Quảng Ninh: Chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học còn thấp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 17/5, ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh họp nghe và cho ý kiến về Đề án phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Hiện, 87,34% trường học các cấp từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn quốc gia - cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp THCS là 93,19%, cấp THPT là 81,94%. Cơ chế, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo ngày càng được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo công bằng cho các nhóm đối tượng khác nhau.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giáo dục đào tạo vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn trong phát triển KT-XH của tỉnh. Chất lượng giáo dục tuy có tiến bộ nhưng chưa toàn diện, đồng đều và còn có sự chênh lệch giữa các vùng. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học còn thấp. Đột phá về phát triển nguồn nhân lực vẫn chưa được như kỳ vọng.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tổng thể thực trạng phát triển giáo dục, đào tạo tỉnh Quảng Ninh, những kết quả đạt được, hạn chế cùng những nguyên nhân và dựa trên dự báo về quy mô dân số tỉnh Quảng Ninh tới năm 2025, 2030, Đề án đã xác định rõ các quan điểm, mục tiêu, cùng các giải pháp cụ thể.

Qua thảo luận, ban thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng, về quan điểm, Đề án cần nêu rõ: Phát triển giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh là khâu đột phá, cấp bách; gắn chặt với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công trước mắt và chiến lược.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa các vùng miền: đô thị, miền núi, biên giới, hải đảo, nông thôn; giữa giáo dục công lập và ngoài công lập; giữa giáo dục chính quy và không chính quy theo phương châm “ngân sách nhà nước là chủ đạo, kết hợp với tối đa nguồn lực ngoài ngân sách và nguồn lực trong nhân dân chăm lo phát triển giáo dục đào tạo”. Có cơ chế khuyến khích phát triển mạnh mẽ giáo dục ngoài công lập hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, người học và nhà đầu tư theo phương châm tất cả học sinh đều được thụ hưởng chất lượng giáo dục ngày một tốt hơn.

Về mục tiêu, tới năm 2025, Quảng Ninh phải ở top khá trong cả nước về chất lượng giáo dục và là một trong những tỉnh đi đầu trong mô hình giáo dục thông minh, có số cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm 15%. Tới năm 2030, Quảng Ninh ở top các tỉnh, thành phố có chất lượng giáo dục tốt, có số cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm từ 20-25%. Tới 2045, đứng ở top các tỉnh, thành phố có chất lượng giáo dục ở top đầu cả nước.

Ngoài ra, từ nay tới 2025, thực hiện đúng lộ trình giảm số người hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo yêu cầu của Trung ương. 100% giáo viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn và tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia trên 90%.

Trước mắt trong năm 2022, UBND các địa phương dành tối đa quỹ đất để phát triển cho giáo dục đào tạo, văn hóa, con người với tầm nhìn dài hạn; dành nguồn lực đáng kể để đầu tư xây dựng các trường THPT chất lượng cao; khẩn trương xây dựng đề án đào tạo đạt chuẩn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn mới và Đề án tổng thể thực hiện tự chủ ở các cơ sở giáo dục công lập theo lộ trình của Trung ương và của tỉnh đặt ra.

Đọc thêm