Quảng Ngãi: Dự án 72 tỷ đồng nhưng phải vận hành bằng tay vì… thiếu điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự án được đầu tư 72 tỷ đồng nhưng phải vận hành bằng tay vì… thiếu điện. Thực tế trớ trêu này đã diễn ra suốt gần 4 năm tại cống ngăn mặn sông Rớ thuộc dự án Đê Phổ Minh (tỉnh Quảng Ngãi), khiến cho công tác chủ động ngăn mặn gặp nhiều gian nan.
Dự án có tổng giá trị đầu tư 72 tỷ đồng. (Ảnh trong bài: Anh Huy)
Dự án có tổng giá trị đầu tư 72 tỷ đồng. (Ảnh trong bài: Anh Huy)

4 năm chưa đấu nối nguồn điện

Công trình Đê Phổ Minh ở TX Đức Phổ (Quảng Ngãi) cách bờ biển chừng 2km, có vai trò quan trọng trong công tác chống xâm nhập mặn, xói lở đất ảnh hưởng việc sản xuất của người dân địa phương.

Tháng 10/2015, công trình Đê Phổ Minh được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư với chiều dài tuyến 1.425m với 4 cống qua đê. Trong đó, cống ngăn mặn sông Rớ lớn nhất với chiều dài 20m.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng và giao cho Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Đến năm 2016, dự án này giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh - BQL) làm chủ đầu tư.

Vào tháng 9/2021, dự án Đê Phổ Minh đã thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp chống xâm nhập mặn, giữ ngọt, bảo vệ an toàn các công trình, nhà ở của các hộ dân sinh sống ở khu vực lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của phường Phổ Minh.

Theo thiết kế được phê duyệt, việc nâng hạ các cửa van để điều tiết nước phục vụ sản xuất tại cống sông Rớ được vận hành bằng điện. Tuy nhiên, do chưa đấu nối nguồn điện nên gần 4 năm qua, địa phương phải dùng sức người để vận hành nâng hạ các cửa van của cống sông Rớ. Cùng với đó, việc nâng hạ các cửa van cũng rất khó khăn do một số chi tiết cơ khí trong quá trình lắp đặt bị lỗi và hư hỏng khi sử dụng.

Ông Nguyễn Quốc Phương, cán bộ giao thông - thủy lợi - khuyến nông - thú y phường Phổ Minh (TX Đức Phổ) cho biết, từ khi nhận bàn giao công trình và đưa vào sử dụng đến nay đã gần 4 năm. Từ đó đến nay cũng là thời gian địa phương và người dân lo âu, khổ sở với vấn đề vận hành dự án.

Theo ông Phương, mỗi lần muốn vận hành nâng hạ các cửa van cống sông Rớ, địa phương phải huy động 10 - 12 người khỏe mạnh thay phiên nhau dùng tay quay các cửa van.

“Nhiều người như vậy mới kham nổi, bởi các cửa van có kích thước lớn và rất nặng. Mỗi lần mở van chúng tôi phải mất cả giờ đồng hồ và cần nhiều người cùng hợp sức mới kéo nổi. Việc vận hành gặp khó khăn nên đôi lúc cống sông Rớ chưa đáp ứng kịp thời mục tiêu ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân”, ông Phương nói.

Cống vận hành thủ công dẫn đến công tác chủ động ngăn mặn chưa hiệu quả

Cống vận hành thủ công dẫn đến công tác chủ động ngăn mặn chưa hiệu quả

Vẫn sẽ tiếp tục vận hành thủ công

Bà Trần Thị Tính (người dân địa phương) cho biết, do vận hành “siêu chậm” nên nước ra vào như không có cống; nước mặn tràn vào trở tay không kịp. Đó là chưa kể việc này còn có thể là tác nhân gây trữ phèn lại trong nội đồng, gây hại cho cây cối.

Vì thế, bà Tính và người dân rất mong các cấp ngành lãnh đạo quan tâm sớm đầu tư hệ thống điện để việc nâng hạ các cửa van được thuận lợi nhằm giảm bớt sức người cũng như chi phí vận hành, đáp ứng nhu cầu ngăn mặn, giữ ngọt bảo đảm cho người dân sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản”.

Trước những bất cập trong công tác vận hành cống ngăn mặn sông Rớ, Chủ tịch UBND phường Phổ Minh, ông Lê Duy Bảo xác nhận, lâu nay địa phương vận hành cống bằng phương pháp thủ công quay bằng tay rất tốn công, mất thời gian. UBND phường đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư và các cơ quan chức năng liên quan tìm giải pháp khắc phục nhưng chưa được.

Liên quan vấn đề này, mới đây UBND TX Đức Phổ đã cử đoàn công tác xuống kiểm tra hiện trường. Sau khi kiểm tra, lãnh đạo TX Đức Phổ cho biết việc đầu tư đường điện không khả thi vì không hiệu quả. Nguyên nhân được đưa ra là vì cống ngăn mặn một năm chỉ vận hành hai lần. Nếu TX đầu tư đường điện để vận hành cống phải mất gần 1 tỷ đồng. Do đó, TX đã làm việc với phường Phổ Minh và thống nhất tiếp tục vận hành cống thủ công như lâu nay.