Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (PC46) Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Phạm Văn Minh (46 tuổi, trú tại P.Thạnh Xuân, Q.12 TP.HCM) về tội “Sử dụng trái phép tài sản”, cụ thể là tiền bình ổn giá.
Ông Minh là giám đốc Công ty TNHH thương mại và chế biến thực phẩm Phú An Sinh (tạm gọi Công ty Phú An Sinh) – có tên tuổi trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ đóng gói và phân phối sản phẩm thịt gia cầm, thủy cầm và thực phẩm sạch.
Tuy nhiên, sau đó vụ việc được TAND huyện Tân Thành ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa Sở NN&PTNT và Công ty An Phú Sinh. Dư luận cho rằng phải chăng chính sách bình ổn giá – một chủ trương lớn của Nhà nước bị trục lợi?. Trong khi đó, tại TP.HCM chương trình này đang được đánh giá là phát huy rất hiệu quả trong bình ổn giá.
Sản phẩm bình ổn giá của Phú An Sinh được bày bán. |
“Tranh thủ” tiền bình ổn giá
Trong dịp Tết Tân Mão 2011, thực hiện chương trình bình ổn giá, được sự đồng ý và ủy quyền của UBND tỉnh BR-VT, Sở Công thương BR-VT đã tạm ứng 16,5 tỉ đồng tiền ngân sách cho Phú An Sinh vay với lãi suất 0% để mua heo, gà dự trữ, bán theo giá bình ổn. Theo hợp đồng, chương trình kéo dài từ ngày 30/11/2010 đến 30/5/2011. Khi kết thúc, Công ty Phú An Sinh phải hoàn trả số tiền 16,5 tỉ đồng cho ngân sách. Thế nhưng, tính đến trước ngày bị bắt, ông Minh còn nợ hơn 10 tỉ đồng.
Vài tháng trước đó, Phú An Sinh đã đưa Sở NN&PTNT BR-VT “vào tròng” với một khoản nợ hơn 35 tỉ đồng. Giữa năm 2010, trước dịch heo tai xanh có nguy cơ lan rộng, để giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi, UBND tỉnh BR-VT đã đồng ý lấy tiền ngân sách giao cho Sở NN&PTNT để tạm ứng cho Phú An Sinh mua heo chưa bị dịch dự trữ, với lãi suất 0%.
Lần lượt từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 10/2010, sở đã tạm ứng cho Phú An Sinh bảy đợt (mỗi đợt 5 tỉ đồng). Theo đó, từ tháng 11/2010 đến tháng 4/2011, Phú An Sinh phải hoàn trả 35 tỉ đồng. Tuy nhiên, quá hạn trả vốn nhưng Phú An Sinh vẫn không thực hiện.
Sau nhiều lần phát công văn yêu cầu trả nợ, tháng 5/2011, Phú An Sinh trả Sở NN&PTNT 1,5 tỉ đồng. Tháng 7/2011, Sở này kiện ra tòa đòi nợ Phú An Sinh. Ngày 10/11/2011, TAND huyện Tân Thành có quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa hai bên. Một nguồn tin cho biết, thực tế Cơ quan Công tố đã có kháng nghị quyết định này.
Tính đến thời điểm bị kiện, Phú An Sinh nợ 33,5 tỉ đồng tiền gốc và hơn 2 tỉ đồng tiền lãi. Đến nay, số nợ của Phú An Sinh vẫn còn y nguyên. Cũng cần nói rằng, trong quá trình giao dịch, các Sở đã không buộc Công ty Phú An Sinh làm thủ tục thế chấp tài sản hoặc bảo lãnh ngân hàng, dù đây là một thủ tục đơn giản. Đây chính là kẽ hở để công ty này chây ỳ và tiền ngân sách Nhà nước trở thành món nợ không được đảm bảo.
Vì vậy số tiền hơn 35 tỉ đồng tiền ngân sách của tỉnh BR-VT cho Công ty Phú An Sinh vay để phục vụ an sinh xã hội có nguy cơ cực kỳ khó đòi, thậm chí mất trắng.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy tổng tiền bán hàng thu được trong chương trình bình ổn giá của Phú An Sinh chỉ hơn 4,7 tỉ đồng. Số hàng bình ổn giá còn lại từ nguồn tiền “hỗ trợ” của BR-VT đã được công ty đem bán ở một số địa phương khác với giá thị trường nhằm hưởng chênh lệch cao hơn. Đáng chú ý, sau khi nhận được tiền bình ổn giá, Phú Anh Sinh còn dùng một phần để trả lãi đã vay trước đó cho một số ngân hàng…
Ông Hà Văn Rao, giám đốc Sở Tài chính tỉnh BR-VT cho biết: Đáng ra và rất cần thiết phải yêu cầu Phú An Sinh thế chấp hay bảo lãnh ngân hàng, một việc làm rất đơn giản và dễ dàng.
Hiện tài sản có giá trị lớn nhất của Phú An Sinh là nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm đặt tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT đã được ông Minh thế chấp vay ngân hàng hơn 13 tỉ đồng.
Trục lợi từ chính sách
Liên quan đến vụ việc, với sự cẩn trọng, Luật sư Huỳnh Thế Tân, Đoàn Luật sư TP.HCM nêu hai ý kiến: Một là, việc Sở NN&PTNT khởi kiện Phú An Sinh ra TAND huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT, và tại vụ kiện đó tòa án đã có quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các bên, chứng tỏ đây là một vụ kiện dân sự. Từ đó, việc bắt giám đốc doanh nghiệp là “hình sự hóa” vụ việc dân sự. Nhưng có một tình tiết cần xem xét là Sở NN&PTNT có phải là chủ thể của quan hệ tranh chấp dân sự này hay không, câu trả lời là không.
Hai là, ngược lại việc Phú An Sinh không thực hiện đúng cam kết về trách nhiệm bình ổn giá, cũng là cơ sở để khởi tố vụ án hình sự. Bởi lẽ khoản tiền đã được Phú An Sinh sử dụng, có lãi suất bằng không. Điều này có nghĩa, nếu Phú An Sinh đã cam kết nghĩa vụ sử dụng tiền của Nhà nước đúng mục đích để được hưởng lãi suất bằng không, nhưng thực tế đã lợi dụng chính sách Nhà nước để trục lợi thì tội danh lừa đảo được áp dụng là phù hợp.
Tuy nhiên, vì tổ chức không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự, nên chỉ khi chứng minh được ý thức chủ quan của cá nhân giám đốc Phú An Sinh, là cố tình sử dụng sai mục đích tiền của Nhà nước, thì mới có thể bắt giam, khởi tố cá nhân giám đốc Minh được… Xét về mặt đạo đức xã hội, việc Phú An Sinh đã làm rõ ràng không phù hợp với mục đích xã hội tốt đẹp của việc bình ổn giá của Nhà nước, đi ngược quyền lợi của người dân – Luật sư Tân chia sẻ.
Luật sư Trần Ngọc Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ thêm, Sở NN&PTNT có thể đại diện UBND tỉnh kiện Phú An Sinh đòi tiền cho vay bình ổn giá. Hai bên có thể thoả thuận trả nợ với nhau, bởi vụ việc này không thuộc trường hợp không được hoà giải theo quy định tại điều 181 BLTTDS và toà án có thể công nhận thỏa thuận này nếu nội dung thoả thuận không trái pháp luật, không gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Còn đối với những người có trách nhiệm ký kết và giám sát việc thực hiện hợp đồng của Phú An Sinh thì có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi, các cơ quan này đã không áp dụng các biện pháp đảm bảo, không giám sát chặt việc sử dụng tiền vay bình ổn.
Có tình tiết định khung tăng nặng?
Ông Kiều Anh Vũ – Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn nêu ý kiến: Về phía các cơ quan Nhà nước, đơn vị có thẩm quyền liên quan đến vụ việc cũng phải chịu trách nhiệm với cơ quan cấp trên, trách nhiệm với nhân dân.
Trong đó, trách nhiệm của Sở Công thương và Sở NN&PTNT khá rõ, tất nhiên trách nhiệm của những cơ quan này gắn liền với trách nhiệm của những người đứng đầu và trách nhiệm của những người có nhiệm vụ, quyền hạn, liên quan đến vụ việc. Câu hỏi đặt ra là vì sao Sở NN&PTNT tỉnh BR-VT lựa chọn “con đường dân sự” để giải quyết vụ việc?. Vì nếu vụ việc được giải quyết theo con đường dân sự thì không ai phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều đáng nói ở đây là TAND huyện Tân Thành đã không nhìn thấy dấu hiệu hình sự của vụ việc ngay từ đầu, đã thụ lý vụ án và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Việc TAND huyện Tân Thành thụ lý, giải quyết vụ án dân sự đúng hay sai, theo ông Vũ vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng ông Vũ cho rằng tòa Tân Thành thụ lý, giải quyết vụ án này theo trình tự, thủ tục của tố tụng dân sự là chưa phù hợp vì vụ việc có dấu hiệu hình sự.
Lẽ ra, TAND huyện Tân Thành cần nghiên cứu kỹ vụ việc, xác định dấu hiệu hình sự và báo với cơ quan điều tra để làm rõ, không nên thụ lý giải quyết ngay từ đầu. Căn cứ theo khoản 2 Điều 188 BLTTDS, Cơ quan Công tố có thể kháng nghị hủy quyết định công nhận của TAND huyện Tân Thành để điều tra, xử lý hình sự.
Ông Kiều Anh Vũ cũng đồng tình với tội danh mà Cơ quan điều tra khởi tố đối với ông Minh. Đối với những người có chức vụ liên quan đến vụ việc, Cơ quan Điều tra cần làm rõ trách nhiệm của từng người, xem họ đã làm đủ, làm hết trách nhiệm của mình chưa, xác định xem có đủ yếu tố cấu thành “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hay không; cũng cần lưu ý là số tiền ngân sách bị thất thoát rất lớn, hàng chục tỷ đồng, cần phải xem xét, xử lý theo tình tiết định khung tăng nặng “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Nguyễn Hoàng – Trần Quân