Quốc hội nhất trí đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2017 khoảng 6,7%

(PLO) - Với 420/428 đại biểu (ĐB) có mặt bỏ phiếu tán thành, hôm qua (7/11) Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 vừa được QH thông qua đề nghị đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội trong năm tới là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện 3 đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai…

Nghị quyết đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tập trung tinh giản biên chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, theo Nghị quyết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 22,5%; số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%...

Để đạt được các mục tiêu trên, QH yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Một số giải pháp đáng chú ý được nêu trong Nghị quyết bao gồm: thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; phát triển thị trường mua bán nợ, kiểm soát chặt chẽ, xử lý hiệu quả nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi người gửi tiền; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công và bội chi ngân sách nhà nước.

Nghị quyết đề nghị tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các giải pháp tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, loại bỏ rào cản bất hợp lý. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp. 

Nghị quyết đề nghị đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tiếp tục tập trung vào 3 trọng tâm cũng như các nhiệm vụ ưu tiên và chương trình hành động theo Nghị quyết của QH về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị quyết 76/2013/QH13 và các chương trình mục tiêu về an sinh xã hội; có giải pháp ngăn chặn và xử lý tình trạng lạm dụng và trục lợi quỹ bảo hiểm y tế; tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm…

“QH kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017” – Nghị quyết nêu rõ.

Thảo luận về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhất trí với quy định bổ sung quy định về quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ vào Dự thảo Luật bởi tiền chất nổ đang được bán công khai trong khi việc sử dụng chất này lại được hướng dẫn trên mạng nên tội phạm có thể sử dụng dễ dàng.
ĐB Cầu cho biết ở Nghệ An đã có một số cơ sở khai thác sử dụng chế thuốc tương đương TNT. Do đó, ngoài bổ sung quy định về quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ vào Dự án Luật, ĐB còn đề nghị bổ sung hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vào Bộ luật Hình sự năm 2015. 

ĐB Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) đề nghị bổ sung quy định về quản lý sử dụng pháo nổ, pháo hoa vì trên thực tế đã xảy ra những vụ mất an toàn và việc quản lý sử dụng pháo. Góp ý thêm về một số nội dung của Dự thảo Luật ĐB Khánh và một số ĐB khác nhất trí đề nghị quy định chỉ doanh nghiệp nhà nước mới được sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhưng đề nghị tách bạch doanh nghiệp sản xuất với kinh doanh.

Một số ĐB cũng đề nghị quy định rõ việc nổ súng để vừa tránh tình trạng lạm quyền khi nổ súng, vừa tạo cơ sở vững chắc cho lực lượng thực thi pháp luật khi thi hành công vụ. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật quy định trang bị vũ khí cho cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Đọc thêm