Quảng Ninh: Lấy hiệu quả đầu tư công làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế

(PLVN) - Sau 4 năm thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, Quảng Ninh đã tạo sự đổi mới căn bản trong công tác lập kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch đầu tư; các nguồn vốn được huy động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, góp phần giảm dần nợ đọng xây dựng cơ bản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Quảng Ninh Lấy hiệu quả đầu tư công làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế.
Quảng Ninh Lấy hiệu quả đầu tư công làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế.

Nỗ lực thực hiện hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu chi ngân sách

Theo số liệu thống kê, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh là 65.458 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh 45.344 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 20.112 tỷ đồng.

Số liệu trên cho thấy quy mô chi đầu tư phát triển toàn tỉnh tăng 2,32 lần so với giai đoạn 2011-2015; trong đó, ngân sách tỉnh tăng 2,92 lần, ngân sách huyện, thị xã, thành phố tăng 2,4 lần.

Nguồn lực ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng chi ngân sách (từ 43% giai đoạn 2011-2015 lên 64,5-66,7% giai đoạn 2016-2020). Đây là nỗ lực rất lớn trong thực hiện mục tiêu tái cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư đã được thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn qua.

Dự án Cầu Cửa Lục 3 đang được tập trung triển khai thi công. Ảnh: CTTĐTQN
Dự án Cầu Cửa Lục 3 đang được tập trung triển khai thi công. Ảnh: CTTĐTQN

Nguyên tắc phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước được tỉnh bám sát các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020), kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) của quốc gia, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020; tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; phù hợp với khả năng cân đối ngân sách tỉnh, đảm bảo cân đối chung thu hút nguồn lực đầu tư xã hội; bảo đảm công khai, minh bạch và hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương.

Các nguồn vốn được huy động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Giai đoạn 2016-2020, tổng số dự án được triển khai là 4.074 công trình, dự án (ngân sách tỉnh 614 công trình, dự án; ngân sách huyện 3.460 công trình).

Trong đó, tỉnh quan tâm dành 15.867 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm, động lực, nhằm phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, nâng cao năng lực kết nối giữa các vùng miền trong tỉnh và giao thông ngoại tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh đã có đủ cả 4 hệ thống giao thông huyết mạch.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đi vào hoạt động mở ra cơ hội mới cho sự tăng tốc và phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: CTTĐTQN
 Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đi vào hoạt động mở ra cơ hội mới cho sự tăng tốc và phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: CTTĐTQN

Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành gần 100km đường cao tốc, đang triển khai cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài trên 80km, dự kiến hoàn thành trong năm 2021; nâng cấp, cải tạo 130km quốc lộ; làm mới và nâng cấp 65,7km tỉnh lộ...; hệ thống giao thông thủy với Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long hiện đại, quy mô; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Các dự án này có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần hoàn thành thắng lợi 3 đột phá chiến lược của tỉnh.

Hạ tầng kỹ thuật các KCN, KKT được tập trung đầu tư hoàn thiện, đồng bộ, như: KCN Cái Lân, KCN Hải Yên, KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai, KKT Vân Đồn... Tỉnh cũng tập trung ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các chương trình mục tiêu: Chương trình xây dựng NTM, chương trình 135 và Đề án 196, góp phần thay đổi diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng đặc biệt khó khăn, đã đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện 135 sớm hơn 1 năm so với lộ trình của cả nước.

Triển khai hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết liệt đổi mới trong quản lý đầu tư công, công tác lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công của tỉnh đã chuyển từ kế hoạch hằng năm sang kế hoạch trung hạn, bảo đảm cân đối và bố trí đủ vốn cho các công trình, dự án quan trọng có trong danh mục theo các nghị quyết của Quốc hội; bước đầu ngăn chặn được tình trạng phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn, đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thi công làm tăng tổng mức đầu tư, gây nợ đọng xây dựng cơ bản... của giai đoạn trước. Nhiều dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư công, góp phần thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách.

Đọc thêm