Phụ nữ ở các nước phát triển được bảo vệ quyền lợi khi ly hôn

Phân chia tài sản khi ly hôn là vấn đề phức tạp và tế nhị, luật pháp mỗi nước có những quy định khác nhau, song hầu hết đều có xu hướng bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em – vốn được xem là phái yếu và dễ bị tổn thương trong các vụ án  ly hôn.

Phân chia tài sản khi ly hôn là vấn đề phức tạp và tế nhị, luật pháp mỗi nước có những quy định khác nhau, song hầu hết đều có xu hướng bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em – vốn được xem là phái yếu và dễ bị tổn thương trong các vụ án  ly hôn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đức: Phụ nữ được bảo vệ

Khi phân chia tài sản trong ly hôn, luật pháp Đức xác định, nữ giới thuộc phái yếu, cần được bảo vệ. Lý do là sau khi kết hôn, phụ nữ thường đóng góp cho gia đình nhiều hơn nam giới như lo toan việc nhà, nuôi dạy con cái. Thậm chí, nhiều người còn phải nghỉ việc ở công sở để về nhà làm bà nội trợ. Đó không chỉ là sự hy sinh cho gia đình mà còn là đóng góp cho xã hội.

Do vậy, khi phân chia tài sản, luật pháp thường chiếu cố đến lợi ích của nữ giới nhiều hơn, bảo vệ nữ giới (chỉ trừ khi nữ giới là bên chủ động ly hôn). Ví dụ: nhà ở đương nhiên được chia cho nữ giới, còn các tài sản khác như cổ phiếu, tiền mặt thì chia đôi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất đó là nghĩa vụ chu cấp tiền sau ly hôn, đây là khoản tiền “trách nhiệm” không hề nhỏ đối với người chồng. Do đó, các ông chồng ở Đức thường phải suy nghĩ rất kỹ trước khi đưa ra quyết định ly hôn.

Hà Lan: Vợ thất nghiệp, chồng phải nuôi

Ở Hà Lan, ly hôn không có nghĩa giữa hai vợ chồng không còn ràng buộc về tài chính. Nếu như một trong hai người không đủ khả năng về tài chính để duy trì mức sống cơ bản, người kia sẽ phải có trách nhiệm chu cấp tiền. Luật pháp quy định, khoản trợ cấp của người chồng phải đủ để đảm bảo cho người vợ duy trì được mức sống tương tự như trước khi ly hôn.

Vì vậy, khi giải quyết ly hôn, tòa sẽ căn cứ vào mức sống hiện tại của hai vợ chồng đương sự để đưa ra phán quyết về mức chu cấp hàng tháng mà một bên phải thực hiện. Đương nhiên, nếu hai vợ chồng đã có thỏa thuận với nhau về khoản chu cấp tài chính này thì tòa án sẽ căn cứ vào đó để đưa ra phán quyết.

Số tiền chu cấp và thời gian chu cấp kéo dài bao lâu do tòa án quyết định. Tòa sẽ cân nhắc tới nhu cầu thực tế của bên xin trợ cấp, năng lực tài chính thực tế của bên phải chu cấp. Trong trường hợp sau khi tòa đã đưa ra phán quyết, nếu tình hình tài chính của một bên hoặc cả hai bên có sự thay đổi, tòa án sẽ có điều chỉnh. Trường hợp số tiền chu cấp không đủ để bên được nhận duy trì mức sống cơ bản, thì tòa có thể đề nghị quỹ phúc lợi xã hội của địa phương trợ cấp thêm.

Thời gian chu cấp tiền nhiều nhất là 12 năm, cũng có trường hợp thời hạn chỉ là 5 năm, tùy thuộc vào thời gian hôn nhân, con cái hoặc thỏa thuận giữa hai bên. Nếu giữa hai bên không có sự thỏa thuận, hoặc tòa án không có phán quyết gì, thì thời gian mặc định sẽ là 12 năm kể từ ngày ly hôn. Quy định 12 năm áp dụng đối với trường hợp vợ chồng ly hôn đã có con, hoặc chưa có con nhưng quan hệ hôn nhân duy trì trên 5 năm.

Trường hợp giữa hai người duy trì quan hệ hôn nhân không quá 5 năm và họ chưa có con, thì thời gian chu cấp tiền sẽ không quá 5 năm. Do vậy, ở Hà Lan, cho dù muốn ly hôn, khi tính đến khoản tiền chu cấp (thông thường là khoảng 40% lương) thì ai cũng phải ái ngại.

Pháp: Che giấu tài sản, sẽ bị “trừng phạt”

Vốn được coi là đất nước của tự do và lãng mạn, nhưng ở Pháp, vấn đề hôn nhân được quy định rất nghiêm ngặt.

Theo Bộ luật Dân sự, việc phân chia tài sản khi ly hôn khá đơn giản nhưng cũng rất chặt chẽ. Nếu hai bên không có sự thỏa thuận trước, toàn bộ tài sản gia đình sẽ bị xem là tài sản chung của hai vợ chồng. Còn nếu đã có thỏa thuận thì tòa sẽ căn cứ vào thỏa thuận đó để giải quyết phân chia tài sản.

Trường hợp chỉ có một bên đệ đơn ly hôn, thì cả hai sẽ phải kê khai trung thực về tài sản. Nếu bên nào cố tình che giấu tài sản mà bị phát hiện thì tòa sẽ phán xét trên nguyên tắc “trừng phạt”: toàn bộ số tài sản che giấu sẽ bị tịch thu, chịu bất lợi trong phân chia tài sản của tòa, phải chu cấp tiền cho bên kia suốt đời nếu bên kia bị bệnh...

Mỹ: Ly hôn không cần lý do

Theo bộ luật được thông qua năm 1970, vợ hoặc chồng không cần đưa ra bất cứ lý do nào khi đề xuất việc ly hôn, và cũng không nhất thiết phải có sự đồng ý của bên kia; tuy nhiên, bên đề xuất phải bồi thường cho bên kia một khoản tiền tương đối lớn.

Về phân chia tài sản, Mỹ là quốc gia khá đặc thù vì thực hiện song hành hai chế độ hôn nhân: vợ chồng cùng sở hữu tài sản (9 bang như bang Arizonna, California, vùng Puerto Rico, đảo Guam; và vợ chồng sở hữu tài sản riêng (41 bang còn lại và quần đảo British Virgin).

Ở Mỹ, vợ chồng sau khi ly dị, tài sản thường được ưu tiên chia cho phụ nữ và trẻ em. Căn cứ “Luật thống nhất tài sản hôn nhân” năm 1983 của Mỹ, sau khi kết hôn, tất cả tài sản của hai bên được coi là tài sản chung, hai bên đều có quyền được hưởng lợi ích từ số tài sản chung đó.

Khi ly hôn, việc phân chia tài sản phải căn cứ vào tình hình thu nhập của hai bên, bên có thu nhập cao hơn sẽ phải chu cấp thêm cho bên thu nhập thấp. Việc phân chia nhà ở, trường hợp ly hôn vì người chồng ngoại tình, thì tòa án thường sẽ phán quyết căn nhà thuộc về người vợ. Nếu không có hợp đồng hôn nhân trước khi kết hôn, thì khi ly hôn người vợ có quyền được chia một nửa tài sản của chồng.

Nhật: Ly hôn ở tuổi hưu, vợ được 50% lương hưu của chồng

Nhật Bản cũng như một số nước châu Á khác thường mang nặng tư tưởng gia trưởng trong gia đình. Người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi, họ chỉ ở nhà lo toan việc gia đình và chăm sóc con cái, phải sống phụ thuộc vào chồng.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi Nhật Bản đã ban hành luật hôn nhân mới (có hiệu lực từ tháng 4/2007), với việc thực thi luật mới này, người đàn ông Nhật có thể phải đối mặt với nguy cơ bị vợ bỏ khi về già.

Theo Luật hôn nhân mới của Nhật Bản, nếu người vợ đệ đơn ly hôn thì sẽ có thể được hưởng một nửa số lương hưu của chồng. Kể từ khi luật này có hiệu lực đến nay, số vụ ly hôn ở Nhật Bản đã tăng 6,1%, trong đó số vụ do phía nữ chủ động đòi ly hôn tăng 95%.

Một người đàn ông 55 tuổi làm công tác xuất bản tại tỉnh Fukuoka bộc bạch, ông đã bắt đầu phải thể hiện trách nhiệm với gia đình, vợ con hơn trước đây, phải học cách biết lắng nghe vợ hơn, quan tâm vợ hơn, thậm chí phải học cách nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, bởi nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất một nửa số lương hưu của mình.

Hoàng Hà (Theo “Dương Thành vãn báo”)

Đọc thêm