Ảnh minh họa nguồn Internet |
Sau hơn 20 năm đổi mới, đặc biệt là từ sau khi có Luật Đất đai năm 1993, đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về phát triển thị trường BĐS đã được ban hành ngày càng đầy đủ và đồng bộ. Đến tháng 7/2011 hệ thống chính sách phát triển thị trường BĐS đã có những bước tiến bộ vượt bậc về cả số lượng lẫn chất lượng so với đầu thời kỳ đổi mới. Các luật liên qua đến thị trường BĐS đã được ban hành: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS.
Đây là những luật góp phần rất lớn vào sự phát triển của thị trường BĐS. Hệ thống chính sách phát triển BĐS đã góp phần quan trọng vào việc quản lý, phát triển thị trường BĐS. Hiệu ứng chính sách đối với thị trường BĐS ngày càng một rõ nét. Một số chính sách đã có tác động quan trọng trong việc điều tiết thị trường khi thị trường trầm lắng, giảm đà phát triển, hoặc bùng phát theo chiều hướng phát triển nóng.
Tuy nhiên, nhận định chung tại diễn đàn là những năm vừa qua, thị trường BĐS phát triển tương đối trồi sụt, một phần do thông tin thị trường thiếu minh bạch, dẫn đến những người có nhu cầu mua thật sự để ở gặp nhiều thua thiệt. Trên thực tế, đến nay không có một cơ quan nào nắm được thông tin chính xác hiện đang có bao nhiêu dự án BĐS (dưới mọi hình thức và loại hình sản phẩm) đang được triển khai, sản phẩm của các dự án đã và đang được bán cho ai, giá cả chính xác là bao nhiêu…
Mặc dù Luật Kinh doanh BĐS đã quy định mọi giao dịch mà có một bên là chủ thể kinh doanh BĐS phải giao dịch qua sàn giao dịch BĐS nhưng rất nhiều giao dịch vẫn chưa giao dịch qua sàn. Cùng với đó là tình hình mua bán các sản phẩm BĐS tại các dự án cho đến nay vẫn chưa đi vào quy củ, Nhà nước vẫn chưa quản lý được. Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đã quy định các chủ đầu tư không được huy động vốn của bên mua khi chưa hình thành móng, tuy nhiên trong thực tế, các bên vẫn giao dịch thông qua các hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay tiền… để mua các sản phẩm từ khi dự án được hình thành…
Thị trường BĐS từ đầu năm đến nay được nhận định là “trầm lắng”, “đóng băng”, Bộ Xây dựng cũng phải đề xuất các giải pháp để “giải cứu”, thế nhưng theo nhận định các chuyên gia, giá cả BĐS hiện nay vẫn còn ở mức cao hơn giá cả sản xuất, các nhà đầu tư BĐS có thể giảm giá lên tới 20% nữa thì cũng chưa xuống dưới giá sản xuất. Do đó, có thể khẳng định thị trường BĐS chưa thể rơi vào tình trạng”vỡ bong bóng” được.
Tuy nhiên, tín dụng thắt chặt, nhà đầu tư sốt ruột vì đồng tiền “đóng băng”, còn người có nhu cầu thực sự thì nghe ngóng, chờ đợi… Tình trạng này, ai cũng hiểu “già néo đứt dây”, và một khi thị trường sụp đổ cả Nhà nước- Doanh nghiệp- Người dân đều phải gánh chịu hậu quả. Thông thường thì hàng tồn kho phải chấp nhận hạ giá bán, thậm chí bán lỗ để thu hồi vốn, đằng này “hàng” BĐS tuy ế đấy, nhưng vẫn cao hơn giá sản xuất. Doanh nghiệp kinh doanh BĐS kêu đấy nhưng vẫn ỷ vào các giải pháp giải cứu của nhà nước, biết đến bao giờ mục đích giải tỏa vốn đọng trong BĐS mới thành hiện thực?.
Khung pháp luật cho hoạt động của thị trường BĐS không thiếu. Có lẽ đây là dịp các cơ quan chức năng phải mạnh tay chấn chính để thị trường đi vào khuôn phép, kịp thời tháo van “bong bóng” trước khi quá muộn…
Huy Thắng