Phong trào dân vận khéo: Thành công lớn từ những mô hình nhỏ

“221 hộ dân, 3350m2 đất thổ cư, 14 tỷ đồng” là những đóng góp của nhân dân trong quá trình nâng cấp, cải tạo đường trục xã Đồng Thái. Ông Vũ Văn Hồng, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Thái cho biết, Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết chuyên đề, UBND tổ chức thực hiện với việc vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường trục xã ở các thôn

“221 hộ dân, 3350m2 đất thổ cư, 14 tỷ đồng” là những đóng góp của nhân dân trong quá trình nâng cấp, cải tạo đường trục xã Đồng Thái. Ông Vũ Văn Hồng, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Thái cho biết, Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết chuyên đề, UBND tổ chức thực hiện với việc vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường trục xã ở các thôn. Năm 2007, Đảng uỷ xã chọn chi bộ thôn Hoàng Mai làm điểm. Khi vấn đề được đưa ra bàn với dân, nhiều hộ ủng hộ nhưng cũng không ít hộ dân băn khoăn vì diện tích đất mất nhiều, giá trị cao. Đảng uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân từ xã đến thôn tổ chức họp, gặp gỡ các hộ phân tích mục đích, ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc mở rộng đường, động viên các hộ chung sức vì sự phát triển của địa phương. Các hộ đảng viên, hội viên gương mẫu thực hiện trước. UBND xã hỗ trợ một phần kinh phí tháo dỡ, di dời công trình kiến trúc trên diện tích đất mở đường. Năm đó, 149 hộ hiến 2750m2 đất thổ cư. Tiếp đến năm 2008, ở thôn Bạch Mai, Tê Chử có 72 hộ hiến 600m2 đất. Tới nay, 7 km đường được trải nhựa, bê tông hóa.

Đường giao thông tại thôn Bạch Mai, xã Đồng Thái được mở rộng nhờ sự đồng thuận, hiến đất của hàng chục hộ dân.

Mô hình hiến đất làm đường của xã Đồng Thái là một trong 235 mô hình dân vận khéo được xây dựng và phát huy hiệu quả trong thời gian qua trên địa bàn huyện An Dương. Bà Nguyễn Thị Thanh Thông. Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy An Dương cho biết, sau một năm triển khai phong trào thi đua “dân vận khéo” và “Năm dân vận chính quyền”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể huyện đổi mới hình thức, nội dung vận động quần chúng, xây dựng nhiều mô hình cụ thể, thiết thực  góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay, toàn huyện xây dựng thành phố 29 loại mô hình trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều mô hình có cách làm hay, đạt hiệu quả cao như mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng của các xã Đặng Cương, Đồng Thái, An Hòa, Hồng Phong..; vận động nhân dân tham gia xây dựng đường điện chiếu sáng thôn ở 16 xã, thị trấn; vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; mô hình 4 tại chỗ của xã An Hồng, An Hưng; mô hình 3 quản, 4 giữ của xã Đồng Thái, Đặng Cương; mô hình phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị quân đội đóng trên địa bàn bảo vệ an ninh trật tự ở Lê Thiện, Đại Bản, Nam Sơn…

Thành công của mỗi mô hình dân vận khéo là sự khẳng định rõ nét kết quả hoạt động của hệ thống dân vận của Đảng, sự chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, ban ngành, đoàn thể; tiềm năng, sáng tạo, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm của nhân dân

Hiện, ở An Dương có trên 90% số đường làng, ngõ xóm được trải nhựa, bê tông; 100% số xã, thị trấn xây dựng nhà văn hóa, sân vận động của địa phương, 56/87 làng, khu dân cư có nhà văn hóa, 37 làng văn hóa có sân tập thể dục thể thao. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các công trình văn hóa gần 20 tỷ đồng, trong đó một phần kinh phí do nhân dân tự nguyện đóng góp.

Hà Minh

Đọc thêm