Quảng Ngãi và bài toán giảm phụ thuộc nguồn thu ngân sách vào giá dầu

(PLVN) - Nhiều năm nay, nguồn thu ngân sách tỉnh Quảng Ngãi phần lớn từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, điều này khiến việc điều hành ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh rơi vào bị động khi giá dầu giảm.

Theo báo cáo của sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Ngãi, năm 2024, tình hình kinh tế xã hội của địa phương đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm quốc phòng và an ninh. 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt, có 9 chỉ tiêu vượt so với chỉ tiêu tại Nghị quyết đề ra.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 29.503 tỷ đồng, bằng 115,5% dự toán HĐND tỉnh giao. Riêng đối với thu nội địa, nếu như cả năm ước đạt 17.640 tỷ đồng, thì thu từ hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất chiếm khoảng 10.200 tỷ đồng.

Số thu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất chiếm phần lớn nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Anh Huy).

Đến cuối năm 2024, từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 200/265 công trình, dự án (chưa bao gồm các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia). Trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng, đầu tư hoàn thành từ nguồn ngân sách địa phương là 179/232 dự án; đầu tư hoàn thành từ nguồn ngân sách trung ương là 13/25 dự án; hoàn thành đưa vào sử dụng 8/8 dự án được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo đúng theo tiến độ.

Năm 2025, Quảng Ngãi đề ra 25 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 7,5 - 8,5%; GRDP bình quân đầu người khoảng 4.710 USD; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khoảng 38 - 39 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt và phấn đấu vượt mức chỉ tiêu trung ương giao 5%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 2,21%.

Kỳ họp 29 HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021- 2026 diễn ra từ ngày 9-11/12. (Ảnh: Anh Huy).

Thảo luận tại kỳ họp thứ 29 HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021- 2026, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá của UBND tỉnh về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 và xây dựng kế hoạch vốn đầu tư năm 2025; báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025.

Các đại biểu cũng đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp căn cơ nhằm triển khai hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2025.

Đáng chú ý, trao đổi về chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước đạt và phấn đấu vượt mức chỉ tiêu trung ương giao 5%, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyện thông tin, nguồn thu ngân sách năm 2024 tỉnh có nhiều thuận lợi và đạt cao bởi giá dầu ở mức cao. Tuy nhiên, dự báo giá dầu năm 2025 sẽ ở mức thấp, tác động lớn đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Vì vậy việc thực hiện chỉ tiêu này trong năm tới sẽ gặp khó khăn.

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Luyện. (Ảnh: Anh Huy).

Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Trần Văn Mẫn cho rằng, việc thu hút được 2 ngành công nghiệp là lọc hóa dầu và luyện thép trong thời gian qua đã tạo nguồn cho thu ngân sách tỉnh. Tuy nhiên cần hạn chế sự phụ thuộc vào giá dầu. Để giải quyết vấn đề này cần thu hút đầu tư vào chế biến “sau dầu, sau thép”, đẩy mạnh logistic.

“Tiêu biểu như Nhà máy thép Hòa Phát đã thu hút thêm 7 dự án vệ tinh. Chúng ta thu hút tốt đầu tư đa lĩnh vực vào KKT Dung Quất, khai thác thế mạnh của cảng nước sâu…, thì sẽ giảm thiểu phụ thuộc vào giá dầu”, ông Mẫn nói.

Để tạo cơ sở cho thu hút đầu tư và KKT Dung Quất và các KCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, đại biểu Trần Văn Mẫn kiến nghị, HĐND tỉnh tiếp tục phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn KKT Dung Quất; xem xét bố trí nguồn thưởng vượt thu và các nguồn khác để thực hiện công tác tái định cư trên địa bàn. Đồng thời, cần sớm đầu tư khu xử lý nước thải tập trung tại các KCN trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định, nhằm tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào hoạt động.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh khóa XIII nhiệm kỳ 2021- 2026. (Ảnh: A.H).

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc cho biết, những ý kiến tham gia thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh sẽ là nội dung để UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng có liên quan tiếp tục hoàn thiện công tác chỉ đạo cũng như thực hiện nhiệm vụ tốt hơn thời gian tới. Qua đó tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Cao Phúc đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành tập trung các giải pháp thu ngân sách, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt năm 2025, tỉnh phải quan tâm chỉ đạo để hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát theo kế hoạch và thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương.

Đọc thêm