"Philippines sẵn sàng chia sẻ tài nguyên chứ không phải lãnh thổ”

Tổng thống Philippines ngày 16/5 tuyên bố ông mong muốn các nước trong khu vực đều được hưởng lợi từ những mỏ khí đốt tự nhiên khổng lồ ở biển Đông nhưng sẽ không cho phép các nước khác ra yêu sách tại những khu vực thuộc chủ quyền của Philippines.

[links()]Tổng thống Philippines ngày 16/5 tuyên bố ông mong muốn các nước trong khu vực đều được hưởng lợi từ những mỏ khí đốt tự nhiên khổng lồ ở biển Đông nhưng sẽ không cho phép các nước khác ra yêu sách tại những khu vực thuộc chủ quyền của Philippines.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Ảnh: Internet

Cùng lúc, lực lượng vũ trang nước này cũng đang lên kế hoạch mua sắm nhiều thiết bị quân sự để tăng cường khả năng phòng thủ.

Tại một diễn đàn mở với các cựu sinh viên của trường kinh doanh Wharton ở thành phố Makati tối 16/5, trước ý kiến đề nghị Philippines và Trung Quốc nên tham gia vào một thỏa thuận chia sẻ 50-50 các nguồn năng lượng ở các khu vực đang có tranh chấp tại biển Đông, ông Aquino nói rằng ông không được phép từ bỏ lãnh thổ của người Philippines.

“Chúng ta đang không ngừng liên lạc với họ để tìm kiếm giải pháp đôi bên cùng có lợi” – ông Aquino nói. “Rõ ràng, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, chúng ta có một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và cả 2 bên đều đã tham gia Công ước này. Vì vậy, liệu có là quá nhiều nếu chúng ta vừa yêu cầu các nước láng giềng tôn trọng các quyền lợi của mình nhưng vẫn đảm bảo việc tôn trọng quyền lợi của họ?” – ông Aquino nói thêm.

Tuy nhiên, ông Aquino sau đó đã nhấn mạnh ưu tiên giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình của chính phủ đồng thời thừa nhận Philippines không đủ tiềm lực để đối đầu quân sự với Trung Quốc.

“Chúng tôi không muốn đưa ra bất kỳ đe dọa về mặt quân sự nào với họ. Tôi lấy ví dụ vui đây chỉ là một trận đấu quyền anh thì họ có đến 1,3 tỉ dân trong khi chúng ta chỉ có 95 triệu. Chúng ta sẽ không thắng thế và đó không phải là hướng đi. Vì vậy, nếu chúng ta có thể khai thác các nguồn tài nguyên này theo hướng đảm bảo lợi ích cho toàn bộ khu vực thì chúng ta sẽ bớt phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ từ Trung Đông và Bắc Phi” – ông Aquino nói.

Trước đó, ngày 16/5, Tổng thống Aquino đã bổ nhiệm cựu giám đốc ngân hàng Cesar Zalamea và doanh nhân người Philippines gốc Hoa Domingo Lee làm đặc phái viên tại Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ kéo dài 6 tháng của mình, 2 quan chức trên có nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động đầu tư của giới doanh nhân Trung Quốc vào Philippines, tích cực thuyết phục khách du lịch Trung Quốc sang Philippines nghỉ ngơi, thúc đẩy giao lưu hữu nghị giữa 2 chính phủ và giúp giới chức nước này trong các chuyến thăm viếng Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Aquino không phong ai làm đại sứ Philippines tại Trung Quốc.

Tăng tiềm lực quân sự

Trong một diễn biến khác, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) Jessie Dellosa ngày 16/5 đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên tại khu vực đảo Palawa sau 4 tháng nhậm chức. Tại đây, ông Dellosa đã có cuộc họp kín với chỉ huy lực lượng hỗ trợ chống khủng bố và quân nổi dậy tại đảo Palawa (Wescom) Juancho Sabban và các cán bộ chủ chốt để bàn về tình hình tại khu vực đang xảy ra tranh chấp, đặc biệt là căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, ông Dellosa nói rằng chuyến thăm của ông tới Palawan “chỉ là một chuyến thăm bình thường để xem xét tình hình và đánh giá tình trạng binh lính”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc nâng cấp năng lực quân sự của Wescom là một trong những ưu tiên của AFP. “Đây là một trong những vấn đề mà chúng tôi đã bàn bạc. Chúng tôi muốn thiết lập một khả năng ngăn chặn vừa phải, vừa phải nhưng hiệu quả” – ông Dellosa nói.

Ông Dellosa cho biết, chính phủ Philippines sẽ chính thức nhận tàu hải quân lớp Hamilton từ Mỹ trong ngày 22/5. Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 16/5 cũng tuyên bố sẽ chi đến 1,6 tỉ USD để mua các loại máy bay quân sự do các nước khác chứ không phải Mỹ sản xuất.

“Chúng tôi sẽ chi từ 400 - 800 triệu USD cho một phi đội máy bay và dự kiến sẽ mua 2 phi đội máy bay mới” – ông Aquino trong một cuộc phỏng vấn cho hay đồng thời khẳng định Philippines có khả năng mua máy bay quân sự hoàn toàn mới chứ không mua máy bay cũ của Mỹ. Ngoài ra, quân đội Philippines cũng đang lên kế hoạch triển khai hệ thống rada mới tại khu vực Palawan để tăng cường khả năng giám sát trên biển Đông.

Tuy nhiên, ông Dellosa cũng nhấn mạnh rằng việc tăng cường tiềm lực quân sự vẫn chỉ là giải pháp thứ yếu vì Manila vẫn chủ trương giải quyết những tranh chấp trên biển Đông bằng các kênh ngoại giao. “Chúng tôi muốn giải quyết áp dụng tối đa các biện pháp ngoại giao trong việc giải quyết các vấn đề này” – ông nói.

Tuệ Minh (theo Inquirer)

Đọc thêm