Ăn muối như thế nào để tốt cho sức khỏe?

Chúng ta đang ăn muối nhiều hơn gấp 3 – 6 lần như một thói quen, để có cảm giác ngon miệng. Một trong những “thủ phạm” gây ra cao huyết áp là lạm dụng muối ăn và gia vị chứa nhiều muối. Chuyên gia dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1, khuyến cáo một số giải pháp giúp giảm lượng muối vào cơ thể...
Ăn muối như thế nào để tốt cho sức khỏe?

Nếu chúng ta sử dụng quá nhiều muối (nước mắm, nước tương, bột nêm, bột ngọt…) thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Một trong những “thủ phạm” gây ra cao huyết áp là lạm dụng muối ăn và gia vị chứa nhiều muối.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, chúng ta nên ăn ít hơn 5 gam muối mỗi ngày (tức 5000mg), tương đương 1 muỗng cà phê. Nhưng thực tế chúng ta đang ăn nhiều hơn gấp 3 – 6 lần (khoảng 15 - 30gr/ngày) như một thói quen, để có cảm giác ngon miệng.

Để giữ được hạn mức như WHO khuyến cáo, KS.Triệu Thị Ngọc Điệp - Nhóm Tiết chế khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM khuyến cáo, nên áp dụng các biện pháp:

- Ăn trái cây không chấm thêm muối tôm, muối ớt, muối tiêu hay mắm ruốc…

- Hạn chế để muối và nước chấm trên bàn/mâm khi ăn.

- Pha loãng nước mắm để chấm

- Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như: bánh snack, xúc xích, thịt xông khói, lạp xưởng, đồ hộp (thịt, cá, rau đóng hộp), đậu phộng, hạt điều rang muối.

- Hạn chế dùng các loại thực phẩm khô (khô cá, khô mực, khô bò….) dưa muối, trứng muối…, và các món kho (cá kho, thịt kho nhất là dạng kho khô như thịt kho tiêu…).

- Hạn chế ăn mì gói vì vắt mì (chưa có gói gia vị): có từ 1g đến 3g muối, gói mì (luôn gói gia vị): có từ 2.5g đến 5.5g muối.

- Tăng cường nấu ăn tại nhà, ăn thực phẩm tươi, nên ăn món luộc thay cho món kho, rim, rang. Không thêm nước mắm, nước kho cá, thịt hay nước sốt vào cơm khi ăn.

- Hạn chế cho muối và gia vị chứa nhiều muối vào thực phẩm khi sơ chế, tẩm ướp, nấu ăn, nước luộc rau…

- Đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua.

- Nếm thức ăn trước khi muốn cho thêm muối và gia vị nhiều muối.

Đọc thêm