Quảng Nam: Nhiều thủ đoạn mới khiến người có tiền "sa bẫy"

(PLO) - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo với thủ đoạn mới, tinh vi khiến nhiều người sập bẫy.
Cụ Bôi buồn rầu sau khi bị lừa tiền
Cụ Bôi buồn rầu sau khi bị lừa tiền

“Nhân viên từ thiện” móc túi cụ già

Khoảng 10h ngày 7/5, một nam thanh niên lạ mặt vào nhà cụ Võ Thị Bôi (80 tuổi, ngụ thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam). Lúc này, chỉ có một mình cụ Bôi ở nhà, còn cụ Lê Trắng (80 tuổi, chồng cụ Bôi) sang nhà hàng xóm chơi.

Nam thanh niên giới thiệu với cụ Bôi rằng anh ta là nhân viên của một tổ chức từ thiện và đến để thông báo cho vợ chồng cụ Bôi biết họ có tên trong danh sách người già neo đơn ở địa phương được nhận từ thiện.

Sau một hồi trò chuyện, trước khi ra về, nam thanh niên bỏ một phong bì vào trong túi cụ Bôi. Khi vợ chồng cụ Bôi lấy phong bì này ra xem thì phát hiện số tiền 5 triệu đồng trong túi của cụ Bôi “không cánh mà bay”. Riêng chiếc phong bì, bên trong có một mảnh giấy đề tên 27 người già neo đơn trong xã, trong đó có tên vợ chồng cụ Bôi.

Trước đó, khoảng 8 giờ, “nhân viên từ thiện” này đã đến nhà một người dân trong thôn Vinh Nam để hỏi về những gia đình có người thân mắc các bệnh hiểm nghèo hoặc các hộ già neo đơn. Sau khi lập danh sách, “nhân viên từ thiện” đến nhà cụ Bôi và nhẫn tâm lừa đảo cụ già.

Theo mô tả của nhiều người dân, đối tượng lừa đảo khoảng 25 tuổi, cao khoảng 1m60.

Bán vàng giả cho tiệm vàng

Khoảng 8h ngày 9/4, một người phụ nữ điều khiển xe mô tô không rõ BKS đến tiệm vàng V.K.L của gia đình ông V.V.V (KP. Bình Phước, TT. Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam). Người phụ nữ này nói chị ta cần bán một sợi dây chuyền vàng 1 cây (1 lượng). Theo mô tả của ông V, sợi dây chuyền dài 40cm, có màu vàng, gồm nhiều khoen tròn mắc xích với nhau, nhãn hiệu “Bảo Tín Nghĩa”.

Sau khi cầm sợi dây chuyền, vợ ông V. là bà P.T.B.D đã dùng nước nóng để kiểm tra. Thấy không có biểu hiện gì đáng nghi nên bà V. đã mua sợi dây chuyền với giá 31,3 triệu đồng. Đến ngày 21/4, ông V. sử dụng hóa chất để kiểm tra sợi dây chuyền này thì phát hiện dây chuyền bằng bạc, được mạ vàng bên ngoài.

Cùng ngày 9/4, tiệm vàng H.V của gia đình bà V.T.H (KP Tiên Bình, TT. Tiên Kỳ) cũng gặp cảnh tương tự. Một đối tượng nữ đến tiệm vàng của bà H. nói muốn bán một sợi dây vàng có khối lượng 1 cây, nhãn hiệu “Bảo Tín Nghĩa”. Sợi dây chuyền này cũng dài 40cm và được thiết kế gồm nhiều khoen tròn mắc xích với nhau. Cũng như các chủ tiệm vàng khác, bà H. kiểm tra nhãn hiệu rồi dùng nước nóng để thử “vàng”. Sau khi không phát hiện đặc điểm khả nghi, bà H. mua sợi dây chuyền này với giá 30 triệu đồng.

Đến ngày 12/4, bà H. mang sợi dây chuyền này đến tiệm vàng N.T (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) bán với giá 31,9 triệu đồng. Qua kiểm tra bằng mắt thường, chủ tiệm vàng N.T cho rằng sợi dây chuyền này xuất thân từ tiệm vàng của mình nên mua vào. Đến ngày 21/4, chủ tiệm vàng N.T sử dụng hóa chất kiểm tra thì phát hiện sợi dây chuyền này là bạc mạ vàng.

“Nhân viên tiếp thị” gây mê

Theo lời kể của chị N.T.M (thôn Khánh Thọ, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), khoảng 14h ngày 8/3, một người đàn ông khoảng 40 tuổi, nước da ngăm đen, mặt rỗ vào tiệm tạp hóa của chị. Người này giới thiệu tên là Hoàng, nhân viên của công ty Tuấn Anh có trụ sở tại TP. Tam Kỳ.

Sau màn giới thiệu, nhân viên Hoàng đưa ra một số sản phẩm nước trái cây và khuyến cáo rằng, nếu chị M. mua các sản phẩm này sẽ được khuyến mãi tủ, bàn, ghế. Vì tiệm tạp hóa của mình nhỏ nên chị M. không mua những mặt hàng này. Giới thiệu nước giải khát không có kết quả, nhân viên Hoàng đưa ra một hộp kẹo cao su mời chị M. ăn thử và mua.

Sau khi ăn kẹo cao su, chị M. cảm thấy nhức đầu, hoa mắt. Sau đó, chị đã lấy tiền gồm 600 nghìn trong ví và 400 nghìn trong quầy tiền ở tiệm tạp hóa đưa cho nhân viên Hoàng để mua hàng của anh ta.

Khi thanh niên này đi khỏi nhà khoảng 15 phút, chị M. mới hoàn hồn và nhớ lại những gì vừa xảy ra. Liền sau đó, chị gọi vào số điện thoại 0928900015 mà nhân viên Hoàng đưa trước đó nhưng số thuê bao không liên lạc được.

Trước đó, một “nhân viên tiếp thị” đến tiệm tạp hóa của ông N.V.H (thôn Lộc Thọ, xã Tam Thái, Phú Ninh) và nói: “Chú ơi, con gặp cô đi chợ, cô nói bỏ cho cô 10 gói xà phòng OMO”. Thấy thanh niên nói đúng việc vợ mình đi chợ nên ông H. không mảy may nghi ngờ và vui vẻ đưa tiền, nhận hàng. Sau khi đối tượng này đi khỏi thì vợ ông H. cũng vừa đi chợ về. Ông H. kể với vợ việc vừa nhận hàng thì vợ ông mới bảo không gặp nhân viên giao hàng nào cả. Hai vợ chồng ông H. mang sản phẩm ra xem thì tá hỏa bởi các gói xà phòng OMO đều là hàng giả.

Đây là những thủ đoạn lừa đảo mới mà người dân cần phải cảnh giác; khi phát hiện đối tượng có hành vi nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan công an xử lý.

Đọc thêm