Quốc hội phải gắn với nỗi lo thường trực của cử tri

(PLO) -  “Có những ý kiến từ những năm 80 — 90 giờ vẫn phải hỏi lại. Cử tri không cần biết nghị quyết này, nghị quyết nọ mà quan trọng là tình hình và sự phản ánh của họ phải có sự thay đổi, có chuyển biến”- ĐB  Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) thẳng thắn.
Đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề.
Đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề.

Đó là thành tựu nổi bật của khóa XIII được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ghi nhận tại phiên thảo luận về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội (QH), các cơ quan của QH nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016) hôm qua (28/3). Tuy nhiên, ĐBQH cho rằng, QH còn mắc nhiều nợ với cử tri, đất nước nên mỗi ĐBQH và cả QH khóa sau cần nâng cao chất lượng hoạt động. QH còn nợ cử tri... 

Nhiều ĐB cho rằng quyền lực của QH hiện tại vẫn chưa tương xứng với vị thế. Việc thi hành Hiến pháp 2013 thông qua soạn thảo Luật cũng chưa thực sự tốt. Đâu đó vẫn còn tình trạng người soạn thảo “nắn” luật tinh vi, thực hiện lợi ích nhóm, lợi ích ngành để sau này thuận lợi trong việc kiểm soát trong quản lý hành chính. 

Theo ĐBQH, nhiệm kỳ qua còn không ít vấn đề QH, ĐBQH chưa đáp ứng hết được những mong mỏi của cử tri; chưa tạo được cơ chế bứt phá để đất nước tiến nhanh “bằng bạn, bằng bè”… Do vậy, nhiệm vụ căn bản nhất, cấp bách nhất của nhiệm kỳ tới là thực hiện cải cách bộ máy.

“Một bộ máy còn những chỗ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ thì bộ máy ấy sẽ còn tình trạng dẫm chân lên nhau, khó đạt hiệu năng, hiệu quả cao nhất. Một hệ thống chính trị và một bộ máy cồng kềnh, đồ sộ, không tinh giản được biên chế thì sẽ không tiến hành cải cách được chế độ tiền lương, khó chống được tình trạng tham nhũng, cửa quyền” — ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) phát biểu.

ĐB Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) còn chỉ ra, nhiệm kỳ QH vừa qua nổi lên “7 nỗi lo (ngoại xâm, nội xâm, suy thoái đạo đức xã hội, tụt hậu kinh tế, nợ công quốc gia quá cao, văn hóa dân tộc đangbị mai một, thiếu kỷ cương) và 3 mong ước (bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp thật sự tinh hoa trí tuệ, thật sự tận tụy, thật sự liêm chính; xã hội dân chủ, kỷ cương, an bình; văn hóa dân tộc được duy trì, phát triển bền vững, đất nước thanh bình, phát triển)” của nhân dân cả nước. Đó là yêu cầu để “QH phải trách nhiệm mạnh mẽ hơn nữa, gắn chặt hơn nữa với nỗi lo thường trực và mong ước chính đáng của nhân dân” — ĐB nhấn mạnh.

Đại biểu nêu cao trách nhiệm, không ngại va chạm Chất vấn là một trong những hoạt động giám sát của QH được ĐBQH cho rằng thể hiện được “bản lĩnh” của QH và ĐBQH. Từ thực tiễn hoạt động chất vấn trong nhiệm kỳ XIII, ĐBQH đã nêu cao trách nhiệm trước cử tri, thẳng thắn đưa ra những bức xúc, băn khoăn của cử tri về những vấn đề kinh tế - xã hội hiện nay để đưa lên diễn đàn QH, yêu cầu Chính phủ cũng như các bộ, ngành quan tâm giải quyết.

“Các bộ trưởng bây giờ cũng không ngại chất vấn nữa, quan hệ giữa QH và Chính phủ, các bộ không còn căng thẳng giữa người bị chất vấn và người chất vấn nữa. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện QH, Chính phủ ngày càng gắn kết với nhau trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay của cuộc sống” — ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận xét.

Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa tránh khỏi những hạn chế mà QH khóa sau cần rút kinh nghiệm, bắt đầu từ chất lượng chất vấn của từng ĐBQH. ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng việc giám của QH chưa được thực hiện triệt để, tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa” còn nhiều. QH chỉ nghe báo cáo mà có nhiều vấn đề muốn kiểm tra nhưng không kiểm tra được vì Luật không cho phép.

Theo ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát thì giám sát phải gắn với vụ việc cụ thể, hoạt động chất vấn phải làm rõ trách nhiệm… Góp ý nâng cao chất lượng tổ chức giám sát, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đề xuất chọn nội dung giám sát có trọng tâm, chuyên sâu, giám sát chi tiết, không dàn trải, cần có các cán bộ chuyên sâu tham gia đoàn giám sát… 

Bên cạnh đó, một số ĐB thừa nhận QH vẫn chưa thực sự gắn bó với cử tri, có đến 65% ý kiến của cử tri, QH nhận được mà chưa thực hiện. “Có những ý kiến từ những năm 80 — 90 giờ vẫn phải hỏi lại. Cử tri không cần biết nghị quyết này, nghị quyết nọ mà quan trọng là tình hình và sự phản ánh của họ phải có sự thay đổi, có chuyển biến”- ĐB Sơn thẳng thắn.

Không chỉ vậy, tần suất ĐB tiếp xúc cử tri vẫn còn quá ít. “Mỗi năm tiếp xúc với cử tri 4 lần để báo cáo cử tri, do vậy cử tri không thể nhớ được mặt ĐB”- ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) phản ánh. Theo ĐB Hà, QH khóa tới nên tăng số lượng đại biểu chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp, có kinh nghiệm làm luật.

Đọc thêm