngờ kéo tôi về lại xóm biển Hẻm Dài. Xóm biển có người mẹ tôi vừa nghe tin trễ tràng là đã qua đời. Xóm biển với những đợt sóng trắng lặng lẽ từng lúc vỗ bờ và em Tin thường đùa vui bên tôi với mái tóc cháy vàng thơm lừng hương nước mắm.
Miền
Một chiều của ngày đã vãn người vào, tôi nhậu về thì cô trực triển lãm bảo có người khách nước ngoài đến xem phòng tranh rất lâu. Cuối cùng ông ta ngỏ ý muốn mua một bức. Vậy là trúng mánh. Tôi mừng vội hỏi bức nào thì cô bảo bức sơn dầu 18. Tôi sững sốt! “Người khách hẹn lát nữa sẽ quay lại, gặp anh”. Tôi bần thần đến trước bức tranh. Sơn dầu 18 là bức tranh “Dừa và tỉn”. Tranh này tuy có thêm một chút biển xa xa làm nền, còn gần như nguyên vẹn bức ngày xưa tôi đã vẽ cùng Tin trên mặt sau tấm truyền đơn “Gửi những cán binh Cộng Sản” ở Hẻm Dài. Tất nhiên là mầu sắc, đường nét mọi thứ có hiện đại hơn nhưng nội dung thì vẫn như cũ.
Người khách nước ngoài là ai, lại muốn mua ngay chóc vào bức tranh đầy kỷ niệm của tôi ?
Ông ta tự giới thiệu mình tên là Tinny. Vì sao ông lại chọn mua bức tranh này? Đầu tiên ông ta bảo là mình thích. Đứng trước nó ngắm một lúc, nghe như có thơm thoảng mùi nước mắm của đâu đây. Câu ông trả lời khiến tôi giật mình. Cái tỉn, bây giờ cũng ít ai biết dân vùng tôi chuyên dùng để đựng nước mắm nữa là… một người nước ngoài như ông? Ông là ai? “Toi la… Tỉn-ny ma…!”. Ông chỉ vào ngực mình và nói bập bẹ bằng tiếng Việt. Khi nghe bảo ông còn rất ít thì giờ vì đã phải chờ đợi tôi, và xin cho biết giá tấm tranh. Hiểu rằng không thể vòng vo được, tôi nói ngay rằng: Tấm tranh này tôi chỉ trưng bày nhưng không thể bán. Ông ta đứng lên, nhún vai: “Rất tiếc, nếu ông bán tôi sẽ mua với giá rất cao!”. Tôi chỉ cười. “Sao triển lãm lại không bán? Ông là họa sĩ mà?”. Tôi cho biết chỉ bán nếu biết rõ vì sao ông lại mua nó, bởi vì đây là kỷ niệm của tuổi thơ tôi. Nghe đến đây với ánh mắt nghi hoặc, Tinny lại ngồi xuống. Sau chút phút lưỡng lự, ông lôi từ trong ba lô ra một cuốn sổ tay. Sau khi nhìn tôi và cô phiên dịch, ông mở cuốn sổ và xoay về phía chúng tôi. Có trời mới tin được mắt mình. Đính trong cuốn sổ là tấm tranh “Dứa vẽ dừa, Tin tô tỉn” năm xưa! Tinny run run gỡ tấm tranh từ cuốn sổ đưa ra. Trước mắt tôi, đúng là tấm truyền đơn “Gửi những cán binh Cộng Sản”. “Tôi về đây là theo tờ giấy này!”, Tinny chỉ tay vào tấm giấy mà thời gian tuy có làm ố vàng nhưng vẫn còn khá nguyên dáng vẻ. Tôi xúc động cầm lấy tấm tranh. Dù nét mực qua thời gian có mờ đi đôi chút, nhưng đúng là tấm tranh tôi và Tin đã vẽ năm xưa.
Theo lời Tinny kể, năm đó Tonny làm cố vấn cho Ty cảnh sát. Ông ngoại Tin bị bắt về Ty sau đó thổ huyết chết, Tonny yêu Tin nên đã lo chôn cất ông. Với uy thế của mình, Tonny bảo lãnh Tin ra tù, rồi kết hôn cùng cô. Hai người về Mỹ, ăn ở cùng nhau mãi hơn hai mươi năm nhưng không có đứa con nào. “Mới đầu Tin không yêu tôi, nhưng sau đó thì ngược lại, vì chung quanh có còn ai đâu! Suốt trong những năm tháng chung sống với tôi, Tin cứ nhìn ngắm không biết chán tấm tranh “truyền đơn” này và kể mãi với tôi về xóm biển Hẻm Dài đầy ký ức tuổi thơ đó. Đây, cô ấy đã vẽ vào đây trái tim của mình”. Quả thật trên góc trái tranh có hình một trái tim, mới đầu tôi tưởng năm ấy ở Hẽm Dài, sau khi tan cuộc Tin vẽ thêm vào, nhưng nhìn kỹ lại thì nét mực tuy tốt, nhưng chắc cũng đâu chỉ hơn mười năm nay thôi. “Phải, mười năm trước, trước khi mất chừng sáu tháng, cô ấy đã vẽ vào đây!”. Tôi nghe mà thẫn thờ! “Cô ấy chết héo mòn bởi chỉ mỗi một căn bệnh là nhớ thương xóm biển Hẻm Dài, nhớ thương Việt
“Trước khi vợ tôi chết, cô ấy đã sửa sang bàn thờ ông ngoại và đặt tấm tranh này lên để thờ. Hiếm gia đình người Mỹ nào lại có bàn thờ rất Việt
Từ sự không ngờ quá đặc biệt này, tôi tặng Tinny bức tranh “Dừa và Tỉn”. Và Tinny cũng xúc động tặng tôi lại tấm tranh năm xưa tôi đã vẽ cùng Tin.
*
Tinny đi rồi. Một mình nơi phòng triển lãm, lần nữa tôi lại đưa bức tranh ngày xưa ra ngắm. Hình ảnh Tin của thuở nào và hình ảnh Tin ở Mỹ những ngày cuối đời theo tưởng tượng lại hiện lên. Điều gì đã khiến một người như Tin lại gửi xương tàn nơi đất khách? Và cái gì khiến một người như Tinny đem tờ truyền đơn có bức tranh nhỏ nhoi ấy trở lại Việt