Hi vọng mới từ ca chữa khỏi bệnh HIV/AIDS hi hữu

(PLVN) - Mới đây, một người đàn ông dương tính HIV sinh sống ở Anh đã trở thành người thứ 2 trên thế giới chữa khỏi virus HIV, sau khi tiến hành phương pháp cấy các tế bào gốc tủy xương từ một người hiến tạng có gen đột biến kháng HIV. Đây là gen hiếm gặp, được gọi là CCR5-delta 32. 
Hình minh họa
Hình minh họa

“Bệnh nhân London”

Theo hãng tin CNN, trường hợp của bệnh nhân này được công bố trên tạp chí Nature và sắp tới sẽ được trình bày tại một hội thảo về HIV ở Seattle, Mỹ. Hiện danh tính của người đàn ông này chưa được tiết lộ, nhưng các các bác sĩ gọi anh ta là “bệnh nhân London”. 

Báo cáo về trường hợp “bệnh nhân London” được công bố sau trường hợp đầu tiên “bệnh nhân Berlin” hơn 10 năm trước. Được biết, một người Mỹ tên Timothy Brown, được chữa khỏi HIV về cơ năng và được gọi là “bệnh nhân Berlin” do anh này cũng được điều trị bằng phương pháp CCR5 tương tự ở Đức năm 2007 và không còn HIV.

Anh Timothy Brown từng sống ở Berlin nhưng đã trở về Mỹ và theo các bác sĩ, cho đến bây giờ, anh là người duy nhất được cho là đã được chữa khỏi HIV, loại virus gây ra bệnh AIDS.

Theo Giáo sư Ravindra Gupta, trưởng nhóm nghiên cứu và đang giảng dạy tại Khoa truyền nhiễm và miễn dịch của Đại học London chia sẻ, “Từ sự thuyên giảm virus HIV gần như hoàn toàn ở “bệnh nhân London”, chúng tôi đã chứng minh cho mọi người thấy rằng “bệnh nhân Berlin” không phải là trường hợp dị thường. Bằng những phương pháp chữa bệnh tương tự, chúng tôi đã giúp họ loại bỏ HIV ra khỏi cơ thể”. 

Bệnh nhân London” được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2003 và bắt đầu dùng thuốc để kiểm soát sự lây nhiễm vào năm 2012. Người đàn ông đã phát triển bệnh ung thư hạch Hodgkin vào năm đó. Năm 2016, tình trạng bệnh ngày càng rất yếu do ung thư. Các bác sĩ đã quyết định tìm nguồn tạng phù hợp vì đây là cơ hội sống cuối cùng của anh ta. Người hiến tạng - một người lạ - có gen đột biến gọi là “CCR5 delta 32”, có khả năng kháng HIV. 

Gần 3 năm sau khi được cấy các tế bào gốc tủy xương từ một người hiến tạng có đột biến gien hiếm gặp và miễn nhiễm HIV – và sau hơn 18 tháng kể từ khi ngừng sử dụng đặc trị chống HIV – các xét nghiệm có độ nhạy cảm cao vẫn cho thấy không có dấu vết nào của việc nhiễm HIV trước đây ở người đàn ông này. “Chúng tôi không thể đo được virus. Hoàn toàn không phát hiện có virus nữa”, Giáo sư Ravindra Gupta vui mừng thông báo.

Bệnh nhân Berlin, người đầu tiên trên thế giới chữa khỏi virus HIV
Bệnh nhân Berlin, người đầu tiên trên thế giới chữa khỏi virus HIV

Khi nhận được thông tin từ “bệnh nhân London”, bác sĩ Gero Hutter, người đã điều trị cho “bệnh nhân Berlin” và hiện là Giám đốc Trung tâm y tế Cellex ở thành phố Dresden, Đức, đã gọi trường hợp mới là “tin tuyệt vời” và là “một mảnh ghép trong bức tranh điều trị HIV”.

“Kể từ sau khi “bệnh nhân Berlin” được chữa khỏi gần như hoàn toàn, phương pháp điều trị CCR5 đã trở thành chủ đề trong nghiên cứu HIV. Và trường hợp mới của “bệnh nhân London” sẽ tiếp hỗ trợ hơn nữa cho các nhà nghiên cứu trên con đường tìm ra phương pháp chữa trị HIV”, bác sĩ Gero Hütter nói.  

Không chỉ 2 trường hợp trên, mới đây bác sĩ Bjorn Jensen thuộc Đại học Düsseldorf cũng đã công bố về trường hợp bệnh nhân thứ 3. Giống như “bệnh nhân London”, bệnh nhân của bác sĩ Bjorn Jensen cũng đã trải qua hóa trị ung thư nhẹ, không tiến hành trị xạ, tiếp đó cũng cấy ghép tế bào gốc tủy xương từ một người hiến tặng có đột biến gen hiếm gặp khả năng kháng virus HIV tự nhiên (CCR5). Hiện đã 3 tháng kể từ khi điều trị, các bác sĩ đã không còn thấy sự hiện diện của virus HIV.

Dấu mốc y học

Vào năm 1995, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra lý do tại sao HIV có thể quay trở lại ngay cả khi nó dường như đã bị đánh bại. Virus chôn vùi một phần của chính nó trong các ổ chứa tiềm tàng của cơ thể, nằm ngủ như một cách “dự phòng”.

Năm 1996, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng liệu pháp khoáng retrovirus (ART) có thể ức chế virus và ngăn chặn nó hồi sinh, nếu thuốc được sử dụng một cách nghiêm ngặt. Nhưng một khi thuốc bị ngừng lại, virus sẽ nhanh chóng hồi sinh. Do vậy, các chuyên gia ca ngợi CCR5 là một “dấu mốc” quan trọng, là bước tiến tuyệt vời trên con đường tìm kiếm phương pháp điều trị HIV hoàn hảo nhất. 

Các nhà khoa học đã lạc quan một cách thận trọng rằng trường hợp của “bệnh nhân London” đã có phần khác biệt hơn so với “bệnh nhân Berlin” và đó có thể là dấu hiệu của sự tiến bộ. So với Brown, “bệnh nhân London” được hóa trị nhẹ nhàng hơn để chuẩn bị cho ca ghép, không tia xạ và chỉ có phản ứng nhẹ với việc ghép.

Tuy nhiên, đa số chuyên gia cho rằng phương pháp điều trị này nếu có thể áp dụng cho tất cả bệnh nhân sẽ rất tốn kém, phức tạp và rủi ro. Để thực hiện với các bệnh nhân khác, việc khó nhất là tìm được người hiến tạng phù hợp, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số những người hiến tạng, hầu hết là người gốc Bắc Âu - mang gen đột biến CCR5 có khả năng kháng virus. Không chỉ vậy, các nhà khoa học cũng cho biết hiện chưa rõ liệu gen đột biến CCR5 có phải là chìa khóa duy nhất, có vai trò làm mất các tế bào nhiễm HIV hay không.

Hình minh họa
Hình minh họa

 “Chúng tôi đã chữa khỏi HIV, nhưng chúng tôi cũng hy vọng một ngày nào đó sẽ có một phương pháp nào toàn diện, khả thi hơn trong việc loại bỏ virus ra khỏi cơ thể. Hiện tại, thế giới nên tin tưởng vào những loại thuốc hỗ trợ có hiệu quả. Bởi như vậy mọi người sẽ sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn”, Sharon Lewin - chuyên gia Viện Doherty (Úc), đồng Chủ tịch ban Cố vấn nghiên cứu về chữa bệnh của Hiệp hội AIDS Quốc tế nói.

Quay trở lại với “bệnh nhân Berlin”, ông Timothy Ray Brown, người đã không có HIV trong suốt 12 năm mà không cần dùng thuốc, cho biết ông muốn gặp “bệnh nhân London” chưa rõ danh tính mới được công bố. Ông kêu gọi bệnh nhân này ra công khai vì”điều đó sẽ rất hữu ích cho khoa học và mang lại hy vọng cho những người có HIV”.

 “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có cách chữa khỏi bệnh trong cuộc đời mình. Bây giờ ông đang dành cả cuộc đời để làm việc với các nhà nghiên cứu và nhà hoạt động về HIV, một trải nghiệm hài lòng mà ông cảm thấy có trách nhiệm. Tôi cảm thấy có trách nhiệm giúp các bác sĩ hiểu điều ấy đã xảy ra như thế nào để họ có thể thúc đẩy khoa học tiến lên”, ông nói thêm.

12 năm kể từ trường hợp đầu tiên được chữa khỏi HIV, ngày 5/3 các bác sĩ London tuyên bố đã giúp bệnh nhân thứ hai hết bệnh. Ngày 7/3, tại Hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng Cơ hội tại Seattle (Mỹ), nhóm nhà nghiên cứu Hà Lan báo cáo người HIV thứ ba được chữa trị có biệt danh "bệnh nhân Dusseldorf".

Chia sẻ với New Scientist, bà Annemarie Wensing tại Trung tâm Y tế Đại học Utrecht thuộc nhóm nghiên cứu cho biết giống hai ca đầu tiên, "bệnh nhân Dusseldorf"  từng phẫu thuật ghép tủy. Sau ba tháng dừng sử dụng thuốc kháng virus, kết quả sinh thiết ruột và hạch bạch huyết của bệnh nhân không còn dấu hiệu nhiễm HIV.

Tuy vậy, vẫn còn rất sớm để khẳng định "bệnh nhân Dusseldorf" hay bất kỳ bệnh nhân nhiễm HIV nào khác hoàn toàn khỏi bệnh.

Ông Javier Martinez-Picado thuộc Viện Nghiên cứu AIDS IrsiCaixa, Barcelona (Tây Ban Nha) tiết lộ hiện hai bệnh nhân khác cũng đang trải qua quy trình cấy ghép tủy xương và tiếp tục dùng thuốc kháng virus. Nếu cơ thể hai người này có phản ứng tương tự, hoàn toàn loại bỏ virus HIV ngay sau khi dừng thuốc kháng virus như ba trường hợp kể trên thì rất có thể các bác sĩ đã thật sự tìm ra phương pháp chữa trị căn bệnh thế kỷ.

Đọc thêm