Quan tâm vấn đề tái định cư khi thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam

(PLVN) - Thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 chiều 6/1, các đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm đến vấn đề tái định cư, đảm bảo cuộc sống của người dân tại các khu vực dự án đi qua.
Các đại biểu tại phiên họp.
Các đại biểu tại phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương khóa XIII, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội.

Nhấn mạnh về việc phân cấp khi thực hiện dự án, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho biết, trong nguồn vốn hơn 100.00 tỷ đồng thực hiện dự án có 72.000 tỷ đồng sẽ lấy từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Dự kiến, Chương trình này tập trung thực hiện trong 2 năm 2022 – 2023, có mở rộng sang năm 2024.

Theo đại biểu, trong 12 dự án thành phần, có 10 dự án thành phần là dự án công trình quan trọng quốc gia, tức dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ.

“Theo dự kiến, đối với các công trình dự án quan trọng quốc gia, từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi khởi công được thông thường từ 2-3 năm vì thẩm quyền quyết định đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng; liên quan đến Hội đồng thẩm định nội bộ từ Bộ Giao thông, Hội đồng thẩm định cấp quốc gia, nhiều thủ tục. Nếu chuẩn bị tốt nhất là 2 năm thì cũng phải hết năm 2023, sang đến năm 2024 mới khởi công được.

Như vậy, vừa không đạt được mục tiêu dòng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Quốc hội sẽ quyết định. Sau đó, từ khởi công đến khi thực hiện dự án cũng mất tối thiểu 2 năm nữa, sẽ vượt qua giai đoạn đầu tư công 2021 – 2025”, đại biểu phân tích.

Để giải quyết vướng mắc này đồng thời đáp ứng yêu cầu Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, đại biểu đề nghị phân cấp theo hướng Quốc hội phân cấp xuống Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường vụ Quốc hội phân cấp cho Chính phủ, Chính phủ có thể phân cấp cho Thủ tướng, Thủ tướng phân cấp xuống các bộ…

“Đối với dự án quan trọng quốc gia trên 10.000 tỷ đồng hiện nay thẩm quyền quyết định của Thủ tướng có thể phân cấp để Bộ Giao thông Vận tải quyết định vấn đề này. Điều này sẽ giảm trình tự, thủ tục. Trong quá trình làm vẫn đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công, chỉ khác về thẩm quyền”, đại biểu nói.

Nêu thực tế triển khai giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm thời gian qua, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (đoàn Thanh Hóa) đề nghị cần quan tâm đến vấn đề giải phóng mặt bằng khi giao cho các địa phương, đặc biệt là việc giải ngân bởi nếu giải ngân chậm sẽ ảnh hưởng lớn tới giải phóng mặt bằng, kéo theo ảnh hưởng lớn đến tiến độ các đoạn khác. Về thu hồi vốn đầu tư, Chính phủ dự kiến sẽ thực hiện nhượng quyền thu phí các dự án thành phần của Dự án.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa và một số đại biểu khác cho rằng, cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí các dự án đường cao tốc do nhà nước đầu tư đến nay vẫn chưa được ban hành. Đồng thời, các quy định và công tác tổ chức thực hiện về thu phí tự động không dừng của các dự án giao thông BOT vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, đại biểu đề nghị cần quan tâm đúng mức đến việc thu hồi vốn nhà nước.

Nhấn mạnh về việc dự kiến quy mô giải phóng mặt bằng, tái định cư để phục vụ dự án lớn, dễ gây khiếu nại, tố cáo, đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ cùng với việc đảm bảo được tiến độ theo đúng kế hoạch Chính phủ trình, cần quan tâm đến vấn đề bố trí tái định cư.

“Nếu giao trách nhiệm giải phóng mặt bằng cho địa phương nhưng không có cơ chế về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Người dân khi chuyển đến nơi khác thường gặp khó khăn về tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh. Vì vậy, tôi đề nghị phải có chế tài gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền ở 12-13 địa phương có tuyến đường này đi qua”, đại biểu Xuân nhấn mạnh.

Theo Tờ trình về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ kiến nghị QH quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, địa điểm từ Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa), từ Cần Thơ đến Cà Mau; cụ thể là khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, triển khai theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2030, bố trí khoảng 27.324 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện, chuẩn bị đầu tư từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Đọc thêm