Quán ngon ven đường

Đó không phải những nơi quá sành điệu, toàn những quán ăn ven đường, trong ngõ ngách. Theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm,  những quán ăn này không bao giờ được tồn tại. Nhưng đó lại  là nơi những người “sành ăn” ở Hải Phòng thường ghé đến.

Chen chân đợi… ăn ngon

 

Sáng nào, ngõ lối vào lăng Phạm Tử Nghi, (ngã tư chợ Đôn – Thiên Lôi) cũng đông chật người ăn sáng ở quán bún cá cay trong ngõ. Thậm chí nhiều người phải đứng đợi chỗ ngồi. Khách muốn nhanh đến lượt phải tự phục vụ cho mình, nhưng không ai phàn nàn về chuyện đó. Quán bún bò 64, phố Lạch Tray cũng tương tự,  nhiều người đứng đợi đến lượt mình. Nhất là cuối tuần, người ta kiên nhẫn chỉ đợi được ăn một bát bún buổi sáng. Anh Phạm Minh Giang, nhân viên IT của Incosys Hải Phòng, thường ăn bánh đa ở quán bánh đa cua Cô Yến, ngõ 2B phố  Phạm Ngũ Lão cho biết: “Ở đây không rẻ hơn ở những quán lớn, lại phải đợi rất lâu nhưng mình vẫn muốn đến. Chờ đợi để được ăn ngon”.

 

Hầu hết những quán ven đường là quán ăn sáng. “Chỉ buổi sáng mới đủ sức chen chúc đợi ăn miếng ngon, gọi là quà bánh. Ăn sáng ngày xưa gọi là ăn quà đấy”, bác Trung Chính, 75 tuổi, một nhà giáo đã về hưu, buổi sáng thường đạp xe hơn 5 km để đến phố Phạm Ngũ Lão ăn sáng, cho biết.

 

Quán ven đường và nét đặc trưng văn hóa vùng miền

 

Điểm hấp dẫn ở những quán ăn ven đường, đầu tiên phải kể đến là món ăn ngon, có hương vị đặc trưng. Bún cá có cá thu ngon, vị cay thơm thơm đến tê tái người mà không nơi nào có được. Những nơi thu hút khách thường chỉ làm một món đặc trưng. Chủ yếu phụ thuộc vào nước dùng và gia vị. Nước dùng ở quán bún bò chỉ để làm bún bò, không nhúng hoặc dùng bánh đa, phở hoặc trần loại thịt nào khác thịt bò.

 

Ngoài yếu tố ngon, đặc biệt, các quán còn thu hút bởi sự nhộn nhịp, và không khí bình dân. “Ăn sáng với đối tác, mình sẽ vào Nadal vừa uống cà-phê vừa ăn. Nhưng ăn sáng cùng bạn thân, gia đình, mình chọn những quán ăn ở các ngõ ngách. Mình coi đó là ăn ngon”- anh Trần Minh Phương, người thường ăn ở quán bún cá cay trên đường Thiên Lôi cho biết.

 

Cách làm của các quán ngon ven đường cũng rất thú vị. Quán bánh đa cua Cô Yến (gọi là quán nhưng chỉ là bày bàn ở ngõ 2B phố Phạm Ngũ Lão) thiết kế bát riêng có in cả chữ: Bánh đa cua Cô Yến. Cô Yến là người có “thâm niên” bán bánh đa hơn 30 năm nay ở ngõ này. Giờ con gái bà –chị Nga vẫn bán bánh đa.

 

Không biển hiệu, không quảng cáo rầm rộ, nhưng những quán ăn ven đường vẫn được coi là quán ngon. Ăn ở nơi lịch sự là ăn với đối tác, ăn cho mình, ăn ngon là ăn ven đường.

 

Mặc dù có nhiều cảnh báo về việc các quán ăn ven đường chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng nhiều người vẫn thích ăn sáng ở những quán ven đường. Điều đó không thể lý giải là do thói quen, mà rõ ràng những quán ăn này ngon, có hương vị đặc trưng và  có nét văn hóa vùng miền riêng. Đó là một nét để ngành du lịch khai thác rất tốt. Du khách đến Hải Phòng, kể cả du khách trong nước và nước ngoài, thường chỉ biết Hải Phòng với những điểm tham quan du lịch và những món ăn ở khách sạn, được đặt trước. Nếu các công ty lữ hành có được danh sách những quán ăn ngon ven đường và đưa khách đến thưởng thức, họ sẽ thích. Ở Thái Lan, rất nhiều quán ăn nhỏ với những món đặc trưng vùng miền được du khách nước ngoài biết đến.

 

Hải Phòng có món bánh đa cua  nổi tiếng, nhưng còn có những món bún rất đặc trưng Hải Phòng mà ít được nhắc tới. Gần như những quán ngon ven đường, trong ngõ như bún cá cay, bún bò 64 phố Lạch Tray, … là “của riêng” của dân sành ăn.

 

Biết cách khai thác những quán ăn ven đường, trong ngõ sẽ làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của Hải Phòng.

 

Đặng Tuyền

Đọc thêm