Hiếm có người phụ nữ nào trên thế giới có số phận kỳ lạ như cô Bảy Phùng Há. Là hoa khôi rực rỡ nhất Nam Kỳ trong nhiều thập kỷ, vừa là một diễn viên ngôi sao cải lương, vừa là bầu đoàn hát chính, cô đã đưa cải lương lên đỉnh vàng son, đem cải lương Nam Bộ ra chinh phục nhiều nước trên thế giới. Phải chăng những thăng trầm của thời thơ ấu cơ cực đã tạo nên một Phùng Há như thế!
|
NSND Phùng Há |
Đứa con lai bất hạnh
NSND Phùng Há sinh ngày 30/4/1911. Cha là ông Trương Nhân Trưởng, người gốc Quảng Đông, Trung Quốc, di cư sang làng Điều Hòa, hạt Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay), gặp và kết hôn cùng bà Lê Thị Mai, lập nghiệp và sinh được 7 người con.
Sinh thời, trả lời phỏng vấn báo chí, cô Bảy Phùng Há đã kể về thời thơ ấu của mình: “Theo tập tục của dòng họ, cha tôi là con trai trưởng nên khi má tôi sinh hạ được đứa con nào vừa biết nói bập bẹ cũng đều phải đưa sang Hạc San (Quảng Đông, Trung Quốc) cho bà chánh thất nuôi để học chữ Hán, kế thừa giềng mối của gia tộc. Các anh các chị tôi đều được gởi về quê ở Quảng Đông (Hạc San). Có người ở lại luôn bên đó.”
Lúc Phùng Há được 4 tuổi, cha cô đau yếu luôn nên cho gọi người con trai cả trở về Việt Nam giúp quán xuyến việc làm ăn. Năm cô lên 5 thì cha mất. Đến năm Phùng Há 11 tuổi, mẹ cô chịu không nổi những tập tục, nghi lễ phong kiến bên đó mà người vợ thứ phải tuân theo với bà chánh thất, nên đã lén mua vé tàu để 2 mẹ con về Việt Nam.
“Khi má con tôi về đến Mỹ Tho, anh Hai chẳng những không mừng mà còn kiếm chuyện gây gổ với má tôi. Anh ghiền thuốc phiện và muốn một mình thao túng cái gia sản của cha tôi nên thốt ra nhiều lời bất hiếu với má. Được biết anh mưu đồ, mua vé tàu và nhờ người đưa hai má con tôi trở lại Hạc San, nên má dẫn tôi về ở với bà ngoại ở làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, Mỹ Tho. Từ đây bắt đầu một cuộc sống mới và cũng là bước ngoặt trong đời tôi" – cô từng kể.
Con sơn ca trong lò gạch
Mẹ con cô Bảy bỗng chốc thành kẻ trắng tay, phải về tá túc với bà ngoại trong căn chòi lá. Rồi bà ngoại qua đời, mẹ cô lâm bệnh nặng. Để có từng bữa ăn cho hai mẹ con, cô Bảy phải lặn hụp kiếm từng con tép, con cua, đi móc từng trái dừa thuê cho các chủ vườn để mua cho mẹ từng thang thuốc bắc.
Một hôm, có bà láng giềng tốt bụng giới thiệu cô vào làm công cho lò gạch của ông Bang Hoạch. Cứ in một trăm viên gạch, cô được trả ba xu. Với sức vóc của cô bé lên mười, mỗi ngày cô kiếm chưa được một cắc bạc. Nghĩ mình từng là con của ông chủ lò gạch, bỗng dưng lại trắng tay, giờ phải ngồi in từng viên gạch, chắt mót từng đồng xu ở một lò gạch khác, lòng cô cứ ngậm ngùi, buồn chán cho thân phận, cô vừa làm vừa nghêu ngao hát như một sự giãi bày.
Nhưng mỗi lần cô hát thì cả nhóm thợ lắng nghe. Mấy chị bảo: “Từ nay em không phải làm nữa, cứ vào đây hát cho mấy chị nghe, mấy chị sẽ làm thay phần việc của em”.
Một hôm, cô đang hát say sưa thì bất chợt thấy từ phía cửa sổ hành lang lò gạch có một người đàn ông lặng nghe cô hát. Rồi cũng bất chợt một buổi chiều khi đi làm về thì người đàn ông ấy đã có mặt trong nhà cô. Mẹ cô cho biết đó là ông Hai Cu, chủ tiệm vàng kiêm bầu gánh Tái Đồng Ban ở Mỹ Tho.
Gánh Tái Đồng Ban đang gặp sự cố, con trai ông, kép hát Hai Gỏi vừa mới qua đời. Người tình của anh là cô Năm Phỉ, đào chánh, đã buồn bã ra đi. Trong khi ông đi tìm đào thay Năm Phỉ thì có người nói: “Trong lò gạch của ông Bang Hoạch có con bé xẩm lai hát còn mùi hơn cô Năm Phỉ”.
Ông không tin nhưng vẫn tìm đến cầu may. Ngay từ hôm đầu tiên đứng ngoài cửa sổ lò gạch nghe cô Bảy hát, ông đã bị hút hồn. Nhưng mẹ cô không bằng lòng cho con đi theo Tái Đồng Ban bởi cô Bảy chỉ mới mười ba tuổi, thứ hai, dấn thân vào con đường “xướng ca vô loài”, ắt phải hổ danh trong cái nhìn phong kiến lúc bấy giờ.
Nhưng cô Bảy thì cương quyết: “Con không chịu nổi cái lò gạch, con phải đi hát để có tiền nuôi mẹ, ai cười chê mặc kệ, họ cười chê chớ họ có giúp mình đâu khi mẹ đói, mẹ đau”.
Ông Hai ra giá tám cắc bạc cho mỗi đêm hát, ngày nuôi hai bữa cơm. Cô Bảy nghe mà mừng trong bụng, cô nói với ông Hai: “Con đồng ý nhưng xin ông hai điều kiện: Thứ nhất ông cho mẹ con theo gánh hát để con chăm sóc; thứ hai, ông cho con mượn trước năm mươi đồng để mẹ con trả nợ”.
Từ cái ngã rẽ bất ngờ của buổi chiều hôm ấy, cô Bảy Phùng Há trở thành đào chánh của Tái Đồng Ban thay cô Năm Phỉ và nổi danh với nhân vật Thuý Kiều. Năm ấy, năm 1924, cô mới tròn mười ba tuổi.
Từ một quyết định giản đơn “đi hát để kiếm tiền nuôi mẹ”, cô Bảy Phùng Há trở thành ngôi sao sáng rực của bầu trời sân khấu cải lương, và cũng chính cô là người đã góp sức, góp công, góp cả lòng tâm huyết để nâng niu, nuôi dưỡng nền nghệ thuật này từ buổi sơ khai cho đến lúc trưởng thành, đứng trên đỉnh vinh quang.
Cô Bảy Phùng Há ghi nhận sự kiện này trong hồi ký: “Tôi theo gánh Tái Đồng Ban, được anh Tư Chơi dạy tôi ca. Ông Năm Mạnh (thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh) và anh Năm Châu dạy tôi hát. Sau này tôi mới biết, do chị Năm Phỉ không về được Tái Đồng Ban nên ông bầu Hai mới tìm người hát chung với anh Năm Châu. Tôi may mắn mới được thế chị Năm Phỉ".
Lần đầu bước lên sân khấu đã trở thành đào chánh là sự thành công quá mức về sự nghiệp. Thế nhưng kèm theo đó cũng là bất hạnh về tình duyên của nghệ sĩ Phùng Há...
(Còn tiếp)
Theo Xa lộ pháp luật
(Mời bạn đón đọc những bài viết thú vị về cuộc đời người nghệ sỹ tài hoa của sân khấu cải lương trên các số báo Xa lộ pháp luật phát hành vào thứ 4, thứ 7 hàng tuần)