Quảng Ninh chào đón Xuân mới

QTV - Một mùa xuân nữa lại về, nhìn lại một năm qua - năm 2009 – tỉnh Quảng Ninh nằm trong bối cảnh chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới; tình hình thời tiết, dịch bệnh và hệ quả của thiên tai lũ lụt...song Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển KTXH và đây chính là tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2010 cũng như kế hoạch 5 năm 2006 – 2010.

QTV - Một mùa xuân nữa lại về, nhìn lại một năm qua - năm 2009 – tỉnh Quảng Ninh nằm trong bối cảnh chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới; tình hình thời tiết, dịch bệnh và hệ quả của thiên tai lũ lụt… đã gây thêm những khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ KTXH của tỉnh. Song với sự chỉ đạo điều hành của tỉnh, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển KTXH và đây chính là tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2010 cũng như kế hoạch 5 năm 2006 – 2010.

Vượt qua những khó khăn, thách thức, năm qua kinh tế của Quảng Ninh vẫn tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GDP đạt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP tăng 10,3%, (chỉ tiêu HĐND tỉnh đề ra từ 10 – 11%) GDP bình quân đầu người ước đạt 1.273 USD (cao hơn mức bình quân cả nước đạt khoảng 1.099 USD).  Tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XI, trong bài phát biểu của mình, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Đức Đam cho rằng: “Tuy tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh đạt 10,3%, thấp hơn so với những năm trước đây nhưng đây là kết quả rất đáng phấn khởi, tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh”.

Một trong những chuyển biến có thể coi là dấu ấn trong năm 2009, đó là những chấn chỉnh, đổi mới rất kiên quyết và có tính cơ bản của công tác  quản lý xây dựng cơ bản (XDCB). Việc Quảng Ninh quyết tâm giải  ngân hết vốn XDCB vào 6 tháng đầu năm và bổ sung thêm vốn vào 6 tháng cuối năm không chỉ có ý nghĩa rất lớn về mặt khối lượng, mà còn có ý nghĩa căn bản trong việc quản lý đầu tư xây dựng. Riêng về khối lượng, việc đẩy nhanh XDCB đã tạo được sức lan tỏa sang  khối công nghiệp vật liệu xây dựng và kinh doanh bất động sản. Năm 2009 riêng ngành xây dựng và vật liệu xây dựng đã tạo bước phát triển ngoạn mục, đóng góp tăng trưởng 2% vào sự tăng trưởng GDP của tỉnh Quảng Ninh.

Thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ, nhờ tranh thủ tốt sự hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực tăng thu ngân sách của tỉnh, vốn đầu tư XDCB tăng cao, đã bổ sung thêm 1.484 tỷ đồng vốn đầu tư XDCB so với kế hoạch giao đầu năm như: Nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Mông Dương - Móng Cái; đường Trới - Vũ Oai; cầu vượt Cẩm Phả, cầu vượt Uông Bí; đường 337, đường 329; Trường THPT chuyên Hạ Long, Bệnh viện Lao và bệnh phổi; bệnh viện Sản - Nhi…Với những cố gắng này góp phần quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, khắc phục tình trạng chậm trễ trong công tác đầu tư trước đây.

Năm 2009 được coi là năm khó khăn đối với ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng, song vượt lên mọi khó khăn đó, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới khách quốc tế giảm, nhưng ngành du lịch Quảng Ninh đã thu hút được khách nội địa tăng cao (tăng 54%). Lượng khách du lịch đạt 4,8 triệu lượ, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 2.600 tỷ đồng. Du lịch Quảng Ninh đang nắm bắt những cơ hội để bứt phá đạt mục tiêu trong năm 2010 này, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 5,2 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 2,4 triệu lượt và tổng doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng.

Mặc dù là một năm đầy những khó khăn nhưng tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn có nhiều cố gắng và đạt kết quả tích cực với trên 18 nghìn tỷ đồng. Tỉnh đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương cùng ngân sách Trung ương và huy động nguồn lực xã hội hóa từ dân doanh để chi cho an sinh xã hội.

Có thể nói, năm qua Quảng Ninh đã thực hiện có kết quả việc bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách, những vùng khó khăn. Cùng với việc chống suy giảm, ổn định phát triển kinh tế, nhiều chính sách hỗ trợ giảm bớt những khó khăn cho đời sống của Nhân dân đã được thực hiện, bên cạnh việc bảo đảm đủ nguồn lực và tăng cường chỉ đạo thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đã có, Quảng Ninh đã thực hiện tốt nhiều chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội mới như: hỗ trợ người nghèo, hộ cận nghèo ăn Tết; trợ cấp cho người có mức lương; bổ sung kinh phí mua thẻ Bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách; tích cực triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà… Tổng số tiền chi an sinh xã hội năm 2009 là trên 558 tỷ đồng; đây là một nỗ lực, mọt bước tiến rất lớn của tỉnh Quảng Ninh trong công tác tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội.

 

Một góc thành phố Hạ Long hôm nay

Năm 2009 cũng đánh dấu một bước về cải cách hành chính của tỉnh với việc tiếp tục Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2010. Trong năm Quảng Ninh đã hoàn thành giai đoạn II Đề án 30 đảm bảo đúng tiến độ quy định của Thủ tướng Chính phủ, tập hợp và công bố trên 2.000 bộ thủ tục hành chính các cấp để rà soát trong giai đoạn tiếp theo; ban hành bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Tổ chức 10 sở, ban, ngành vào làm việc tại Trụ sở liên cơ quan số 2, xây dựng mô hình thí điểm việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông tại một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh, sử dụng hiệu quả Cổng thông tin điện tử trong việc đăng tải thông tin chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, đã góp phần đảm bảo chế độ báo cáo, cung cấp thông tin công khai, minh bạch tới Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và xử lý kịp thời các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân đến liên hệ giải quyết công việc tại các cơ quan, đơn vị.  

Trong 25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu, có 22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 03 chỉ tiêu đạt thấp hơn mức kế hoạch đề ra là: giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ; tổng kim ngạch xuất khẩu và huy động vốn đầu tư toàn xã hội… Song nhìn chung lại, năm 2009 là năm kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng: suy giảm kinh tế được ngăn chặn, kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Kết quả này là do sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt và bao quát đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực công tác của tỉnh; trong đó nổi bật là sự chủ động xây dựng, triển khai sớm kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kịp thời có các giải pháp ứng phó ngăn chặn được suy giảm kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng khá và tăng được nguồn lực đầu tư phát triển trong điều kiện kinh tế suy thoái. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để duy trì tăng trưởng và đảm bảo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động. Tăng cường quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, tài nguyên và môi trường; quản lý điều hành có hiệu quả công tác thu-chi ngân sách, ổn định giá cả thị trường. Quan tâm chỉ đạo các lĩnh vực văn hoá, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách, vùng khó khăn. Quan tâm chỉ đạo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; triển khai tốt hoạt động đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế; cải tiến phương pháp chỉ đạo điều hành, lề lối làm việc tạo chuyển biến trong cải cách hành chính.

Năm 2010, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, trong nước, kinh tế còn có nhiều thách thức do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế năm 2009, tình hình thiên tai, dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp... Song tỉnh Quảng Ninh cũng có nhiều thuận lợi đó là: sự ổn định chính trị - xã hội; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; hạ tầng kinh tế - xã hội dù còn khó khăn nhưng đang có cải thiện tích cực (đường giao thông, các cơ sở y tế, giáo dục...). Năng lực sản xuất của các ngành kinh tế tiếp tục được nâng lên; hoạt động đầu tư phát triển đang có triển vọng tốt, một số công trình quan trọng về nhiệt điện (Thăng Long, Cẩm Phả, Mông Dương); giao thông (sân bay, đường cao tốc); thuỷ lợi... tiếp tục được quan tâm đẩy nhanh tiến độ; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đang chuyển dịch đúng hướng. Những điều kiện thuận lợi này tạo điều kiện huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực để tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu năm 2010 với tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 11 – 12% và kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.

Lê Lan

Đọc thêm