|
Đại diện Agribank Thanh Xuân đang trả lời trước Hội đồng xét xử phúc thẩm. |
Toà cấp sơ thẩm không liên kết 2 vụ kiện với nhau
Tại phiên toà phúc thẩm xử vụ kiện với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam- Chi nhánh Thanh Xuân (Agribank Thanh Xuân), đại diện Cty Hoa Phát chính thức thừa nhận, công ty có tổng cộng 43 xe đầu kéo nhưng thực tế đã làm hồ sơ thế chấp 51 xe để vay tiền ở hai ngân hàng (Agribank Thanh Xuân 33 xe và Sở Giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank 18 xe).
Khi được chủ toạ hỏi, “có phải Hoa Phát thế chấp 8 xe ở hai ngân hàng như báo chí phản ánh?”, đại diện Công ty Hoa Phát trả lời: “do Hoa Phát thiếu 8 xe theo hợp đồng thế chấp bên Vietcombank nên Agribank Thanh Xuân đã giải chấp cho Hoa Phát 6 xe để chuyển sang cho Vietcombank. Hai xe đã bán thì Agribank Thanh Xuân giữ lại tiền”. Còn đại diện Agribank Thanh Xuân thì khẳng định: “chúng tôi luôn kiểm soát được 33 xe và không biết việc Hoa Phát thế chấp 2 nơi”. Trả lời trên khiến chủ toạ phiên toà phải giải thích rõ: ngày 12/12/2008, Hoa Phát mới được Agribank Thanh Xuân giải chấp 6 xe. Trong khi đó thì từ 2/7/2008 (trước đó 5 tháng- Pv), Hoa Phát đã thế chấp 6 xe này tại Vietcombank; yều cầu Cty Hoa Phát bổ sung tài liệu liên quan đến 2 hợp đồng thế chấp, trong đó có ghi rõ nhãn hiệu, số khung, số máy của toàn bộ 33 xe đầu kéo đã thế chấp.
Ngoài ra, HĐXX còn yêu cầu Công ty Hoa phát phải cung cấp chứng cứ về việc đã giao đầy đủ giấy tờ của 33 xe cho Agribank Thanh Xuân khi thế chấp vay tiền. Chứng cứ này sẽ thể hiện việc công ty Hoa Phát không cố tình giữ lại giấy tờ của 8 xe để mang sang Vietcombank thế chấp lần 2. Tuy nhiên, đại diện Công ty Hoa Phát loay hoay mãi mà không xuất trình được chứng cứ này khiến Chủ toạ phiên toà phải tuyên bố: “Từ khi khởi kiện đến nay, Hoa Phát chưa xuẩt trình được chứng cứ quan trọng này, trong khi phía Agribank Thanh Xuân thì nói chưa nhận được đủ giấy tờ. Các ông đã giao thì nói là giao rồi, mà chưa giao thì nói là chưa giao, để Toà khỏi mất thời gian”.
Trách nhiệm “giữ tiền” của cán bộ ngân hàng?
Như vậy, việc Agribank Thanh Xuân không giữ toàn bộ giấy tờ của 33 xe đầu kéo đã tạo một kẽ hở để Cty Hoa Phát mang giấy tờ của 8 xe mang đi thế chấp tại Vietcombank. Tháng 12/2008, Agribank Thanh Xuân đã giải chấp 6 xe mà không vì mục đích để Hoa Phát bán lấy tiền trả nợ. Điều đáng nói là 6 xe này là chính những xe mà công ty Hoa Phát đã đem thế chấp tại Vietcombank. Đại diện bị đơn lý giải, “do có thoả thuận, cứ trả 700 triệu thì được giải chấp 1 xe nên chúng tôi căn cứ vào số tiền công ty Hoa Phát trả được nợ mà tiến hành giải chấp”. Lời khai này khiến chủ toạ phiên toà yêu cầu bị đơn xuất trình các chứng cứ về tiến độ trả tiền của công ty Hoa Phát và nêu quan điểm: “Dư luận nghi ngờ về việc giải chấp trên không phải là không có có sở… Tài sản thế chấp thoát khỏi sự kiểm soát của ngân hàng, cả về giấy tờ. Phải xem xét lại trách nhiệm của những người giữ tiền của Nhà nước trong vụ việc như thế nào”.
Xem ra, trách nhiệm này sẽ không hề đơn giản khi chính đại diện Agribank Thanh Xuân cho biết, “lô xe đầu kéo hiện đã xuống cấp nhiều do để dầm mưa dãi nắng tại Hải phòng từ vài năm nay”. Từ thực tế trên, đại diện bên trông giữ tài sản - Công ty Công ty cổ phần thương mại Hoàng Minh, đơn vị có quyền lợi nghĩa vụ liên quan còn bức xúc cho biết: “Chúng tôi không biết phải trông giữ lô xe này đến bao giờ trong khi hiện nay, Cty Hoa Phát vẫn còn nợ chúng tôi 1,6 tỷ đồng tiền trông giữ xe”.
Bán tài sản thế chấp cho “công ty trong nhà”? Trong vụ kiện Agribank Thanh Xuân, Cty Hoa Phát cho rằng, bị đơn có lỗi khi không tạo điều kiện để mình bán tài sản thế chấp cho Cty Phúc Đại Lợi (để lấy tiền trả ngân hàng) mặc dù đã có thư bảo lãnh thanh toán hợp đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn. Tuy nhiên, phía Agribank Thanh Xuân lại cho rằng, nếu giải chấp cho Hoa Phát thì không đảm bảo thu hồi được nợ vì Agribank Thanh Xuân không phải là người thụ hưởng, không có quyền đòi tiền của Phúc Đại Lợi hoặc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn. Tại phiên toà, luật sư và đại diện của Agribank Thanh Xuân đã hé lộ một thông tin khá “sốc”, chủ Cty Phúc Đại Lợi là em ông Quảng - chủ của Cty Hoa Phát. |
Khoa Lâm