30.000 dân Ecuador vật vã trong cuộc chiến đòi bồi thường về chất thải độc hại

(PLO) -Suốt hơn 20 năm nay, 30.000 người dân Ecuador vẫn đang đeo đuổi vụ kiện đòi Tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ bồi thường về việc xả các chất thải độc hại ra môi trường, hủy hoại sức khỏe, tính mạng cũng như sinh kế của họ.
Những hồ chứa nước thải và dầu của Chevron còn tại Ecuador
Những hồ chứa nước thải và dầu của Chevron còn tại Ecuador

25 tỉ USD… 

Lago Agrio là khu vực có nhiều dầu ở gần thành phố Nueva Loja thuộc tỉnh Sucumbios, Ecuador. Năm 1964, Công ty xăng dầu Texaco (TexPet) bắt đầu khai thác dầu ở khu vực phía Đông Bắc Ecuador, bao gồm mỏ dầu Lago Agrio. 1 năm sau, Texaco kết hợp với Công ty hóa dầu Gulf Oil, bắt đầu khai thác dầu quy mô lớn ở Nueva Loja. 

Năm 1974, chính phủ Ecuador thông qua công ty dầu khí quốc gia  CEPE, nay là Petroecuador, tiếp nhận 25% cổ phần của liên doanh trên. Đến năm 1976, liên doanh trên chủ yếu do chính phủ Ecuador tiếp quản và đến năm 1993 thì Petroecuador trở thành chủ sở hữu duy nhất của mỏ dầu Lago Agrio, tiếp tục khai thác tại đây. 

Năm 1992, Texaco đã dừng mọi hoạt động ở Ecuador. Một số thống kê cho biết, trong khoảng thời gian hơn 20 năm từ khi Texaco bắt đầu hoạt động, họ đã khai thác được 1,7 tỉ thùng dầu từ mỏ Lago Agrio, thu về khoảng 25 tỉ USD.

Chỉ 1 năm sau đó, năm 1993, một nhóm các luật sư người Mỹ đã thay mặt 30.000 người dân Ecuador sống ở khu vực xung quanh mỏ dầu Lago Agrio đệ đơn kiện chống lại Texaco – công ty được Chevron mua lại vào năm 2001 – với cáo buộc công ty này trong khoảng thời gian từ năm 1964 đến 1990 đã cố tình xả nước thải nhiễm độc ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế và sức khỏe của người dân.

… và 70 tỉ lít chất thải độc hại

Theo đơn kiện, một trong những nguồn gây ô nhiễm chính từ hoạt động sản xuất của Texaco chính là nước thải từ quá trình sản xuất dầu mỏ, được gọi tắt là nước sản xuất. Loại nước này có chứa dầu thải ra trong quá trình sản xuất, cực kỳ nóng, chứa cả các kim loại nặng độc hại nên theo quy định, các công ty hoạt động trong ngành công nghiệp dầu mỏ phải đưa nước sản xuất vào các giếng ngầm để nó không thể gây ô nhiễm các nguồn nước hay mạch nước ngầm. 

Nước sản xuất từ lâu đã bị xác định là độc hại và việc thải nước này ra môi trường đã bị nhiều bang của Mỹ cấm tại thời điểm Texaco hoạt động ở Ecuador. Bản thân Texaco trong các năm 1971 và 1974 cũng đã được cấp bằng sáng chế về công nghệ xử lý nước sản xuất nên chắc chắn không xa lạ với khái niệm xử lý nước sản xuất. 

Hơn 30.000 người dân Ecuador đã bị ảnh hưởng bởi việc ô nhiễm.

Hơn 30.000 người dân Ecuador đã bị ảnh hưởng bởi việc ô nhiễm.

Tuy nhiên, đó là ở Mỹ - nơi có quy định chặt chẽ về vấn đề bảo vệ môi trường. Còn ở Ecuador, công ty này chọn cách đơn giản là xả nước thải độc hại ra bề mặt các dòng sông, suối ở địa phương để tiết kiệm tiền.

Ngoài ra, công ty này cũng đã đào khoảng 900 hố thải không có vách ngăn để đổ các chất thải trong quá trình sản xuất, khiến những nguồn nước này ngấm vào nước sinh hoạt và mưu sinh của người dân. 

Theo đơn kiện, trong vòng hơn 20 năm, Texaco đã thải hơn 70 tỉ lít chất thải có độc hại cao vào các dòng sông và suối mà người dân Ecuador vốn dùng làm nguồn nước uống, tắm rửa và đánh bắt thủy sản. Trong số các chất độc hại có trong các loại nước thải của Texaco có benzene và các hydrocarbon ở mức độ chết người. 

Bên cạnh đó, việc vỡ đường ống dẫn dầu và khí đốt của công ty cũng thường xuyên xảy ra, khiến lượng nước thải độc hại được đưa trực tiếp vào môi trường càng lớn hơn. Việc xả thải như vậy được cho là đã giúp công ty trên tiết kiệm được khoảng 3 USD chi phí sản xuất với mỗi thùng dầu.

Những hậu quả khủng khiếp

Một số ước tính cho rằng, với việc không áp dụng công nghệ xử lý chất thải phù hợp, Texaco đã tiết kiệm được khoảng 4,5 tỉ USD trong quá trình hoạt động ở Ecuador. Nhưng, thiệt hại mà việc “tiết kiệm” này đưa đến là không thể tính toán nổi đối với người dân và môi trường ở đây.

Theo đơn kiện được nộp năm 1993, khi Texaco bắt đầu xả nước sản xuất ra môi trường, người dân địa phương bắt đầu ghi nhận các hiện tượng như phát ban và một số bệnh khác. Thêm vào đó, nhiều loại cá đột ngột biến mất khỏi các con sông ở khu vực xung quanh mỏ dầu, khiến những người Ecuador bản địa lâm vào cảnh nghèo đói do họ vốn phụ thuộc vào nguồn sinh kế là đánh bắt cá ở các sông.

Ở Sucumbios, toàn bộ hệ thống nước và đất ở đây cũng đã bị ô nhiễm. Hầu như tất cả các loại thực phẩm ở đây, dù là được nuôi trồng hay đánh bắt ở trong môi trường tự nhiên và ở sông, suối đều không an toàn để ăn.

Nhưng vì không có lựa chọn khác nên hàng nghìn người dân vẫn từ từ đầu độc chính bản thân họ vài lần mỗi ngày bằng việc uống nước, tắm rửa bằng nguồn nước ở địa phương và cả hít thở bầu không khí đầy chất độc hại ở đây. 

Theo các thống kê, đã có hơn 1.400 người tử vong vì các bệnh ung thư có liên quan đến việc xả thải của Texaco, trong đó, nhóm trẻ em dưới 14 tuổi là những người dễ bị tổn thương nhất. Tỉ lệ sẩy thai ở các thai phụ, trẻ sơ sinh bị dị tật và tỉ lệ mắc bệnh ung thư máu cũng đã tăng cao đột biến. 

Trong một thời gian dài, tỉ lệ trẻ bị bạch cầu cao gấp 4 lần so với trung bình ở các nơi khác, trong đó có nhiều em bé vừa mới sinh ra đã mắc bệnh và tử vong chỉ ít lâu sau đó. Các em nhỏ may mắn không bị bệnh cũng không được hưởng cuộc sống đầy đủ do cha mẹ các em mất đi sinh kế. Nền kinh tế ở địa phương đã suy giảm nhanh chóng, tới mức gần như kiệt quệ.

Trong khi đó, về phần mình, Texaco đã chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm. Năm 2001, khi vụ kiện vẫn đang tiến hành, Chevron đã mua lại công ty trên, tiếp quản toàn bộ những vấn đề mà công ty này để lại. Chevron tiếp tục khẳng định đã xử lý toàn bộ các chất thải sản xuất trước khi dừng hoạt động tại Ecuador. Song, người dân địa phương khẳng định, công ty chỉ lấp những hố chứa nước thải độc hại trên bề mặt còn thực tế chất độc vẫn tiếp tục ngấm vào nguồn nước ngầm. 

Vụ kiện thế kỷ

Năm 2011, tòa án Lago Agrio ra phán quyết cho rằng Chevron phải chịu trách nhiệm về việc đổ hàng tỉ lít chất thải độ hại ra các cánh rừng khi hoạt động ở Ecuador từ năm 1964 tới năm 1992 và buộc công ty này phải bồi thường 19 tỉ USD cho người dân. Phán quyết có tội đối với Chevron 1 năm sau được Tòa án tối cao Ecuador giữ nguyên nhưng mức bồi thường được giảm xuống còn 9,5 tỉ USD. 

Quyết định này của tòa được đưa ra dựa trên chính những báo cáo kỹ thuật và các khảo sát môi trường của Chevron, theo đó cho thấy rõ công ty hoàn toàn nhận thức được mức độ ô nhiễm dầu ở mức độ đe dọa đến tính mạng của người dân ở các hố chứa nước thải của mình cũng như các sông, suối đã bị công ty này xả thải ra môi trường. 

Thêm vào đó, cựu giám đốc điều hành của Chevron Rodrigo Perez Pallares cũng công khai thừa nhận việc xả thải này tại tòa án. Các bằng chứng khoa học chống lại công ty này cũng đã được nhiều bên thứ 3 độc lập xác nhận.

Nhưng vì Chevron khi đó không còn tài sản nào ở Ecuador nên các nguyên đơn buộc phải kiện tại Mỹ và các nước khác mà công ty này có mặt để thu được tiền bồi thường, trong đó có Canada, Brazil và Argentina.

Thua kiện ở Ecuador, Chevron đã đưa vụ việc ra tòa án Mỹ, cáo buộc luật sư đứng đầu nhóm cố vấn pháp lý của các nguyên đơn là ông Steven Donzinger đã hối lộ thẩm phán ở Ecuador để thẩm phán đưa ra phán quyết có lợi cho các nguyên đơn – cáo buộc về sau được thẩm phán tại Mỹ công nhận, đồng nghĩa với việc tòa án Mỹ bác bỏ yêu cầu Chevron phải bồi thường cho những người dân Ecuador.

Tuy nhiên, ánh sáng đã le lói lên với người dân Ecuador khi Tòa án tối cao Canada đầu tháng 9/2015 đã ra phán quyết cho rằng vì Chevron có khối tài sản trị giá khoảng 15 tỉ USD ở Canada nên người dân Ecuador có thể tiếp tục kiện Chevron ở tòa án tại nước này.

Phán quyết này dù không đồng nghĩa với việc người dân Ecuador có thể thu giữ tài sản của Chevron ở Canada nhưng cũng đã mở đường cho họ tiếp tục theo đuổi vụ kiện nhằm đòi số tiền bồi thường 9,5 tỉ USD theo bản án được Tòa án tối cao Ecuador đưa ra năm 2012.

Mặc dù vậy nhưng, số tiền này, theo nhiều chuyên gia, dù có lấy được cũng không thể bù đắp được cho việc khoảng 50.000km2 đất ở khu vực Lago Agrio đã bị ảnh hưởng bởi việc xả dầu và nước thải độc hại ra môi trường, gây ra bệnh tật và chết chóc cho người dân, đầu độc các loài động vật và khiến những bộ lạc ở khu vực rừng rậm ở Ecuador phải sơ tán hoặc diệt vong.

Đọc thêm