Phổ biến tình trạng “ta diễn – ta xem”

Trong khi các hoạt động nghệ thuật được tổ chức bằng hình thức xã hội hóa diễn ra sôi động, thu hút sự quan tâm của công chúng thì nhiều chương trình nghệ thuật được thực hiện bằng nguồn kinh phí do Nhà nước cấp đang phải đối diện với tình trạng   ”ta diễn- ta xem”…

Trong khi các hoạt động nghệ thuật được tổ chức bằng hình thức xã hội hóa diễn ra sôi động, thu hút sự quan tâm của công chúng thì nhiều chương trình nghệ thuật được thực hiện bằng nguồn kinh phí do Nhà nước cấp đang phải đối diện với tình trạng   ”ta diễn- ta xem”…

Phát vé miễn phí, vẫn vắng người xem

Đêm nhạc “Nói với người tình” của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa được tổ chức tại Nhà hát Tháng Tám tối 16-11. Mặc dù giá vé không rẻ (từ 600 nghìn đồng – 1 triệu đồng/vé) nhưng gần 900 chỗ ngồi của nhà hát hầu như chật kín. Theo một nhân viên bán vé, đến khoảng 4 giờ chiều ngày 16-11, 250 vé với mức giá 1 triệu đồng/vé xem chương trình đã được bán hết. Trong khi trước đó không lâu, cũng tại Nhà hát Tháng Tám diễn ra các chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật của Cu-ba và Pa-le-xtin.Vé được phát miễn phí nhưng chỉ có khoảng hơn 100 khách. Buổi biểu diễn (có bán vé) chương trình ca nhạc “Bài ca mùa thu” tối 17-11 của Đoàn Ca múa Hải Phòng còn thảm hại hơn. Mức giá chỉ 100.000 đồng/vé nhưng cả rạp hát gần 900 chỗ ngồi chỉ có khoảng 60 khách tới xem, trong đó không ít khách tới xem theo vé mời.

Theo Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật thành phố Bùi Xuân Bái, hiện nay các chương trình nghệ thuật tổ chức bằng nguồn kinh phí của Nhà nước hầu hết rơi vào tình trạng vắng khách. Chưa nói tới các buổi diễn bán vé, ngay cả chương trình phát vé mời cũng không thoát khỏi nỗi ám ảnh này. “Khách mời 5 phần mà đến được 3 phần là mừng lắm rồi. Nhiều chương trình, chúng tôi còn phải phát dư vé mời nhưng lượng khách tới rạp vẫn không cải thiện là bao”.

Biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đã vậy, biểu diễn nghệ thuật quần chúng còn buồn tẻ hơn nhiều. Cứ 2 năm một lần, Trung tâm thông tin và cổ động của thành phố lại tổ chức Liên hoan thông tin lưu động toàn thành phố với mục đích sử dụng các hình thức văn nghệ truyền tải thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về với nhân dân vùng sâu, vùng xa. Đợt liên hoan cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra không khí sinh hoạt văn hóa, văn nghệ sôi nổi phục vụ bà con. Tuy nhiên, vấn đề vắng người xem luôn là nỗi lo của Ban tổ chức liên hoan. Hay như Liên hoan văn nghệ gia đình toàn thành phố năm 2010 được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện Kiến Thụy hồi tháng 8 vừa qua cũng trong tình trạng “ta diễn – ta xem”. Thực trạng đó không chỉ là nỗi buồn của những người làm nghề mà còn là một sự lãng phí lớn cả về tiền bạc và công sức của các nghệ sĩ, diễn viên.

Cần cái nhìn thực tế hơn

Theo ông Bái, một trong những nguyên nhân của tình trạng không có người xem là do sự bùng nổ của truyền thông. Qua ti vi, truyền hình cáp và đặc biệt là internet, người dân có thể cập nhật các tin tức trong nước, quốc tế cũng như thưởng thức các chương trình văn hóa, nghệ thuật một cách dễ dàng. Yêu cầu của người xem đối với các chương trình văn hóa, nghệ thuật ngày một khắt khe. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất của các đơn vị nghệ thuật và địa điểm biểu diễn mới chỉ đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Cách lý giải này đúng nhưng chưa đủ. Bằng chứng là trong một điều kiện như nhau (cả về hoàn cảnh xã hội và điều kiện cơ sở vật chất), đêm nhạc của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thu hút rất đông khách tới rạp (có cả những vị khách trung tuổi) trong khi đêm diễn của Đoàn Ca múa chỉ có vài chục người tới xem. So sánh như vậy để thấy rằng, giá vé không phải là vấn đề chính quyết định một chương trình biểu diễn nghệ thuật có đông khách hay không.

Sự khác biệt giữa hai loại hình hoạt động biểu diễn nghệ thuật này có lẽ là mục đích của chương trình. Nếu như hoạt động biểu diễn nghệ thuật do các công ty tư nhân đứng ra tổ chức hướng tới doanh thu thì các chương trình biểu diễn nghệ thuật tổ chức bằng nguồn kinh phí của Nhà nước chỉ nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoàn thành chỉ tiêu trên giao. Chính vì thế, khâu quảng bá, trang trí sân khấu thường không được quan tâm, chương trình không tạo được sức hấp dẫn với người xem. Không có khán giả, các đơn vị hầu như không có doanh thu, không có điều kiện để cải tạo cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nghệ thuật của chương trình. Vòng luẩn quẩn ấy khiến cho nghệ thuật biểu diễn hoạt động bằng ngân sách vẫn trong tình trạng “sống mòn” và người chịu thiệt thòi đầu tiên chính là công chúng và các nghệ sĩ, diễn viên./.

 Hồng Châm

Đọc thêm