"Phụ nữ thời đại" nên ưu tiên "đầu tư" gia đình hay sự nghiệp?

Nhiều phụ nữ, quan niệm gia đình là gốc, sự nghiệp là ngọn. Cứ ngỡ xây gốc trước rồi mới dựng ngọn, nhưng rồi bao nhiêu sức lực đã dành cả cho gốc, không còn đủ sức vươn tới ngọn. Cũng có người mải mê sự nghiệp, để đến khi nhìn lại, chẳng thể tìm được một "bóng tùng quân".

Nhiều phụ nữ, quan niệm gia đình là gốc, sự nghiệp là ngọn. Cứ ngỡ xây gốc trước rồi mới dựng ngọn, nhưng rồi bao nhiêu sức lực đã dành cả cho gốc, không còn đủ sức vươn tới ngọn. Cũng có người mải mê sự nghiệp, để đến khi nhìn lại, chẳng thể tìm được một "bóng tùng quân".

Băn khoăn không đợi tuổi

Lựa chọn gia đình hay sự nghiệp – câu hỏi này không chỉ đặt ra với những phụ nữ đã yên bề gia thất mà cả với nhưng cô gái thanh xuân, thậm chí đang trên các giảng đường đại học. Sớm như vậy, bởi từ gương bà, mẹ mình, các cô gái thấu hiểu nếu lựa chọn sai lầm, rất có thể họ không còn cơ hội.

 

Mai Liên, sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội tâm sự: “Tuy là con gái nhưng tôi luôn coi trọng sự nghiệp hơn là hạnh phúc gia đình, không biết sau này suy nghĩ có thay đổi không. Tôi cần 10 năm sau khi ra trường để tạo lập một sự nghiệp vững vàng. Nếu như dính vào yêu đương và lập gia đình thì sự nghiệp chấm dứt”.

Phụ nữ thường tự nhận

Tại sao rất nhiều người phụ nữ cả đời cứ loay hoay với câu hỏi gia đình hay sự nghiệp, trong khi đàn ông thì không hề mảy may suy nghĩ đến.

Theo lý giải của GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam thì “Thường rằng, phụ nữ tự nhận phần việc trong gia đình chủ yếu là của mình.

Vì thế trong thực tế, chúng khi gặp khó khăn, phụ nữ thường có suy nghĩ tiêu cực: Thôi thì đành dừng sự nghiệp để gia đình yên ấm.

Trong khi đó khoa học đòi hỏi sự sáng tạo với đầu óc minh mẫn, không vướng bận. Vì vậy, khi mãi băn khoăn, phân vân, sự nghiệp của phụ nữ sẽ bị đứt gánh giữa đường”

Nhưng không ít bạn nữ trẻ không có được sự dứt khoát như Mai Liên, mà thay vào đó là băn khoăn: “Liệu trong thế giới rộng lớn này, có người đàn ông nào chấp nhận cho người yêu mình, cho vợ mình thành công hơn mình, có người đàn ông nào chịu tạo điều kiện để vợ phấn đấu thành đạt trên con đường danh vọng, mà hi sinh hạnh phúc gia đình không?”, như lời cô gái Vân Khánh, sinh viên năm thứ tư Đại học Mở bày tỏ.

Lý thuyết gốc và ngọn

Nếu một người phụ nữ đặt sự nghiệp và gia đình lên bàn cân thì khác nào đặt một cân sắt và một cân bông lên và hỏi cái nào nặng hơn. Trong thời đại ngày nay thì hai việc đó quan trọng như nhau. Để có được một lúc cả hai việc là tốt nhất, nhưng cũng là khó nhất. Đây là một thực tế mà phụ nữ, trẻ hay già ai cũng phải công nhận, dù muốn hay không.

Nhiều cô gái chọn cách lo cho sự nghiệp rồi mới tính chuyện gia đình, rất dễ rơi vào tình trạng độc thân cả đời vì “cao không tới, thấp không thông”. Lại nhiều phụ nữ, quan niệm gia đình là gốc, sự nghiệp là ngọn. Cứ ngỡ xây gốc trước rồi mới dựng ngọn, nhưng rồi bao nhiêu sức lực đã dành cả cho gốc, không còn đủ sức vươn tới ngọn.

Thế nên người đời mới hồ nghi: Phải chăng phụ nữ thành đạt là phụ nữ không hạnh phúc?. Ít người phụ nữ thành đạt thừa nhận điều này. Thay vào đó họ chỉ nói lên ước mơ của mình về gia đình, về con cái.

Được mệnh danh là người đàn bà quyền lực của các chân dài, nhưng Lê Thị Quỳnh Trang – chủ nhân của chương trình đình đám Vietnam’s Next Top Model cũng có ao ước tìm được sự cân bằng giữa “cân sắt và cân bông”: “Tôi ước mơ mình có thể cân bằng để chạy được công việc thật tốt mà vẫn có thời gian dành cho con”.

Lê Thị Quỳnh Trang cho biết giờ đây chị coi việc bay từ TP.HCM ra Hà Nội và ngược lại là di chuyển bình thường. Vì chị thường xuyên bay ra chỉ để ngủ với các con một đêm, sáng hôm sau đưa con đi học rồi lại bay vào.

Được chồng giúp đỡ - chưa phải đã hay?

Có một người chồng hiểu và hỗ trợ vợ trên con đường sự nghiệp đó là mong muốn của nhiều người phụ nữ. Nhưng trong câu chuyện được nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chủ nhiệm Khoa Công nghiệp thực phẩm, ĐH Nông nghiệp I chia sẻ tại hội thảo “Nữ trí thức Việt Nam với sự nghiệp gia đình” do Hội nữ trí thức VN tổ chức mới đây, thấy rằng điều đó chưa hẳn đã hay.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, nữ trí thức hoạt động nghiên cứu khoa học bắt buộc phải học lên cao để nâng cao trình độ. Thậm chí phải đi học xa nhà cả thời gian dài. Trong hoàn cảnh như vậy, họ phải hy sinh thời gian dành để chăm sóc gia đình, con nhỏ.

“Bản thân tôi được chồng chia sẻ rất nhiều. Đây là sự thuận lợi, nhưng hóa ra cũng là một khó khăn. Đòi hỏi công việc nhiều lúc khiến vợ chồng sống cứ như hai đường thẳng song song. Đây là điều nguy hiểm cho hạnh phúc gia đình", bà Thủy nói.

Dương Nhi

Đọc thêm