Quốc hội Anh họp khẩn tìm cách chống bạo động

Quốc hội Anh ngày hôm qua (11/8) đã phải triệu tập một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về cuộc bạo động tồi tệ nhất trong vài chục năm qua. Thủ tướng David Cameron cam kết thực hiện mọi biện pháp để khôi phục trật tự, trong đó có cả việc cho phép sử dụng cả vòi rồng và đạn nhựa để trấn áp các vụ bạo động.

Quốc hội Anh ngày hôm qua (11/8) đã phải triệu tập một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về cuộc bạo động tồi tệ nhất trong vài chục năm qua. Thủ tướng David Cameron cam kết thực hiện mọi biện pháp để khôi phục trật tự, trong đó có cả việc cho phép sử dụng cả vòi rồng và đạn nhựa để trấn áp các vụ bạo động.

Lợi dụng bạo động để cướp đồ. Ảnh Dailymail

Chính phủ tìm cách dẹp loạn

Đến sáng 11/8, tình hình đã trở nên yên ắng ở các thành phố của Anh và nhà chức trách không ghi nhận bất kỳ vụ việc nghiêm trọng nào. Thủ tướng Cameron đã phải triệu tập các thành viên Quốc hội mặc dù họ đang trong kỳ nghỉ hè hàng năm để bàn về các cuộc bạo loạn.

Ông  Cameron sẽ phải đối mặt với áp lực về việc xem xét lại kế hoạch cắt giảm ngân sách được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến bạo động. “Chúng ta cần phản công và một cuộc phản công đang được thực hiện” – ông Cameron phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi thảo luận với các quan chức an ninh cấp cao khi tình hình vô luật lệ tái diễn trong đêm 10/8.

Ông Cameron khẳng định sẽ không cho phép “văn hóa sợ hãi tồn tại trên các đường phố”, và cho biết việc tăng cường lực lượng cảnh sát tại London lên 16.000 người đã giúp ngăn chặn làn sóng bạo lực. Thủ tướng của đảng Bảo thủ cũng đã cho phép cảnh sát sử dụng đến vòi rồng và đạn nhựa để đối phó với những đối tượng gây ra bạo động.

Cảnh sát đã bắt giữ hơn 1.100 người trên cả nước kể từ khi các cuộc bạo động bùng phát hôm 6/8 tại quận Tottenham, phía Bắc London – 2 ngày sau khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông đang đi trên một chiếc taxi. Ba tòa án ở London đã phải làm việc thâu đêm 10/8 để xử lý các trường hợp có liên quan đến bạo động. Tại Manchester, 2 người biểu tình tại thành phố phía Đông Bắc này đã bị kết án tù giam lần lượt 16 tuần và 10 tuần.

Còn tại Birmingham – thành phố lớn thứ hai của Anh - cảnh sát đã bắt giữ một kẻ bị tình nghi lái xe đâm chết 3 người Hồi giáo gốc châu Á đang cố gắng bảo vệ các cửa hàng địa phương khỏi những kẻ cướp phá. Đáng chú ý, trong số những đối tượng phải ra hầu tòa có cả một cậu bé mới 11 tuổi, con gái một triệu phú và cả một nhân viên tại trường tiểu học…

Cảnh sát Anh ở phía Nam London. Ảnh: AFP

Phần tử Hồi giáo cực đoan kích động bạo động

Trong khi tình hình ở Anh đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực thì Hãng tin AFP dẫn thông tin từ nhóm tình báo SITE có trụ sở tại Mỹ ngày 10/8 cho biết, các phần tử Hồi giáo cực đoan đang tập hợp lực lượng, phát tán hàng loạt thông điệp chống Anh trên nhiều trang web với hy vọng lợi dụng tình hình bạo động đang nổ ra tại nhiều thành phố ở Anh để trục lợi.

SITE – nhóm tình báo chuyên giám sát các thông điệp từ các nhóm cực đoan - cho hay, các phần tử này muốn lợi dụng bạo động, thông qua các diễn đàn xã hội, để hô hào kích động những kẻ gây bạo động, có lẽ nhằm dẫn đến các cuộc biểu tình kiểu “Mùa xuân Ả rập” tại Anh.

Cụ thể, trong một thông điệp đăng trên diễn đàn Hồi giáo Shumukh Al hôm 10/8, một phần tử cực đoan cho rằng các cuộc bạo động ở Anh có thể sẽ “rất hữu ích” cho sự nghiệp thánh chiến và khuyên Anh nên rút quân khỏi Afghanistan để triển khai tại London.

Sau đó, tên này cũng hô hào các tay súng thánh chiến “thâm nhập vào các diễn đàn ở Anh, các trang mạng xã hội Facebook và Twitter” với những khẩu hiệu dễ nhớ như “Chúng ta đều là Mark Duggan” – người đàn ông đã bị cảnh sát Anh bắn chết và là nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo động.

Còn trên trang Abu al-Harith al-Qandahari, một thông điệp viết: “Những gì đang diễn ra ở London hiện nay là cơ hội cho các chiến binh Hồi giáo tiến lên và dễ dàng xoay chuyển tình thế. Phong trào Thánh chiến cần bắt đầu việc tuyển dụng vì đây là cơ hội tốt và họ phải sẵn sàng vì cảnh sát Anh còn đang bận đối phó với các cuộc bạo động”.

Trong khi đó, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy, chỉ có 8% người Anh cho rằng việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vụ bạo loạn gần đây còn hầu hết những người được hỏi đều cho đó là kết quả của hành vi phạm tội và sự gia tăng của văn hóa băng đảng.

Tờ Le Monde của Pháp cho rằng tình trạng bạo loạn khó kiểm soát tại một số khu vực của London đã phản ánh sự “khủng hoảng lòng tin của dân chúng đối với cảnh sát”. Đặc biệt, việc giới chức Anh xác nhận Mark Duggan không hề nổ súng trước mà bị cảnh sát bắn chết khiến hình ảnh của cảnh sát Anh xấu đi trong mắt dân chúng.

Hà Dung (Theo BBC, AFP)

Đọc thêm