|
1. Tiến sĩ Phúc, bạn của bố tôi là một chuyên gia bảo tàng nổi tiếng, nhưng cách đây ít lâu, ông bị thân bại danh liệt cũng vì cái nghiệp này.
Chuyện thoạt nghe rất đơn giản: Một buổi chiều trên đường về nhà, vào lúc sẩm tối, ông phát hiện bên bờ mương có hai pho tượng hình thù cổ quái, lông mày dựng ngược, tay cầm chuỳ, ngồi trên hai con sư tử bằng gỗ. Tiến sĩ Phúc dừng xe, chiếu đèn pha vào hai pho tượng, rõ ràng là bọn buôn thần bán thánh mang hàng về đến đây rồi bỏ của chạy lấy người. Ông vội rút điện thoại ra gọi cho chủ tịch xã, trưởng công an xã, trưởng công an huyện, rồi phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn xã. Lời lẽ thống thiết. Ba mươi phút sau, xe cảnh sát đến, nhân dân kéo ra xem ùn ùn, hoan hô tiến sĩ Phúc cứu được tượng cổ. Đứng trước đám đông, tiến sĩ Phúc phát biểu rất hăng hái, người ta vỗ tay rào rào, hò nhau mang chăn đệm gấm lụa ra bọc lót cho hai pho tượng đưa lên xe về tỉnh. Từ bờ mương đến đường quốc lộ, hương khói nghi ngút, khấn vái sì sụp…
Nào ngờ một người dày dạn kinh nghiệm như tiến sĩ Phúc cũng quá bất cẩn. Về đến tỉnh thì một anh công an viên tình cờ phát hiện ra tượng là đồ rởm, bởi sau lớp sơn son thiếp vàng rỉ tróc bên ngoài chỉ là khối thạch cao rẻ tiền. Hỏi ra mới biết đó là tượng vứt đi từ xưởng điêu khắc của hoạ sĩ Vĩnh Thành. Thế nhưng lúc phát hiện ra thì đã muộn. Chín giờ tối hôm đó, tiến sĩ Phúc đã lên toạ đàm về hai pho tượng cổ trên đài truyền hình tỉnh cùng với phó chủ tịch tỉnh, giám đốc Công an tỉnh. Cô MC truyền hình xinh đẹp Phan Trinh, 26 tuổi, luôn miệng khen ngợi: chiến công vang dội của người dân và đồng chí phó chủ tịch tỉnh ta, nếu cả nước đều phát huy tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm như thế này thì nạn chảy máu cổ vật chắc chắn sẽ bị chặn đứng.
11 giờ đêm hôm đó, một cơ quan truyền thông trung ương điểm lại tin này. Cả nước đều biết….
Phát hiện tượng rởm. Phó chủ tịch tỉnh bàng hoàng. Sai lầm nối tiếp sai lầm. Cứ vứt quách một chỗ, rồi tuyên bố chờ giám định, dăm ba tháng là người ta quên ngay. Đằng này phó chủ tịch tỉnh quá giận mất khôn, truyền bảo đem tượng vứt ngay đi. Cảnh sát dong xe ra đường, không biết vứt tượng đi đâu, nhân qua bờ mương, vứt luôn xuống đó. Hai pho tượng trở về gần đúng vị trí cũ, chỉ có điều bị đổ lộn vộc, cặp lông mày dựng ngược cứ ngửa lên nhìn trời…
2. Chuyện bại lộ ra cả xã, cả huyện. Thế là tiến sĩ Phúc bị mất mặt. Người ta khịt mũi vào trình độ chuyên môn của ông. Phó chủ tịch tỉnh gọi ông lên mắng cho một trận. Trưởng công an huyện còn gán cho tội cố tình báo tin giả cho công an. Kết cục tiến sĩ Phúc bị cho thôi việc ở Bảo tàng tỉnh, thân bại danh liệt, còn hai pho tượng thì vẫn vứt lăn lóc ở bờ mương như ban đầu, ai đi qua cũng cười tiến sĩ Phúc. Không chịu nổi, một đêm mưa gió, ông phải thuê bốn anh cửu vạn khiêng tượng vứt đi. Nhưng vứt đi đâu cho khuất mắt bây giờ. Cách cổ truyền là chôn xuống đất (hạ thổ), nhưng đào đâu ra đất để chôn, người chết còn phải đặt trước sinh phần cơ mà. Thôi thì cho các ngài tắm mát ở ngoài sông Cái, gọi là hạ thuỷ cũng được.
Hai pho tượng rơi tùm xuống sông, mất tăm.
3. Dân làng quên đi, nhưng tiến sĩ Phúc thì không quên được cái nhục đó. Mấy tháng sau ông vẫn như người mất hồn. Năm sau nữa thì đổ bệnh. Thuốc thang mãi không khỏi. Có người mách qua bên kia sông có đền thờ Kim Tân độ này thiêng lắm, xin chân nhang ở đó về hoà nước uống, bệnh gì cũng khỏi. Tiến sĩ Phúc chỉ cười trừ. Đời ông dù thân bại danh liệt, nhưng còn tỉnh táo đến lúc chết, sao lại có thể đi chữa bệnh một cách hồ đồ như vậy được. Vả lại, ông nghiên cứu về mỹ thuật cổ, tượng nào dù thiêng đến mấy, ông cũng mang xuống vật ra lau chùi, ngắm nghía, bình phẩm dưới góc độ khoa học. Ông biết tỏng các ngài sự thực là thế nào rồi.
Dù tiến sĩ Phúc gạt đi, nhưng người nhà cứ sang xin thuốc về. Tiến sĩ uống thuốc thế nào mà hết bệnh, qua mấy hôm đã phong độ như ngày nào. Tự nhiên ngộ ra lẽ sinh tử ở đời. Bèn sang sông để cảm tạ. Ông từ đền Kim Tân từng nghe danh tiến sĩ Phúc đón tiếp rất cẩn trọng, lại nhờ giám định cho các cổ vật trong đền. Cơm no, rượu say, tiến sĩ Phúc bỗng lấy lại được hứng thú ngày nào với cái nghiệp đồ cổ. Ông từ quá cẩn thận, đợi đến tối, mới dẫn tiến sĩ Phúc vào hậu cung, nơi để báu vật của đền, vì nó mà đền bỗng nổi linh khắp cả nước. Hậu cung tối quá, tiến sĩ Phúc bảo phải thắp đèn lên mới khảo cứu được. Đèn vừa thắp lên, tiến sĩ Phúc đã choáng người: Chính giữa điện là hai ông tượng, lông mày xếch ngược, tay cầm chuỳ, cưỡi trên con sư tử gỗ.
Giọng ông Từ bên tai tiến sĩ Phúc như có tiếng vang: “Năm ngoái, nhằm ngày lành tháng tốt, Ngài từ đâu ngao du theo dòng thủy lưu về an tọa trước đền, không chịu đi. Bốn mươi tám lực đinh chúng tôi, làm lễ rước Ngài vào đó. Từ đó đền mới có linh thánh. Chân nhang chữa được bách bệnh… Chúng tôi muốn ông khảo cứu xem Ngài từ đâu mà mang linh thánh đến đền chúng tôi?”.