“Quên” hàng tỷ đồng tiền phụ cấp của giáo viên

Hàng nghìn giáo viên ở tỉnh Khánh Hòa đã bị tỉnh "giam" tiền đứng lớp phổ cập giáo dục suốt 3 năm nay, với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng.

Hàng nghìn giáo viên ở tỉnh Khánh Hòa đã bị tỉnh "giam" tiền đứng lớp phổ cập giáo dục suốt 3 năm nay, với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng.

Nhiều năm đứng lớp không công

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, trong tổng số 7,5 tỷ đồng địa phương đang nợ giáo viên dạy phổ cập giáo dục (PCGD) thì huyện Diên Khánh chiếm 3,2 tỷ đồng. Cô giáo Bùi Thị Luyến, giáo viên dạy toán Trường THCS Trịnh Phong, thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh), bức xúc:

"Tôi tham gia dạy các lớp PCGD vào ban đêm. Là một giáo viên dạy Toán nên công việc ở trường rất bề bộn, nhưng tối đến vẫn phải đảm nhận 5 tiết PCGD/tuần, rất vất vả. Lúc đó tự động viên mình, ráng dạy để tăng thêm thu nhập. Vậy mà không hiểu sao, từ năm 2007 tôi không hề được thanh toán tiền đứng lớp. Tôi bị nợ đến 20 triệu đồng trong khi nhà thì thiếu trước hụt sau".

Tình trạng bị "quên" chế độ PCGD cũng xảy ra với rất nhiều giáo viên ở Diên Khánh.

Thầy Nguyễn Ngọc Thạch - Hiệu phó Trường THCS Trịnh Phong, phản ánh: Tại trường có 40 lượt giáo viên bị nợ tiền PCGD với hơn 300 triệu đồng. Cứ đến cuối năm giáo viên lại thắc mắc chuyện thanh toán tiền đứng lớp PCGD, chúng tôi đã gửi toàn bộ chứng từ, thống kê lên Phòng GD-ĐT huyện, nhưng trên đó cứ bảo chờ.

Thầy Nguyễn Ngọc Thạch - Hiệu phó Trường THCS Trịnh Phong với đống hồ sơ và danh sách nợ tiền đứng lớp của giáo viên
Thầy Nguyễn Ngọc Thạch - Hiệu phó Trường THCS Trịnh Phong với đống hồ sơ và danh sách nợ tiền đứng lớp của giáo viên

Không biết đòi ai

"Tại Trường THCS Trịnh Phong có 40 lượt giáo viên bị nợ tiền PCGD với hơn 300 triệu đồng".

Thầy Nguyễn Ngọc Thạch
Sáng 13-1, ông Lưu Quốc Thanh - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, giải thích: Nguyên nhân việc nợ tiền đứng lớp PCGD của giáo viên là do có sự hiểu lầm trong thanh quyết toán khoản tiền này.

Trước đây, nguồn vốn này được rót từ Trung ương, nhưng mấy năm gần đây, huyện phải chịu chi trả một phần kinh phí. Do sự thay đổi "chủ chi" nên rốt cuộc không biết ai chi (?).

Thế nhưng ông Bùi Tấn Thi - Trưởng phòng Tài chính huyện Diên Khánh, lại tỏ ra ngạc nhiên với ý kiến này của ông Lưu Quốc Thanh. Theo ông Thi, "chủ chi" tiền PCGD cũng không phải là huyện mà là nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về PCGD (?).

Ông này cũng không hiểu sao từ năm 2007 đến nay, huyện đã hoàn tất hồ sơ gửi lên Sở Tài chính tỉnh nhưng chỉ nhận được trả lời là chưa có nguồn. Ông Thi cũng cho biết, hàng năm tỉnh Khánh Hòa cấp bù cho huyện Diên Khánh 70 -80 tỷ đồng nên huyện không thể có đủ tiền để trả hết chế độ PCGD cho cả huyện được.

"Giả sử phải trả theo phương thức mới thì cũng phải có hướng dẫn thực hiện, đằng này đến nay Phòng Tài chính huyện chưa hề nhận được bất cứ văn bản hướng dẫn nào thì làm sao thực hiện?"- ông Thi thắc mắc.

Vậy rốt cuộc, ai là "chủ chi" khoản tiền này, càng nghe các cơ quan chức năng nói càng thêm rối mù. Chỉ tội cho hàng ngàn giáo viên đêm đêm vẫn phải chong đèn đứng lớp. Lòng cứ thấp thỏm không biết bao giờ tiền chế độ của mình mới được trả.

Họ dạy học trò sự công bằng nhưng còn sự công bằng của chính họ thì không ai để ý đến. Thậm chí, họ còn không dám gửi đơn thư phản ánh chuyện của mình đến các cơ quan chức năng hay cơ quan ngôn luận vì sợ bị kỷ luật. Có người đã hăm dọa họ như thế!

Theo
Mai Khuê
Dân Việt

Đọc thêm