Việc khống chế thành công dịch bệnh tai xanh ở lợn xảy ra ở địa bàn Hải Phòng từ 21-2 đến 2-7 trong đó một số phường như Minh Đức, Hợp Đức của quận Đồ Sơn là vùng trọng điểm dịch khiến người dân phấn khởi. Nhưng còn đó những nỗi lo từ thực tế chống dịch và những hạn chế trong công tác này. Điều người dân và các cấp chính quyền quan tâm hiện nay là biện pháp quản lý nguồn nước từ đầu nguồn.
Phát dịch do nước đầu nguồn bị ô nhiễm?
Theo Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh, mặc dù chưa có cơ sở chắc chắn về nguyên nhân lây lan dịch tại phường Minh Đức và Hợp Đức, nhưng thực tế cho thấy, trước và trong khi dịch phát sinh tại các địa phương nằm ven các sống, hệ thống thủy lợi liên tỉnh, huyện, nhiều xác động vật chết từ đầu nguồn trôi về cuối nguồn gây ô nhiễm nguồn nước. Đồ Sơn chính là điểm cuối của nhiều nhánh sống và hệ thống thủy lợi Lai Sàng Họng trước khi đổ ra biển. Do vậy, xác động vật chết trôi dạt cuối nguồn, tụ đọng ở các kênh, mương là điều dễ hiểu. Người dân có thể vớt xác động vật để đem chôn lấp, nhưng mầm bệnh hòa vào nguồn nước thì chắc chắn không có cách nào khắc phục được. Ông Minh cho biết: địa phương phải thường xuyên, liên tục tổ chức vớt xác động vật chết thối trong thời gian dài. Nhưng bất cập ở chỗ, việc quản lý nguồn nước đầu nguồn nằm ngoài vùng kiểm soát của các địa phương sử dụng nước cuối nguồn như Đồ Sơn.
Trong cuộc họp tổng kết công tác phòng, chống dịch, nhiều người dân, cán bộ trực tiếp tham gia có những ý kiến bày tỏ lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nước đầu nguồn cũng như tác động, ảnh hưởng xấu tới nguồn nước ở vùng có dịch. Thực tế trước và trong quá trình tổ chức dập dịch, các địa phương như phường Minh Đức và Hợp Đức phải tổ chức thu dọn hàng chục xác lợn chết trôi sông và các kênh mương từ đầu nguồn hệ thống sông Lai- Sàng- Họng gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, việc tiêu hủy gần 100 tấn thịt lợn chết tại hai phường trên dễ dẫn đến khả năng ô nhiễm môi trường nước ngầm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Trong quá trình dập dịch tai xanh, các phường Minh Đức và Hợp Đức (Đồ Sơn) phải tổ chức thu dọn hàng chục xác lợn chết trôi sông và các kênh mương. Trong ảnh: Xác lợn chết đóng bao thả trôi mương tại phường Minh Đức. |
Thực tế dập dịch, nhất là quá trình tiêu hủy lợn chết ở Đồ Sơn cho thấy, quận Đồ Sơn đã rất nỗ lực, quyết liệt trong triển khai các biện pháp phòng chống và dập dịch đạt hiệu quả với tinh thần chỉ đạo “không giấu dịch”. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch quỹ đất dành cho việc chôn gia súc, gia cầm phải tiêu hủy khi có dịch nên việc xử lý lợn chết, tiêu hủy còn bộc lộ nhiều hạn chế, có điểm chưa đạt yêu cầu theo hướng dẫn của Cục Thú y. Mặt khác, do lần đầu xảy ra dịch bùng phát, các địa phương không chuẩn bị diện tích đất để chôn lợn bị tiêu hủy dẫn tới bị động trong việc lựa chọn vị trí tiêu hủy, nhất là những người trực tiếp tham gia tiêu hủy thiếu kinh nghiệm thực hiện các bước triển khai chống dịch, dập dịch, tiêu hủy phần nào lúng túng.
Chế tài xử phạt gắn với trách nhiệm
Phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn trên địa bàn quận Đồ Sơn vừa qua diễn ra trong thời điểm bắt đầu mùa du lịch hè, cận kề liên hoan du lịch Hải Phòng là một thách thức rất lớn với chính quyền và người dân từ cấp quận đến các tổ dân phố. Từ quyết tâm và trách nhiệm cao nhất, sau 70 ngày khống chế, dập dịch thành công. Ngành Thú y giúp dân chữa khỏi bệnh cho gần 50% số lợn mắc bệnh. Tuy nhiên, thiệt hại đối với người chăn nuôi là không tránh khỏi. Quận Đồ Sơn và các ngành chức năng cũng thẳng thắn, nghiêm túc chỉ ra một loạt tồn tại như phát hiện dịch chậm, xử lý tiêu hủy lợn chết bị động và lúng túng; kinh phí, vật tư, nhân lực, phương tiện dập dịch thiếu….
Cơ sở chăn nuôi lợn bị dịch tai xanh tại phường Minh Đức (Đồ Sơn) tiêu hủy ngay trong khu chuồng trại và sát hệ thống sông Lai- Sàng- Họng, gây ô nhiễm môi trường. |
Tuy nhiên, việc quản lý nguồn nước đầu nguồn đang thực sự là bài toán khó nếu không muốn nói là dường như “chưa có lời giải” đối với những nơi cuối nguồn như quận Đồ Sơn. Do vậy, việc có chế tài xử phạt nặng những hành vi thiếu trách nhiệm, thả lợn chết trôi sông, kênh mương rất cần thiết. Nhưng quan trọng là gắn trách nhiệm bảo vệ nguồn nước đầu nguồn đối với một cơ quan cụ thể trên cơ sở liên đới trách nhiệm của các địa phương nơi có hệ thống sông, kênh mương. Người chăn nuôi mong mỏi Nhà nước có những chính sách hỗ trợ giúp họ khôi phục và phát triển chăn nuôi sau dịch cũng như những biện pháp hữu hiệu để phòng dịch hiệu quả, không để xảy ra dịch. Nhưng tất cả biện pháp đó trở nên vô nghĩa nếu việc quản lý nước đầu nguồn, trong đó có hạn chế những tác động gây ô nhiễm nguồn nước không đạt hiệu quả./.
Quận Đồ Sơn có 376 hộ có lợn mắc bệnh với 4.774 con mắc bệnh; tiêu hủy 2.403 con (99.115,5kg); chữa khỏi 2.371 con.
Văn Lượng