Phú Xuyên, Hà Nội: Thu hồi đất 26 năm, “quên” bồi thường cho dân

(PLVN) - Các hộ dân có căn cứ thể hiện quyền sử dụng đất trước khi bị chính quyền thu hồi để giao cho Hạt 5 quốc lộ 1A thuộc Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng công trình giao thông 236 (Hạt 5) xây dựng trụ sở. Tuy nhiên, sau 26 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất, sau 5 năm Sở TN&MT tổ chức bàn giao mốc giới cho Hạt 5 nhưng quyền lợi người dân vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Trước đó, vào tháng 10/1994, UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) có quyết định thu hồi 2.240m2 đất mặt hồ thuộc địa phận xã Đại Xuyên, Phúc Tiến huyện Phú Xuyên giao cho Hạt 5 xây dựng trụ sở, kho và bãi để vật tư xe máy phục vụ thi công quốc lộ 1A. 

Trong quá trình Hạt 5 san lấp mặt bằng thì nảy sinh tranh chấp với 3 hộ dân, gồm các ông Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Nhiệm và bà Nguyễn Thị Huyên vốn là cán bộ Xí nghiệp Thủy sản huyện Phú Xuyên. 

Theo đơn gửi Báo PLVN, 3 hộ dân này phản ánh: Trước năm 1992, do tính chất công việc ở trực tiếp khu vực sông để làm nhiệm vụ nuôi thả cá, quản lý và bảo vệ tài sản của Xí nghiệp; do đó Chi bộ đảng và Ban giám đốc Xí nghiệp thủy sản Phú Xuyên có chủ trương giao cho một số anh em công nhân không có nhà ở tự bỏ tiền lấp đất để làm nhà ở. Mặc dù khi Xí nghiệp giải thể vào năm 1992, khu vực đất của Xí nghiệp đã được giao lại cho 2 xã Phúc Tiến và Đại Xuyên mỗi bên một nửa để quản lý nhưng trên thực tế thì các hộ đã lấp đất, xây móng để làm nhà.  

Theo báo cáo ngày 13/10/1994 của UBND xã Phúc Tiến, về việc đề nghị UBND huyện Phú Xuyên xem xét giải quyết một số vướng mắc sau khi hoàn thành việc vận động di chuyển một số hộ dân có hành vi lấn chiếm đất hành lang giao thông quốc lộ 1A ra vị trí khác và các báo cáo đề nghị của công dân cho thấy thời điểm này, có 5 hộ trong đó có 4 hộ đã đổ đất, vượt đất và 1 hộ đã xây trụ móng. Thời điểm sử dụng đất của các hộ gồm: Nguyễn Thị Chuyên, Nguyễn Văn Nhiệm, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Văn Thắng được chính quyền xác nhận sử dụng từ năm 1987 đến năm 1989.    

Đáng chú ý, cùng thời điểm này, UBND xã Phúc Tiến còn tiến hành thu tiền của một số hộ gia đình, cá nhân. Tài liệu còn lưu lại thể hiện, việc 3 hộ đã tự ý lấn chiếm đất từ khoảng năm 1987-1989 và UBND xã đã thu tiền phạt lấn đất của các hộ này với số tiền từ 1.382.000 đồng đến 2.764.000 đồng/mỗi hộ. Hồ sơ quản lý tại địa phương còn thể hiện, tại thời điểm UBND huyện Phú Xuyên tổ chức giải quyết cấp đất cho Hạt 5 đã xác định việc lấn chiếm, sử dụng đất của các hộ ở vị trí đất lưu không hành lang giao thông quốc lộ 1A mà Hạt 5 đang được giao sử dụng tạm thời.

Liên quan đến quyền sử dụng đất của các hộ dân, vào năm 2015, UBND huyện Phú Xuyên cũng có quan điểm giao các cơ quan chức năng của huyện và xã Phúc Tiến tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chấp thuận để làm cơ sở giải quyết và giao đất cho các hộ ở vị trí khác. Tuy nhiên, các gia đình không đồng ý mà đề nghị xã đã thu tiền đất lấn chiếm của dân ở vị trí nào thì được giữ nguyên tại vị trí đó.

Theo tìm hiểu được biết, mặc dù có quyết định giao đất từ năm 1994 nhưng đến tháng 8/2015, Sở TN&MT mới tổ chức bàn giao mốc giới trên thực địa cho Hạt 5 để xây dựng trụ sở, kho và bãi để vật tư máy móc thi công quốc lộ 1A. Trong khi, Phòng TN&MT huyện Phú Xuyên xác nhận tại thời điểm tháng 10/1994, khi UBND xã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp tỉnh ban hành Quyết định thu hồi đất để giao cho Hạt 5 sử dụng, cơ quan chức năng chưa thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cho các hộ.

Để khắc phục sai lầm, cuối năm 2019, trên cơ sở rà soát của Phòng TN&MT, UBND huyện Phú Xuyên đã có văn bản giao Trung tâm Phát triển quỹ đất chủ trì, phối hợp với UBND xã Phúc Tiến rà soát, xây dựng phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ gia đình theo quy định. Thế nhưng, các hộ dân cho biết đến nay các chỉ đạo này vẫn nằm trên giấy, quyền lợi của các hộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Đọc thêm