Phụ nữ bị chồng bạo hành nhiều khả năng nghĩ đến tự tử

Cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình thì có 1 người cho biết bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục. Họ có nhiều khả năng bị bệnh tật và nghĩ đến việc tự tử nhiều hơn gấp 3 lần so với phụ nữ không bị bạo hành.

Cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình thì có 1 người (34%) cho biết bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục. Đó là số liệu trong “Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam” được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố hôm nay.

Cũng theo nghiên cứu này, số phụ nữ có hoặc từng có gia đình đang phải chịu một trong hai hình thức bạo hành này chiếm 9% (12 tháng gần đây). Nếu xem xét đến 3 hình thức bạo hành trong đời sống vợ chồng, bạo hành thể xác, tình dục và tinh thần, thì có hơn một nửa phụ nữ Việt Nam tham gia nghiên cứu (58%) cho biết từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình nói trên.

Cứ 4 phụ nữ từng bị chồng bạo hành thể chất hặc tình dục thì có một người cho biết họ phải chịu đựng những vết thương trên cơ thể và hơn  một nửa trong số này cho biết họ đã bị thương tích nhiều lần.

Phụ nữ bị chồng bạo hành nhiều khả năng nghĩ đến tự tử ảnh 1
 

So với những phụ nữ chưa từng bị bạo hành thì những người từng bị chồng bạo hành có nhiều khả năng bị bệnh tật và sức khỏe kém hơn gần 2 lần và khả năng nghĩ đến việc tự tử nhiều hơn gấp 3 lần.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khả năng phụ nữ bị chồng mình lạm dụng nhiều hơn gấp 3 lần so với khả năng họ bị người khác lạm dụng (kể từ khi họ 15 tuổi).

“Báo cáo này nêu bật tính cấp thiết của việc phá bỏ sự im lặng”, ông Jean Marc Olive, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhận xét. “Tất cả chúng ta đều mong đợi những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và những phụ nữ đã tham gia cuộc điều tra này sẽ đứng dậy nói lên  tiếng nói của mình và chấm dứt bạo lực gia đình”.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 4.838 phụ nữ từ 18 đến 60 tuổi, đại diện cho nữ giới thuộc độ tuổi này ở Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Phối hợp chung giữa Liên Hợp Quốc và Chính phủ Việt Nam về Bình đẳng Giới, do Tổng Cục Thống kê tiến hành với trợ giúp kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới và sự tham gia của các chuyên gia tư vấn trong nước từ Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, Bộ Y tế và một chuyên gia tư vấn quốc tế. 

Tùng Anh

Đọc thêm