Quận Cầu Giấy "quyết"phá dỡ nhà 5 hộ dân “bỗng dưng bị thu hồi sổ đỏ”?

(PLO) - 5 hộ dân là chủ khu đất trước cổng Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội ) bỗng dưng bị thu hồi sổ đỏ giờ đây lại thêm nguy cơ mất nhà khi UBND phường Nghĩa Đô quyết cưỡng chế, phá dỡ khu nhà cấp 4, tài sản gắn liền với khu đất.
Quận Cầu Giấy "quyết"phá dỡ nhà 5 hộ dân “bỗng dưng bị thu hồi sổ đỏ”?
Như PLVN đã phản ánh, từ ngày 22/8/2013, 5 hộ dân nói trên đã gửi đơn khiếu nại các Quyết định cưỡng chế phá dỡ của UBND phường Nghĩa Đô, thế nhưng phường Nghĩa Đô vẫn chưa trả lời được các câu hỏi của người dân, chưa đưa ra được các căn cứ để cưỡng chế và vẫn chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy vẫn tiếp tục chỉ đạo UBND phường Nghĩa Đô tổ chức vận động và thông báo sẽ cưỡng chế phá dỡ vào ngày từ 5-10/11/2013.
Hơn 30 hộ dân, đại diện các doanh nghiệp và công an khu vực sinh sống và làm việc lâu năm cạnh khu đất của 5 hộ dân cũng đã xác nhận với UBND phường Nghĩa Đô: dãy nhà cấp 4 của 5 hộ dân đã được xây dựng từ những năm 90, thời kỳ mà Phường Nghĩa Đô vẫn còn là nông thôn và việc xây dựng nhà cấp 4 không cần phải xin giấy phép xây dựng. Thế nhưng, UBND phường Nghĩa Đô vẫn vin vào lý do: 5 hộ dân không có giấy phép xây dựng để quyết định cưỡng chế phá dỡ. “Nếu việc xây dựng dãy nhà cấp 4 là trái phép thì chính quyền cưỡng chế phá dỡ từ 20 năm trước rồi, tại sao đến bây giờ lãnh đạo quận Cầu Giấy và phường Nghĩa Đô lại chỉ đạo, tiến hành cưỡng chế phá dỡ một cách phi lý như vậy?”, bà Thủy, một trong 5 hộ dân bức xúc chia sẻ.
Theo luật sư đại diện 5 hộ dân thì Khoản 2 Điều 148 Luật Nhà ở 2005 quy định : “trong thời gian khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện, tổ chức, cá nhân vẫn phải thi hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở”.  Rõ ràng, trong thời gian 5 hộ dân đệ đơn khiếu nại, các Quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở của UBND phường Nghĩa Đô không phải thi hành.
“Việc lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy và phường Nghĩa Đô vẫn chủ trương tiến hành phá dỡ nhà ở của các hộ dân trong khi thủ tục khiếu nại chưa giải quyết xong đang thể hiện sự làm ngơ với pháp luật của chính quyền”, bà Thủy bức xúc nói.
“Trong thời gian các hộ dân đang chờ chính quyền giải quyết khiếu nại, UBND quận Cầu Giấy và UBND phường Nghĩa Đô không thể vội vàng tổ chức cưỡng chế phá dỡ nhà ở của chúng tôi, phải bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân. Lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy và phường Nghĩa Đô hãy làm việc theo đúng quy định của pháp luật”, các hộ dân bức xúc kiến nghị.
Cần thông tin lại rằng, UBND Quận Cầu Giấy đã “âm thầm” ra quyết định thu hồi sổ đỏ của các hộ dân từ ngày 01/02/2013 nhưng các hộ dân hoàn toàn không biết và không được nhận quyết định thu hồi sổ đỏ này. Mãi tới ngày 13/8/2013, khi báo chí đã lên tiếng về sự việc và 5 hộ dân mời luật sư bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì UBND Quận mới “đột ngột” đưa ra thông báo đã có quyết định thu hồi từ cách đây 6 tháng.
Hơn 2 tháng qua, kể từ ngày có nhận được quyết định thu hồi sổ đỏ, các hộ dân và luật sư bảo vệ quyền lợi cho các hộ dân đã nhiều lần gửi đơn đề nghị UBND quận Cầu Giấy làm rõ các căn cứ thu hồi sổ đỏ và cung cấp hồ sơ, chứng cứ liên quan nhưng UBND quận Cầu Giấy vẫn im lặng và không đưa ra được bất kỳ căn cứ nào.
“Các cuộc họp của 5 hộ dân với chính quyền rất mang tính hình thức, người dân cứ nói, cứ trình bày nhưng Phường thì trả lời: “Quận đã chỉ đạo rồi không làm khác được”, Quận cũng trả lời: “Thành phố đã chỉ đạo rồi không làm khác được”. Rõ ràng, các cơ quan này đang "đá bóng" trách nhiệm, kiến nghị của người dân chỉ như "nước đổ lá khoai", bà Quyên, một hộ dân khác phản ảnh với PLVN
Theo Kết luận số 3535/KL-UBND ngày 21/8/2012 của UBND Quận Cầu Giấy và Kết luận số 1018/KL-TTTP-P4 ngày 3/5/2013 của Thanh tra thành phố Hà Nội thì khu đất của 5 hộ dân thuộc diện đất giao khoán và quy trình cấp sổ đỏ có một số sai sót. Nhưng theo hồ sơ và xác nhận của HTX Nông nghiệp An Phú trước đây quản lý khu đất này thì thực tế tại thời điểm năm 1993, khu đất nông nghiệp này đã được giao cho người dân sử dụng ổn định, lâu dài theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, các hộ dân đều được cấp sổ thuế nông nghiệp gia đình, không có tranh chấp với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Theo quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt tại Quyết định số 13/2005/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội ngày 01/2/2005, diện tích đất nêu trên được quy hoạch là đất ở thấp tầng, nhà vườn, biệt thự. Do vậy, đến năm 2009, 5 hộ dân đã vay tiền để đóng hơn 14 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sổ đỏ của 5 hộ dân được cấp hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật (khu đất này thuộc diện đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư và đủ điều kiện được cấp sổ đỏ).
Theo điều tra của nhóm phóng viên thì tại địa phận phường Nghĩa Đô nói riêng và quận Cầu Giấy nói chung, có nhiều thửa đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư - với những điều kiện và tính chất tương tự như khu đất nói trên đã được cấp GCNQSD đất ở theo một quy trình áp dụng như đối với các thửa đất của 5 hộ gia đình nhưng lại không bị thu hồi.
Được biết, hiện các hộ dân đã làm thủ tục để khởi kiện Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ra tòa.
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.