Phổ biến Giáo dục Pháp luật: Chính quyền quan tâm bảo đảm kinh phí, nguồn lực

(PLO) - Tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp và giao ban công tác tư pháp khu vực phía Nam 6 tháng đầu năm 2017, nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải cơ sở cũng như phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là vấn đề đã được đặt ra nhiều lần nhất là đối với những địa phương còn nhiều khó khăn.
Phổ biến Giáo dục Pháp luật: Chính quyền quan tâm  bảo đảm kinh phí, nguồn lực

Tư pháp địa phương cần chủ động tham mưu, đề xuất

Có ý kiến đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn về kinh phí cho công tác hoà giải ở cơ sở đối với các địa phương chưa tự chủ được kinh phí. 

Theo Bộ Tư pháp, thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (Điều 6), Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở (Điều 12-18), Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Các văn bản đó đã quy định cụ thể cơ chế tài chính bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó có hướng dẫn về kinh phí đối với các địa phương chưa tự chủ được kinh phí, vì vậy, đề nghị địa phương bám sát các quy định tại các văn bản trên đây để thực hiện. 

Thực hiện Luật Ngân sách nhà nước, hàng năm, Bộ Tài chính đều có văn bản hướng dẫn và đề nghị các địa phương, trong đó có các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo Luật Hòa giải ở cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được trung ương giao. Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan tư pháp địa phương (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch) căn cứ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp bố trí nguồn kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở trong phạm vi ngân sách của địa phương được giao; có giải pháp lồng ghép các hoạt động để sử dụng có hiệu quả nguồn lực, khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật về kinh phí hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải và mức chi thù lao theo vụ, việc cho hòa giải viên đã ban hành. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, Đề án về hòa giải ở cơ sở để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách.

Sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các cơ chế cho địa bàn đặc thù

Riêng với kiến nghị Bộ cần xây dựng quỹ hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp khẳng định: Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định việc thành lập quỹ hỗ trợ công tác PBGDPL mà kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL do ngân sách nhà nước bảo đảm; Nhà nước khuyến khích, huy động cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, đóng góp cho công tác PBGDPL theo chủ trương xã hội hóa. Việc có cần thiết phải có quỹ hỗ trợ công tác PBGDPL sẽ được nghiên cứu, cân nhắc trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL.

Theo pháp luật hiện hành về thành lập, quản lý quỹ với mục đích hỗ trợ (quỹ do cơ quan nhà nước thành lập hoặc do cá nhân, tổ chức tự nguyện thành lập) thường gắn với các hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, cứu trợ, gắn với các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo. Việc thành lập quỹ này để hỗ trợ những tình huống bất ngờ, rủi ro xảy ra khi thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, các đối tượng khó khăn cần trợ giúp hoặc để hỗ trợ, phát triển vì mục đích cộng đồng.

Qua theo dõi của Bộ Tư pháp và từ thực tiễn cho thấy việc dành nguồn kinh phí cho công tác PBGDPL phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và điều kiện ngân sách ở từng cơ quan, tổ chức cũng như yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL, Bộ Tư pháp đã đề nghị lãnh đạo bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền quan tâm bảo đảm kinh phí, nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ PBGDPL.

Do vậy, đề nghị các địa phương căn cứ vào các Kế hoạch, Chương trình, Đề án về PBGDPL để chủ động dự kiến nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL báo cáo cơ quan có thẩm quyền bố trí trong phạm vi ngân sách của địa phương, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 

Về lâu dài, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, phối hợp với bộ, ngành, đoàn thể đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế tổ chức thi hành luật, pháp lệnh để có được nguồn lực bảo đảm cho công tác này. Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ PBGDPL; tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với công tác PBGDPL; có giải pháp lồng ghép các hoạt động để khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL;

Khuyến khích, huy động các nguồn lực tham gia PBGDPL theo tinh thần xã hội hoá để công tác PBGDPL thực sự là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án về PBGDPL tại các địa bàn đặc thù, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương. 

Đọc thêm