Phố Wall chao đảo vì Trung Quốc nâng lãi suất

Lần đầu tiên sau 3 năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quyết định nâng lãi suất vì lạm phát lên mức cao nhất trong 22 tháng. Phố Wall náo loạn với việc Dow Jones mất mốc 11.000 điểm.

Lần đầu tiên sau 3 năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quyết định nâng lãi suất vì lạm phát lên mức cao nhất trong 22 tháng. Phố Wall náo loạn với việc Dow Jones mất mốc 11.000 điểm.

Quyết định điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) được đưa ra chóng vánh và nằm ngoài sự trù liệu của không chỉ giới đầu tư mà ngay cả các chuyên gia phân tích lâu năm với thị trường. Thời điểm được PBOC chọn để công bố thông tin cũng gây nhiều xáo trộn bất ngờ, giữa bối cảnh xu hướng nới lỏng tiền tệ đang được các ngân hàng trung ương thế giới theo đuổi quyết liệt nhằm hỗ trợ đà hồi phục kinh tế.

Trung Quốc bất ngờ tăng lãi suất. Ảnh: Telegraph

Cụ thể, PBOC đã nâng lãi suất cho vay đồng nhân dân tệ kỳ hạn 1 năm từ mức 5,31% lên 5,56% và lãi suất huy động kỳ hạn một năm từ 2,25% lên 2,5%. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2007, Trung Quốc thực thi biện phát thắt chặt tín dụng thông qua công cụ lãi suất cơ bản. Mặt bằng lãi suất mới sẽ chính thức được áp dụng kể từ ngày 20/10.

Tháng 8, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc đã lên mức 3,5% và các nhà kinh tế dự đoán lạm phát tháng 9 sẽ tăng lên 3,6%. Rủi ro kinh tế tăng trưởng quá nóng khiến chính phủ Trung Quốc buộc phải tính đến biện pháp hạn chế tín dụng và đầu cơ bất động sản.

Bầu không khí giao dịch u ám bao trùm các sàn cổ phiếu Phố Wall. Chứng khoán Mỹ sụt giảm sâu nhất trong hơn 2 tháng. Chỉ số Dow Jones Industrial lao dốc 165,07 điểm, tương ứng 1,5%, mất mốc hỗ trợ kỹ thuật 11.000 điểm, xuống 10.978,62 điểm. Hàn thử biểu Standard & Poor 500 trượt 1,6%, thoái lui về 1.165,9 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 1,8%, đóng cửa tại 2.436,95 điểm.

Phiên giao dịch mang lại những cảm xúc trái chiều cho các nhà đầu tư, giữa bối cảnh các thông tin tốt, xấu liên tục được gửi đến các sàn chứng khoán. Lợi nhuận kém khả quan của hai đại gia công nghệ là IBM và Apple, đặc biệt là sau khi nhận được tin Ngân hàng Nhân dânTrung Quốc bất ngờ nâng lãi suất, khiến Phố Wall mở cửa giảm sâu. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản lại tiếp tục phát đi những tín hiệu hồi phục khả quan, khi số nhà mới khởi công trong tháng 9 và số nhà được cấp phép xây mới tăng vượt kỳ vọng.

Kết quả kinh doanh sáng sủa của ngân hàng Goldman Sachs cũng là liều thuốc tinh thần giúp giới đầu tư lạc quan hơn về đà hồi phục kinh tế. Lực xả hàng diễn ra ngày càng mạnh vào buổi chiều khi hãng Bloomberg đưa tin một nhóm chủ nợ gồm PIMCO, BlackRock và Cục Dự trữ bang New York đang tìm kiếm biện pháp buộc Bank of America (BoA) mua lại 47 tỷ USD các khoản vay thế chấp xấu từ đơn vị Countrywide Financial của ngân hàng này.

Ở bờ kia Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng điều chỉnh sâu nhất kể từ tháng 10. Chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu khu vực DJ Stoxx 600 hạ 0,5%, xuống 265,24 điểm. Phiên này, có 15 bảng điện tử các thị trường đóng cửa trong sắc đỏ. Đà giảm của các chỉ số được kìm hãm sau khi có thông tin Ngân hàng Trung ương Anh đang cân nhắc khả năng mở rộng chương trình mua lại trái phiếu nhằm tạo thanh khoản cho nền kinh tế. Chứng khoán Đức mất 0,4%. Các chỉ số FTSE 100 của Anh và CAC 40 của Pháp lần lượt trượt 0,6% và 0,7%.

Thông tin chính phủ Trung Quốc bất ngờ ra quyết định nâng lãi suất đến vào thời điểm hầu hết các thị trường khu vực châu Á đã đóng cửa, do đó không mấy tác động tới diễn biến giao dịch phiên hôm qua. Chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực MSCI lình xình quanh mốc 130,3 điểm, nhích nhẹ dưới 0,1%. Sắc xanh chiếm ưu thế chủ đạo trên các sàn cổ phiếu chủ chốt.

Tại Tokyo, phong vũ biểu Nikkei 225 tiến thêm 0,4%, tái lập trên ngưỡng 9.500 điểm, chốt tại 9.539,45 điểm. Thị trường được nâng đỡ bởi những phỏng đoán Tập đoàn công nghiệp Mitsubishi sẽ trình công chúng kết quả kinh doanh quý 3 tăng cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Sức bật của Nikkei phiên này bị kìm hãm sau thông tin chính phủ Nhật Bản hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng nền kinh tế lần đầu tiên kể từ tháng 2/2009. Chính phủ Nhật cho rằng đà hồi phục kinh tế nước này đang chững lại do đồng yên tăng giá kéo theo xuất khẩu giảm mạnh.

Trên các sàn giao dịch hàng hóa thế giới, giá dầu thô và vàng đồng loạt trượt giảm mạnh. Đặc biệt, viễn cảnh nhà đầu tư ào ạt bán ra mặt hàng kim loại quý đã xuất hiện với xung lực đánh xuống rất mạnh. Giá vàng giao kỳ hạn tháng 12 trên bảng điện tử Comex lao dốc 36,1 đôla (2,6%), xuống 1.336 đôla một ounce. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới giao kỳ hạn tháng 11 cũng trượt sâu tới 2,6 đôla, xuống 81,08 đôla một thùng.

Bộ Trưởng tài chính Mỹ Timothy F. Geithner khẳng định Mỹ sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua phá giá đồng nội tệ. Đồng bạc xanh đã trượt giá gần 7% kể từ thời điểm chủ tịch Cục dự trữ Liên bang (FED) hé lộ khả năng áp dụng thêm các chính sách nới lỏng định lượng. Trên sàn giao dịch ngoại hối New York, tỷ lệ hoán đổi giữa đồng bạc xanh và euro đã chạm ngưỡng cao nhất trong 2 tuần. Cụ thể, mỗi euro đổi được 1,3698 đôla từ mức 1,3727 đôla lúc mở cửa.

Nguyễn Hùng
VnExpress

Đọc thêm