Đầu năm 2010, quy định cấm hút thuốc lá tại khu vực công cộng đã có hiệu lực. Nhưng ngay cả khi “núp” sát biển báo cấm hút thuốc, nhiều người vẫn bị sặc bởi khói thuốc.
Nghe đâu, mỗi năm dân ta bỏ ra khoảng 14.000 tỷ đồng để đốt thuốc. 40.000 người chết hằng năm vì 25 căn bệnh khác nhau từ thuốc lá. Nghiên cứu khám chữa bệnh liên quan đến thuốc lá còn cho thấy một nghịch lý: những hộ gia đình nghèo có người hút thuốc chi vào thuốc lá cao hơn y tế và giáo dục… Mà không cần thống kê, nghiên cứu, chỉ qua mắt thường cũng thấy rõ ràng, thiên hạ la ó giá sữa, giá xăng tăng cao.
Mấy bà nội trợ sót vó lo lắng giá thịt, giá cá leo thang, chứ hiếm khi nghe mấy ông nghiện thuốc lá than vãn khoản tiền mua thuốc hằng ngày, hằng tháng. Loại nào hợp gu, ngon và “có lợi cho sức khỏe (?)” thì không còn chần chừ gì nữa: Mua nhanh kẻo hết. Tính “bèo bèo”, một người hút 1 gói/ngày. Mỗi gói 20 nghìn đồng. Vị chi hằng tháng hết 600 nghìn đồng bay theo khói thuốc. Số tiền này tương đương học phí gửi một đứa trẻ vào trường mẫu giáo hạng trung.
Thật ra không phải đến thời điểm này, vấn đề cấm hút thuốc mới được nhắc đến. Chuyện “Thuốc lá gây ung thư phổi”, “Thuốc lá có hại cho sức khỏe”, chuyện đàn bà, trẻ em trở thành nạn nhân của việc hút thuốc thụ động gần như là câu cửa miệng xưa như trái đất. Các cảnh báo cấm hút thuốc tại trường học, cơ quan, bệnh viện nhan nhản bao năm qua mà hiện tượng hút thuốc lá nào có thuyên giảm. Tất cả cũng chỉ vì người hút thuốc phớt lờ lời khuyên và các quy định.
Lần này, xem ra luật pháp nêu khá rõ hình thức xử phạt những người hút thuốc không đúng chỗ. Nhưng làm sao để tất cả những người hút thuốc nơi công cộng đều bị xử lý đúng quy định pháp luật vẫn còn là câu hỏi. Chỉ lo, luật không nghiêm thì “căn bệnh” phớt lờ của nhiều người nghiện thuốc còn có cơ hội “di căn” trầm trọng.
NGHỊ VĂN