Phòng, chống cháy rừng ở Vườn quốc gia Cát Bà: Cần gắn với giải quyết việc làm cho người dân

Từ đầu năm đến nay, chưa xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa phận hơn 5,5 nghìn ha rừng thuộc trách nhiệm quản lý của Vườn quốc gia Cát Bà.

Từ đầu năm đến nay, chưa xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa phận hơn 5,5 nghìn ha rừng thuộc trách nhiệm quản lý của Vườn quốc gia Cát Bà. Nhưng mùa hanh khô đang đến, với địa hình  rộng, hiểm trở, lực lượng cứu hộ mỏng, phương tiện thiếu thốn,  việc “phòng cháy” ở đây rất khó nếu người dân cố tình vi phạm và chưa có gì bảo đảm xảy ra cháy sẽ “chống” được.

 

Nhiều hộ dân sống gần Vườn quốc gia Cát Bà đốt cây làm rẫy, dễ gây cháy rừng Ảnh: Phương Linh

Nhiều hộ dân sống gần Vườn quốc gia Cát Bà đốt cây làm rẫy, dễ gây cháy rừng

                                                                               Ảnh: Phương Linh

Đốt rừng “trả thù” kiểm lâm (?!)

 

Đó là thực tế  từng xảy ra tại Vườn quốc gia Cát Bà. Rất may, nhờ chủ động và lường trước vấn đề nghiêm trọng, lực lượng kiểm lâm vườn dập tắt đám cháy trước khi nó trở nên nghiêm trọng và không thể kiểm soát . Đây cũng là bài toán khó đối với lực lượng kiểm lâm Vườn khi triển khai nhiệm vụ. Lý giải về nguyên nhân dẫn tới việc đốt rừng trả thù kiểm lâm của các đối tượng, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà Hoàng Văn Thập cho biết, trước thực trạng săn bắt, giăng bẫy thú rừng và khai thác gỗ quý hiếm trong Vườn, lực lượng kiểm lâm kiên quyết ngăn chặn, xử phạt. Khi lực lượng kiểm lâm làm”mạnh tay”, các đối tượng không còn “đất” kiếm ăn nên tìm cách trả thù bằng cách đốt rừng. Mục đích của chúng  chủ yếu là  “dằn mặt” lực lượng chức năng. Để xử lý những đối tượng như vậy phải bắt được tận tay. Vả lại,  chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng cũng khó có thể bắt giữ hoặc xử phạt.

 

Vườn quốc gia Cát Bà có tổng diện tích 16.196,8 ha với địa hình rộng, phức tạp và hiểm trở, nhiều cửa ngõ dễ xâm nhập nên công tác phòng, chống cháy rừng rất vất vả. Giám đốc Hoàng Văn Thập cho biết, mùa hanh khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng đối với Vườn quốc gia Cát Bà càng cao. Địa hình như vậy, cộng với lực lượng mỏng, phương tiện thô sơ,  nếu xảy ra cháy mà không phát hiện kịp thời để đám cháy lan rộng, chỉ còn nước đứng nhìn. Ngay cả khi có tàu, ô tô, vòi nước cũng như phương tiện hiện đại chữa cháy,  cũng  không dễ huy động và phát huy hiệu quả bởi địa hình phức tạp. Hiện Vườn quốc gia Cát Bà áp dụng, biện pháp khá hiệu quả  là cắt cử lực lượng kiểm lâm trực chốt kết hợp giao rừng cho dân bảo vệ. Tuy vậy, hai cách thức này cũng đang gặp những khó khăn nhất định. Chưa kể việc cơ sở vật chất và phương tiện nghèo nàn ở các trạm kiểm lâm thì với diện tích rừng lớn, vườn chỉ có thể bố trí 3 cán bộ cho một trạm kiểm lâm, trong khi mỗi trạm cách nhau từ 5 đến 10km. Mặt khác, khi giao rừng cho dân, do không có kinh phí nên  mới giao 2 nghìn ha trong tổng số 5,5 nghìn ha rừng , bằng cách lựa chọn những điểm xung yếu. Mỗi hộ được giao từ 50 đến 70 ha  mức phí 100 đồng/ha, mỗi năm  thu nhập khoảng 5 - 7 triệu đồng rất khó yêu cầu các hộ gắn bó, trách nhiệm với rừng.

 

Rừng chưa an toàn

 

Với đặc thù núi đá vôi, xảy ra cháy rừng, sự phục hồi  trở lại  của  rừng thường rất lâu.

 

Thực tế cho thấy, việc phòng, chống cháy rừng không thể chỉ trông chờ vào lực lượng kiểm lâm Vườn. Trong khi sự phối hợp giữa Vườn quốc gia với chính quyền địa phương và người dân  chưa tạo được sự an toàn cho hàng nghìn ha rừng nơi đây. Do vậy, với 6 xã, thị trấn trên địa bàn Cát Hải có rừng, điều quan trọng để giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn tới cháy rừng theo Giám đốc Hoàng Văn Thập, cần gắn trách nhiệm cụ thể trong bảo vệ rừng của Chủ tịch UBND xã cùng với tăng cường đầu tư cả về lực lượng và phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo phương châm “phòng là chính” và “mỗi người dân là một tuyên truyền viên, người bảo vệ rừng”. Quan trọng hơn cả là giải quyết sinh kế cho những người dân chỉ chăm chăm vào việc khai thác, đánh bắt động vật hoang dã trong rừng. Đây là những đối tượng được xác định là tác nhân chính gây ra những vụ cháy rừng. Thành phố, huyện Cát Hải có chính sách giúp  người dân không có việc làm được tuyển dụng vào các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch, dịch vụ và thủy sản trên địa bàn. Mặt khác, có thể triển khai các dự án du lịch cộng đồng trên địa bàn các xã có rừng để giải quyết việc làm cho người dân. Thay vì đi săn bắt, khai thác rừng trái phép, họ  trở thành những hướng dẫn viên du lịch, cung cấp dịch vụ ăn uống, nuôi ong bán mật cho khách… Khi cuộc sống vơi bớt khó khăn, có việc làm ổn định gắn với rừng, chắc chắn người dân sẽ bảo vệ rừng.

 

Văn Lượng

Đọc thêm