Cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình, thì một người từng bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục. Đây là số liệu từ kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam được Chính phủ và Liên hợp quốc thực hiện…
Không phải chuyện “sau cánh cửa”
Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 5 nghìn phụ nữ từ 18-60 tuổi. Kết quả, 54% số phụ nữ bị bạo hành tinh thần, 34% số phụ nữ bị bạo hành thể xác hoặc tình dục. Nhẹ thì bị chồng tát hoặc ném vật gì đó vào người, nặng thì bị đánh, đấm, kéo lê, bóp cổ, làm bỏng…
Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng tổ chức tọa đàm về bạo lực gia đình. Ảnh: Minh Hải |
Tại cuộc tọa đàm về phòng, chống bạo lực gia đình được tổ chức vào cuối tháng 11-2010 vừa qua, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Phạm Hải Yến nhận định: “Phần lớn nạn nhân bị bạo hành là phụ nữ. Bên cạnh sự xấu hổ khiến phụ nữ phải giấu giếm việc mình bị bạo hành, nhiều chị em quan niệm “một điều nhịn, chín điều lành” và bạo lực trong quan hệ vợ chồng là điều “bình thường”, người phụ nữ cần bao dung, nhẫn nhịn, chịu đựng để giữ gìn hòa khí trong gia đình. Vì vậy, có người bị chồng đánh thâm tím mặt mày, khi đến nơi làm việc, mọi người hỏi thăm lại bao biện cho chồng là “em bị ngã”. Thậm chí, nhiều người, nhất là người cao tuổi, có quan niệm cổ hủ, đánh đồng bạo hành với việc “giáo dục” nên khi con dâu bị con trai bạo hành, nhiều bậc cha mẹ lại cho rằng “hư thì phải đánh để giáo dục”. Nếu ngay trong gia đình, việc bạo hành phụ nữ không được xem trọng hoặc theo quan niệm cũ, đó là chuyện gia đình thì xã hội thờ ơ và coi bạo hành gia đình là “chuyện sau cánh cửa” cũng là điều dễ hiểu.
Theo bà Yến, xu hướng bạo lực tinh thần có chiều hướng gia tăng, nhưng khó nhận biết và không kiểm soát được, trong khi đó, bạo lực tinh thần có sức tàn phá khủng khiếp hơn bạo lực về thể chất gấp nhiều lần. Bạo lực tình dục cũng là hành vi gây tổn thương nghiêm trọng đối với tinh thần và thể chất của phụ nữ, nhưng rất khó xử lý. Thậm chí phụ nữ mang thai cũng bị bạo hành. Hậu quả của việc bạo lực gia đình đối với phụ nữ kéo theo trẻ em cũng trở thành nạn nhân. Trường hợp em PTT, ở xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị cha bạo hành là một ví dụ thương tâm. Cũng do quan niệm bạo lực gia đình là “chuyện sau cánh cửa”, “xấu chàng hổ ai” nên có tới 87% chị em chọn giải pháp im lặng khi bị bạo lực, trong khi vấn đề bạo lực gia đình chỉ được giải quyết khi người phụ nữ lên tiếng.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa đi vào cuộc sống
Theo Luật sư Lê Nguyên Bằng- Đoàn luật sư Hải Phòng, Luật phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành cùng Nghị định 110 của Chính phủ quy định rất rõ các hình thức xử lý đối với các hành vi bạo lực gia đình. Trong đó, 17 hành vi có chế tài xử phạt cụ thể từ cảnh cáo, phạt tiền đến buộc phải xin lỗi. Từ UBND cấp xã, phường đến thành phố, chiến sĩ công an, biên phòng đều có thể xử lý hành vi vi phạm. Thẩm quyền xử lý hành vi bạo lực gia đình rất rộng, nhưng đến nay những điều quy định trong luật chưa biến thành hành động cụ thể, vì thế hiếm gặp trường hợp vi phạm luật phòng, chống bạo lực được đưa ra xử lý. Chỉ đến khi vợ chồng đánh nhau gây thương tích trên 10% thì mới được xử lý, nhưng lúc đó, hành vi này đã bước sang phạm vi điều chỉnh của Luật hình sự… Điều đó cho thấy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa thực hiện được chức năng phòng ngừa, ngăn chặn…
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, sự giúp đỡ của các địa phương, tổ chức xã hội, đoàn thể chưa thực sự hiệu quả, từ dịch vụ nhà tạm lánh đến cấm tiếp xúc nạn nhân bị bạo hành khó thực hiện trong thực tế. Theo ông Đoàn, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống bạo lực gia đình góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, cần tăng cường nội lực cho người phụ nữ như dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn phát triển kinh tế gia đình, trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, xử lý tình huống trong quan hệ vợ chồng…nhằm tạo sức “đề kháng” cho họ trước những nguy cơ bạo lực gia đình.
Thanh Thủy