Quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội Chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt

(PLVN) - Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, quân đội tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ lao động sản xuất (LĐSX), xây dựng kinh tế (XDKT) kết hợp với quốc phòng, an ninh (QPAN) bằng hình thức, biện pháp phù hợp, đúng mục tiêu, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn.
Bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn.

Nhằm đánh giá những nội dung đã xác định; những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung mang tính chất đột phá; bảo đảm được tính kế thừa, phát triển, thích ứng, sát với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu; Bộ Quốc phòng vừa tổ chức Hội thảo Đề án “Quân đội tham gia LĐSX, XDKT kết hợp với quốc phòng trong tình hình mới”.

Những vấn đề đặt ra

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách gắn phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với củng cố QPAN, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cả thời bình và khi có tình huống.

Với tiềm năng và thế mạnh về tính tổ chức, kỷ luật, văn hóa quân sự, nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại trên nhiều lĩnh vực, việc quân đội tham gia phát triển KT-XH, LĐSX sẽ là nguồn nội lực quan trọng để phát triển đất nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, bảo đảm xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc để phát triển quân đội tiến lên hiện đại, góp phần bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên các lĩnh vực: Viễn thông, dịch vụ bay, cảng biển, đóng tàu, xây dựng, ngân hàng…

Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng BCĐ Đề án cho biết, từ khi thành lập đến nay, cùng với thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác; toàn quân luôn tích cực tăng gia, LĐSX, XDKT kết hợp quốc phòng trên nhiều lĩnh vực, với quy mô, hình thức khác nhau; phù hợp tính chất, nhiệm vụ của từng loại hình đơn vị; tự bảo đảm một phần nhu cầu vật chất, vũ khí trang bị, giảm bớt gánh nặng nền kinh tế, nâng cao sức mạnh chiến đấu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tuy nhiên, đến nay nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế chưa được thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ để quân đội tham gia LĐSX, XDKT; nên việc triển khai thực hiện gặp khó khăn, bất cập cả về môi trường pháp lý, cơ chế quản lý và phương thức kết hợp; nhiều tiềm năng, thế mạnh quân đội chưa được khai thác và phát huy hiệu quả, gây lãng phí.

Mặt khác, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, rất cần có nhận thức đúng đắn, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị với nhiệm vụ quân đội tham gia LĐSX, XDKT.

Vì vậy, cần phải làm rõ nội dung, quân đội làm gì, làm như thế nào để tham gia LĐSX kết hợp quốc phòng trong tình hình mới; nghiên cứu, đề xuất, xác định rõ về địa bàn, ngành nghề cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của quân đội, mang lại hiệu quả thiết thực, lâu dài.

Kết hợp chặt chẽ hơn nữa kinh tế với quốc phòng

Quân đội ta là quân đội cách mạng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ. Quân đội luôn chủ động, tích cực tham gia LĐSX, XDKT bằng các hình thức, biện pháp phù hợp, đúng định hướng của Đảng.

Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt việc sắp xếp lại DNQĐ theo hướng rút gọn đầu mối, bố trí theo vùng miền, phù hợp đề án tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Thường xuyên nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu; phát huy hiệu quả hệ thống kiểm soát viên tại DNQĐ, bảo đảm các DN hoạt động đúng pháp luật và có hiệu quả.

Các DN công nghiệp quốc phòng từng bước phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang và góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại Hội thảo, các tham luận đều đánh giá cao và cơ bản thống nhất với dự thảo đề án. Dự thảo Đề án đã nêu bật được những thành tựu to lớn mà quân đội đã đạt được qua các thời kỳ; đồng thời, đánh giá sâu, kỹ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cốt lõi của những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới quân đội phải làm gì, làm như thế nào.

Các đại biểu tham gia Hội thảo nhấn mạnh, LĐSX, XDKT là một trong những chức năng, nhiệm vụ cơ bản, là bản chất, truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam; là chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.

Trong giai đoạn cách mạng mới, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đặt ra các yêu cầu mới, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ hơn nữa kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế, toàn quân thực hiện tốt 3 chức năng, trong đó có chức năng LĐSX, XDKT và tiên phong gánh vác những nhiệm vụ khó.

Các đơn vị, DN trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần có các giải pháp mới trong thực hiện chức năng “đội quân LĐSX”; kết hợp chặt chẽ và phát huy tốt vai trò các loại hình LĐSX, XDKT chủ yếu trong quân đội; đổi mới tư duy phát triển, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng thích ứng và chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, gắn với nâng cao khả năng độc lập, tự chủ của các đơn vị, DNQĐ; tích cực, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Đọc thêm