Quảng Ninh tăng cường khắc phục 'bệnh sợ trách nhiệm'

(PLVN) - Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa"; tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác...
Các Ủy viên BCH Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh bỏ phiếu tín nhiệm.

Lấy phiếu tín nhiệm: “thước đo” công tác cán bộ

Quảng Ninh đang tổ chức triển khai kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị bảo đảm thực chất, hiệu quả theo Quy định số 96-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch 313-KH/TU ngày 29/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Cuối tháng 9 vừa qua, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt, tiến hành bỏ phiếu cho các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức độ: “Tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.

Trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách luật pháp (Hội LHPN tỉnh) Trần Thị Việt Dung, cho biết: Với trách nhiệm là người ghi phiếu được tham gia các hội nghị, các bước quy trình thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, tôi thấy các hội nghị đều được triển khai nghiêm túc, bài bản, từ công tác chuẩn bị cho đến thực hiện các quy trình. Diễn biến hội nghị rất dân chủ, khách quan, minh bạch. Với trách nhiệm được giao, cá nhân tôi rất khách quan, công tâm trong việc ghi phiếu đối với những người được lấy phiếu.

Kết quả được công bố tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh đúng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và uy tín của các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm.


Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Cùng với Hội LHPN tỉnh, tính đến thời điểm này các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương đã cơ bản hoàn thành các hội nghị, các bước lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định. Đối với chức danh do HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bầu hoặc phê chuẩn, tiến hành thực hiện lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cuối năm 2023. Đối với chức danh lãnh đạo cấp uỷ các cấp, tiến hành sau khi HĐND cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bầu hoặc phê chuẩn.

Theo Kế hoạch số 313 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp). Tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm gồm 2 nội dung: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu). Người được lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức độ: “Tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.

Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa"; tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác.

Đặc biệt, kết quả phiếu tín nhiệm lần này còn được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Cụ thể, đối với những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Với việc đổi mới đánh giá cán bộ thông qua lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Xây dựng cơ chế khuyến khích, khen thưởng, bảo vệ cán bộ, có tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung

Trước thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện rà soát, kiểm tra, giám sát hoạt động của các phòng, ban, đơn vị, nhằm chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời, đảm bảo mọi công việc được hoàn thành theo tiến độ, chất lượng.

Là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, với nhiều nội dung công việc, trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền TP Hạ Long đã thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó, các chỉ tiêu xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương năm sau đều cao hơn trước; bộ mặt đô thị, giao thông, cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư, cải thiện, nâng cao về chất lượng.

Có được kết quả đó, TP Hạ Long đã không ngừng kiện toàn, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền, cơ quan, đơn vị đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý, khắc phục triệt để những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các phòng, ban, đơn vị; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu.

Hằng năm, UBND TP Hạ Long đã ban hành quy chế văn hóa công sở tại các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, phường; Trung tâm Hành chính công thành phố ban hành bộ quy tắc ứng xử cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm việc tại trung tâm. Đồng thời, UBND TP Hạ Long siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân, tại Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng do áp lực công việc lớn nên thành phố cũng không tránh khỏi những bất cập, tồn tại, như xuất hiện tình trạng né tránh, sợ sai, chưa mạnh dạn, quyết liệt trong tham mưu ở một số cán bộ, công chức, viên chức có năng lực hạn chế liên quan đến một số lĩnh vực, như: Quản lý đất đai, giải ngân vốn đầu tư công, mua sắm trang thiết bị. Việc tồn tại vấn đề này đã nảy sinh sự thiếu thống nhất nhiệm vụ qua lại giữa các phòng, ban, các bộ phận trong cơ quan, đơn vị, địa phương, khiến cho công việc chung của thành phố bị chậm, người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn. Đặc biệt trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, nhiều dự án chậm được phê duyệt, thi công chậm tiến độ, dẫn đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công không đạt theo kế hoạch được giao.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được TP Hạ Long xác định là do chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày một chặt chẽ, nội dung công việc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều cán bộ, đảng viên trong cả nước có sai phạm bị đưa ra pháp luật, dẫn đến một số cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, không dám làm, hoặc làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Cùng với đó là do khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi chất lượng công tác tham mưu ngày càng cao, trong khi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có sự tinh giản, liên tục thay đổi và phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định mới của pháp luật có liên quan để tránh làm sai; công tác phối hợp giữa các phòng, ban, cơ quan, đơn vị có lúc, có việc chưa chặt chẽ, kịp thời, chưa bao quát hết vấn đề cần tháo gỡ.

Chưa có chế tài xử lý cán bộ, công chức, viên chức không dám làm, né tránh trách nhiệm, mà chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm, yêu cầu chấn chỉnh, cũng như chưa phát huy cơ chế, chính sách để khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị.

Khắc phục tình trạng trên, tỉnh Quảng Ninh nói chung, TP Hạ Long nói riêng, đang thực hiện rà soát, đánh giá năng lực cán bộ ở từng bộ phận trong hệ thống chính trị, từ đó bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo cân đối, phù hợp giữa năng lực, trình độ chuyên môn gắn với sở trường, kinh nghiệm công tác; kịp thời tinh giản biên chế, đưa ra khỏi hệ thống những trường hợp năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.

Xây dựng cơ chế động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời cán bộ làm việc “5 thật” (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và người dân được hưởng thụ thật) và “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với thử thách), từ đó khắc phục được “bệnh sợ trách nhiệm”, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đọc thêm