Phụ nữ miền Bắc bận bịu cả ngày, bất kể thứ 7 chủ nhật

(PLO) - Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trung tuần tháng 4/2016 của Học viện Phụ nữ Việt Nam trên cơ sở khảo sát nhóm tại 5 tỉnh, thành Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Ninh Bình cho thấy trung bình mỗi ngày phụ nữ miền Bắc làm gần 8 tiếng đồng hồ, không được nghỉ thứ 7, chủ nhật.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nội trợ dường như đã trở thành công việc của riêng phụ nữ, dù họ vẫn tham gia các công việc mưu sinh ở cơ quan hay làm nghề tự do. Nội trợ được ghi nhận công sức không kém gì các công việc mưu sinh khác vì tạo ra sản phẩm vật chất, tinh thần nhằm duy trì cuộc sống và hạnh phúc gia đình. Nhưng khi ra tòa và chia tài sản vợ chồng thì nội trợ bỗng dưng trở nên khó hiểu, dù luật có quy định.

Lao ra ngoài kiếm tiền nhưng vẫn không ngơi tay nội trợ

Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trung tuần tháng 4/2016 của Học viện Phụ nữ Việt Nam trên cơ sở khảo sát nhóm tại 5 tỉnh, thành Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Ninh Bình cho thấy trung bình mỗi ngày phụ nữ miền Bắc làm gần 8 tiếng đồng hồ, không được nghỉ thứ 7, chủ nhật.

Có nghĩa là một lao động nữ phải làm việc 54 giờ /7 ngày, đây là mức thời gian làm việc rất cao, vượt xa mức tiêu chuẩn là 40 giờ/tuần. Thậm chí đối với nhiều người mưu sinh tự do bằng cách buôn bán thì 54 giờ/tuần đối với họ còn là con số mơ ước bởi thời giờ ngày đêm của họ phần lớn diễn ra ngoài chợ. Với họ ngày thứ 7, chủ nhật được nghỉ làm là một điều xa xỉ.

Điều đáng nói là khảo sát nói trên chỉ dành cho những công việc mà các lao động nữ làm để có thu nhập, chưa tính các hoạt động trong ngày khác mà một phụ nữ thường phải đảm nhiệm, như việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái…, theo bà Dương Kim Anh - Trưởng khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam. Như vậy, những người phụ nữ mưu sinh dù đã mất nhiều thời gian cho công việc, nhưng vẫn phải làm công việc nội trợ chăm sóc cho gia đình, làm việc nhà, giặt giũ quần áo, nấu cơm nước. 

Nội trợ là lao động có thu nhập?

Điều này đã được pháp luật về  hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) Việt Nam khẳng định từ trước đến nay. Điều 95 Luật HN&GĐ 2000 quy định “Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như là lao động có thu nhập”.

Một trong những điểm mới của Luật HN&GĐ 2014 được quy định tại khoản 2 Điều 16: “Việc giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”. Và Điều 29 Luật HN&GĐ 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”.

Định nghĩa về công việc nội trợ là “lo liệu mọi việc hàng ngày trong sinh hoạt gia đình”. Đối với nhiều người phụ nữ đang làm việc mưu sinh kiếm tiền dù đã có công việc nhất định ở cơ quan, văn phòng hay cửa hàng… , nhưng đến khi trở về nhà với đời sống riêng tư của mỗi người thì lúc đó là đã thuộc phạm vi nội trợ.

Trên đường từ cơ quan về nhà, ghé qua chợ để mua thức ăn cho bữa cơm tối hay một vài vật dụng cần thiết cho gia đình thì đã là nội trợ. Có thể dễ dàng hiểu, đối với một người phụ nữ, dù học vấn cao hay thấp, dù làm cơ quan hay làm tự do khi về với gia đình và làm các công việc cho mọi người cùng hưởng thì đó là những công việc nội trợ. 

Tuy nhiên, khi xảy ra ly hôn và chia tài sản vợ chồng tính theo thu nhập công sức thì câu chuyện nội trợ lại trở thành… khó hiểu. Thống kê của ngành Tòa án năm 2010, có  126.325 vụ ly hôn thì có thể cũng chừng đó những hệ lụy phức tạp, mà trong số đó không ít liên quan đến việc phân định chuyện nội trợ.

Không ít bà vợ lấy chồng từ thuở còn sung sức, trẻ khỏe, về nhà chồng một tay gánh vác xây nhà, xây cửa, chăm lo ruộng vườn, phụng dưỡng bố mẹ chồng, nuôi các em chồng ăn học thành người, thậm chí cả dựng vợ gả chồng cho em… , thế nhưng khi cuối đời “tan đàn xẻ nghé” đã ra khỏi nhà chồng với đôi bàn tay trắng vì chỉ làm nội trợ, hoặc “cô ấy đi làm chỉ để cho vui, còn nội trợ vẫn là chính” – như khẳng định của nhiều ông chồng trước tòa. 

Trước đây, khi xây dựng Luật HN&GĐ 2014, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đề nghị đưa quy định “lao động trong gia đình được coi như là lao động có thu nhập” thành “lao động trong gia đình là lao động có giá trị được tính bằng mức tiền công trả cho lao động giúp việc gia đình theo quy định của Bộ luật Lao động” để đảm bảo quyền lợi cho các thành viên trong gia đình chỉ làm nội trợ.

Nhưng sau này, vì nhiều lý do Luật HN&GĐ 2014 đã không quy định như vậy mà thay vào đó là nội dung “công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập” và “không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”. Như vậy, có vẻ như “công việc nội trợ” vẫn sẽ là một “điểm vướng” trong các vụ ly hôn, chia tài sản vợ chồng. Dù rằng, ai cũng hiểu công việc nội trợ không kém gì các công việc mưu sinh khác vì đã tạo ra nhiều sản phẩm vật chất, tinh thần cho các thành viên trong gia đình bảo đảm duy trì cuộc sống và hạnh phúc gia đình.

Đọc thêm